Tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại

(VOH) - Chính phủ yêu cầu  các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác dự  báo, thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa được Chính phủ ban hành yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đề cao trách nhiệm cá nhân, tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo chuyển biến rõ nét trong những tháng còn lại của năm 2018.

Tăng cường công tác phân tích dự báo.

Tăng cường công tác phân tích dự báo.

Tăng cường công tác phân tích, dự báo

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, tài chính trong nước và thế giới, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, kiên quyết không gia hạn, chuyển tiếp đối với các dự án giải ngân chậm tiến độ. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư. Khẩn trương hoàn thành Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, bố trí vốn đầu tư trung hạn để cải tạo, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam.

Bộ Tài chính có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo lộ trình, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước hợp lý. Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách nhà nước, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán; điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Đánh giá kỹ tác động của các chính sách thuế mới, tạo đồng thuận xã hội. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước. Tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại. Hướng dẫn sắp xếp lại, xử lý tài sản công đang còn vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 167/2017/NĐ-CP, đặc biệt là các cơ sở nhà đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; trường hợp cần thiết, đề xuất báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP cho phù hợp.

Chiến tranh thương mại.

Chiến tranh thương mại. Hình minh họa.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng. Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án sản xuất công nghiệp quan trọng, tạo sức lan tỏa.

Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Chú trọng khâu chế biến, bảo quản, xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chủ động phương án phòng, chống kịp thời, đặc biệt là đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng hơn nữa phát triển du lịch chất lượng cao, phấn đấu đạt chỉ tiêu đã đề ra về số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo đảm chỉ tiêu về số lượng khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển du lịch.

Cơ cấu lại nền kinh tế.

Cơ cấu lại nền kinh tế.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân; tăng năng lực cạnh tranh của các đô thị; coi khoa học công nghệ là động lực tăng trưởng mới.

Chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương, nhất là xây dựng khung pháp lý, quản lý hiệu quả các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt.

 Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, cơ quan thường trực là Văn phòng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Chính phủ điện tử theo phân công, bảo đảm tiến độ và hiệu quả.

Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng phát triển công nghệ 4G/5G, tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet kết nối vạn vật để thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế số. Đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; phối hợp với Bộ Công an kiên quyết xử lý các trường hợp đưa thông tin xấu, độc, sai sự thật; tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin để tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, Chính phủ điện tử. Thúc đẩy thông tin, truyền thông tạo đồng thuận và niềm tin của xã hội.

Các bộ, ngành chủ động phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện bàn giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo đúng kế hoạch, bảo đảm hoạt động bình thường của các doanh nghiệp.