Sở hữu trí tuệ là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp

(VOH) - Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết các quy định của pháp luật quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp...

Theo chia sẻ từ các chuyên gia tại hội thảo:”Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam” do Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức ngày 5/3 tại TPHCM, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cả trong và ngoài nước, phải xem sở hữu trí tuệ là tài sản lớn của doanh nghiệp.

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trong thời gian qua có rất nhiều bài học về việc bị mất các nhãn hiệu ở nước ngoài, khiến cho hàng hóa Việt Nam khó tiếp cận thị trường xuất khẩu. Việc lấy lại các nhãn hiệu đã mất là rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 cả nước chỉ có 38 sáng chế và 523 nhãn hiệu nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Đây là một con số còn khiêm tốn.

Vì vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết các quy định của pháp luật quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ để lựa chọn phương thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Sở hữu trí tuệ là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp

Quang cảnh buổi hội thảo.

Ông Phí cho hay với những thông tin được trình bày tại hội thảo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm kiến thức, kinh nghiệm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, đặc biệt là thông qua các hệ thống đăng ký quốc tế. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thông qua việc đàm phán, gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ. Thực hiện hỗ trợ và cung cấp thông tin cũng như giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ.