Tăng cường quản lý và xây dựng chuỗi liên kết ngành yến phục vụ xuất khẩu

(VOH) - Chiều 27/9, tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị tăng cường quản lý và xây dựng chuỗi liên kết ngành yến phục vụ xuất khẩu tổ yến.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay trên thế giới có 3 quốc gia nuôi chim yến nhiều gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia với sản lượng 450 tấn tổ yến, chiếm 87% sản lượng yến thế giới. Riêng Việt Nam, Philippines, Campuchia và Myanma lượng tổ yến chiếm 13%. Theo các chuyên gia, năm 2018, Việt Nam sản xuất khoảng 100 tấn yến, với 80% xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand.

Hiện cả nước có 42 tỉnh TP có nghề nuôi chim yến, với trên 11.750 nhà yến, tăng 1,4 lần so với năm 2017, hơn 8.300 nhà yến. Hai tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa có số lượng nhà yến lớn nhất, chiếm gần 30% nhà yến cả nước. Cơ hội phát triển ngành yến, tổ yến có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. khoảng 1.500 – 2.000 đô la Mỹ/kg tổ yến. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tổ yến hiện khoảng 100 -125 triệu đô la Mỹ một năm.

Hiện một số doanh nghiệp cùng ngành nông nghiệp đang đàm phán với phía Trung Quốc để xuất khẩu tổ yến sang thị trường này. Trung Quốc hiện nhập khẩu gần 90 tấn tổ yến chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Dự kiến năm 2020 sẽ nhập khẩu tổ yến từ việt Nam.

Trung Quốc có yêu cầu về một số chỉ tiêu chất lượng yến sào như lượng Nitrit, vi khuẩn bệnh, chất ô nhiễm, thuốc bảo vệ thực vật, độ tinh khiết, độ ẩm, độ đạm... tổ yến sẽ được phân thành 3 loại, đặc biệt, loại 1 và 2...

Mọi việc đã và đang được chuẩn bị, bà Đỗ Tú Quân, Giám đốc Công ty Yên Quân, Chi hội Nhà Yến Việt Nam cho biết: ”Nếu nông dân ngành yến liên kết tốt, chúng ta không bị cảnh 'được mùa mất giá', cũng không phải “té” như Malaysia, họ xây rất nhiều nhà yến nhưng họ không xuất được chính ngạch qua Trung Quốc và giá cả bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng khi Trung Quốc 'siết' tiểu ngạch.

Vậy cho nên cơ hội của chúng ta, có thể kiếm về cho đất nước khoảng 6.000 tỷ từ ngành yến nhưng nếu như tính hiệu quả không tốt, một nhà thu được chỉ 2kg tổ yến thì chúng ta đang lãng phí 10.000 tỷ. Vậy nên để tận dụng cơ hội và tránh thách thức, chúng ta nên liên kết lại với nhau".

Một số tồn tại, hạn chế nghề nuôi yến hiện nay như chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến, nhà nuôi xen lẫn khu dân cư chiếm 90%, chi phí xây nhà yến từ 1-6 tỷ đồng, kỹ thuật nuôi chim yến, quản lý điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh. Tại Việt Nam, đòi hỏi phải liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý nghề nuôi yến, ô nhiễm môi trường.

Hội nghị tăng cường quản lý và xây dựng chuỗi liên kết ngành yến cho xuất khẩu

Hội nghị tăng cường quản lý và xây dựng chuỗi liên kết ngành yến cho xuất khẩu

Để nâng cao chất lượng tổ yến, ông Trần Lam, chủ 5 nhà yến ở tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Theo tôi nên thực hiện theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp, tức là phải có sự phối hợp, có lãnh đạo, thực hiện theo chuỗi nhà yến, để cho yến trở thành một ngành kinh tế lớn, có ý nghĩa cho việc đóng góp cho kinh tế của nước nhà”.

Để quản lý nghề yến, đã có Thông tư 35 năm 2013 của ngành nông nghiệp, Nghị định 155 năm 2016 của Chính phủ, Quyết định 553 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 và mới đây Luật chăn nuôi năm 2018, có hiệu lực từ 01/01/2020 có các quy định về quản lý nuôi chim yến, vùng nuôi, cơ sở nuôi, quy định các chỉ tiêu chất lượng tổ yến sơ chế, kỹ thuật nuôi...

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết một số giải pháp: “Phải có định hướng cụ thể từ việc quy hoạch những vùng nuôi yến của các tỉnh. Thứ hai phải có hướng dẫn cụ thể về kiểu cách nhà yến, sử dụng vật liệu để làm nhà yến phù hợp thì mới có sản phẩm tổ yến để đảm bảo xuất khẩu tốt hơn”.

Tại hội nghị, về triển vọng phát triển ngành yến đi kèm với thực hiện Luật Chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bô Nộng nghiệp và Phát triển Nông thôn nói: “Trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển chăn nuôi yến đạt khoảng 4% đến 6%. Tất cả tiềm năng lợi thế đều phải khơi dậy khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực. Đồng thời với chiến lược chăn nuôi cho 10 năm tới, tầm nhìn cho 20-30 năm tới, Bộ đang tập trung cho 3 mũi nhọn. Một là tập trung triển khai Luật Chăn nuôi. Hai là hình thành một chiến lược mới trên cơ sở tổng kết chiến lược cũ. Ba là giữ đà tăng trưởng, đồng thời phát triển chăn nuôi một cách toàn diện.”

Dự kiến yến sào nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2019 khoảng 180 tấn, năm 2020 khoảng 220 tấn và năm 2021 khoảng 300 tấn. Riêng năm 2017, doanh thu bán yến trên trang Alibaba đã đạt khoảng 2 tỷ đô la Mỹ.

Theo dự kiến đến năm 2025, sản lượng tổ yến Việt Nam khoảng 160 tấn, trong đó xuất khẩu 100 tấn yến thô sang Trung Quốc. Sơ chế 60 tấn yến thô được 42 tấn yến tinh, trong đó xuất khẩu 25,2 tấn sang Singapore và Mỹ, còn lại tiêu thụ trong nước. Tổng giá trị khoảng 300 triệu đô la Mỹ của cả ngành yến, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2018.