Thêm dự báo thiệt hại cho đồng bằng sông Cửu Long

(VOH) - Hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mê Kông và câu chuyện ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – Việt Nam” vừa được tổ chức tại Cần Thơ, đã đưa ra góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và các dự án phát triển vùng thượng lưu sông gây ra.

Những thiệt hại về sinh kế và những lo ngại mà cư dân đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu là minh chứng rõ nét cho thấy sự cần thiết các bên liên quan xem xét lại tính cân bằng giữa lợi ích kinh tế và giá trị môi trường bền vững trong khu vực. Đây là hậu quả của việc con người tác động vào dòng chảy sông Mê Kông khiến cả vùng lưu vực đang đứng trước nguy cơ thiệt hại to lớn.

Trước bối cảnh các nước thượng nguồn sẽ tiếp tục xúc tiến xây đập, khiến nguồn nước ấy hầu như không còn lượng phù sa và dinh dưỡng đủ để bồi tụ và nuôi sống các hệ sinh thái ở vùng đồng bằng cuối nguồn này. Dự báo, tương lai sụt lún và tan rã đồng bằng là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Nhân Quảng (trái) cùng đi khảo sát khu vực U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang với các nhà báo trong nước và quốc tế.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhân Quảng – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Quản lý Tài nguyên Nước:

* VOH: Thưa ông, có ý kiến cho rằng ĐBSCL là vùng trũng hứng chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi của sông Mekong. Vậy theo ông dự báo ĐBSCL và lưu vực sông Mekong nói chung sẽ phải chịu hậu quả gì trong năm nay? Liệu những tác hại này có nghiêm trọng hơn những năm trước hay không ?

Ông Nguyễn Nhân Quảng: Nguồn nước của sông Mê Kong phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thứ nhất là phụ thuộc vào thiên nhiên, vào nguồn nước và thứ hai là phụ thuộc vào con người - có can thiệp quá thô bạo vào nguồn nước sông Mê Kông hay không? đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay thì không thể có dự báo chính xác cho sông Mê Kông sẽ như thế nào. Nhưng, trước mắt là mùa cạn năm 2015- 2016 vừa qua, do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El nino không chỉ gây ra hạn hán trên toàn khu vực sông Mê Kông, mà ngay cả ngoài khu vực như Nam Trung bộ cũng bị hạn hán.

Bên cạnh đó, hiện nay Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều đập chính trên sông Mê Kông và vận hành theo cơ chế của họ, còn chúng ta ở dưới hạ nguồn thì không biết được cơ chế vận hành đó ra sao. Cho nên khi dòng nước thay đổi về số lượng, chúng ta cũng không biết được, bởi vì do chất lượng nước do phù sa giữ lại trên đập sông thượng nguồn có tác động tới hạ du gây ra chất lượng và số lượng chảy về hạ du có những tác động đáng kể.

* VOH: Theo ông thì đâu là những nguyên nhân chính làm dòng sông bị biến đổi và lưu vực bị ảnh hưởng?

Ông Nguyễn Nhân Quảng: Trong trường hợp mưa rồi nắng bình thường thì nguyên nhân chính sẽ là những tác động của con người tác động đến dòng chảy sông Mê Kông và tác động ở đây chính là các đập thủy điện gây ra những tác động đáng kể và nhìn thấy rõ ngay về chế độ dòng chảy. Ngoài ra, là việc lấy nước phục vụ tưới tiêu của các nước ở thượng lưu. Nếu người ta hút nước sông Mê Kông và trữ nước trong cả mùa khô thì sẽ tác động rất lớn đến với dòng chảy bởi vì tưới là một loại hình có tiêu hao nguồn nước và sau khi tưới xong nước bốc hơi trên mặt ruộng.

Và khi nước hồi quy trở lại mang theo các hoạt chất phân bón hóa học thì lại tác động đến chất lược nguồn nước nhiều hơn. Cho nên, các yêu đố đều cần phải xem xét một cách khoa học, tin cậy, để đánh giá tổng thể, hay nói cách khác là đánh giá lũy tích tất cả các tác động đó.

* VOH: Những tác động này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn lợi thủy sản cũng như sản xuất nông nghiệp ?

Ông Nguyễn Nhân Quảng: Nguồn lợi thủy sản ảnh hưởng phụ thuộc vào hai yếu tố: một là chất lượng dinh dưỡng ở trong nước có như ngày xưa hay không khi mà các đập thủy điện trữ lại trên thượng nguồn nên hầu hết các chất phù sa, các chất dinh dưỡng phục vụ cho nguồn thủy sản ở hạ lưu bị ảnh hưởng.

Hai là công trình làm các đập ngăn sông mà không có những công trình cho cá di cư ngược lên thượng lưu để đẻ thì sẽ tác động rất nhiều. Những nghiên cứu về các đập của Trung Quốc chưa chỉ rõ những tác động và biện pháp giảm thiểu như thế nào. Một số đập ở hạ lưu như là đập ở Sayaburi, Bon Sahong rồi sắp tới là Paka beng, các nhà nghiên cứu có những công trình gọi là các thang cho cá đi chuyển qua đập. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học (nhất là các nhà ngư học) thường cá không thích đi qua các công trình nhân tạo như vậy. Cho nên đây là những điểm để tất cả các dự án thủy điện phải xem xét kỹ lưỡng.

Thế còn hệ sinh thái, khi đã đã gọi là hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, hệ sinh thái thủy sinh thì rất nhiều. Nếu nguồn nước thay đổi, ví dụ như bãi cá đẻ phụ thuộc vào vùng đất ngập nước có những cây cối rậm rạp ở ven sông. Nhưng nay một ngày mà mực nước thay đổi lên độ mét rưỡi hai mét rồi lại hạ xuống mét rưỡi hai mét thì không có chỗ để cho cá đẻ.

* VOH: Như vậy thì người dân, giới khoa học và cơ quan chức năng, cần có những giải pháp và hành động gì và bằng cách nào để giúp giảm thiểu các tác hại trên thưa ông?

Ông Nguyễn Nhân Quảng: Chúng ta phải tổng hợp tất cả từ nhiều phía. Từ phía nhà nước, từ phía những nhà khoa học độc lập, rồi các tổ chức xã hội, dân sự, những tổ chức phi Chính phủ, họ có nhiều nguồn thông tin, đặc biệt là giới báo chí. Đây là những kênh rất hữu hiệu để cho Chính phủ có thể nắm bắt và giải quyết kịp thời ngay. Hợp tác Mê Kông hiện nay là hợp tác dựa trên hiệp định đã ký 4 nước, có cam kết chính trị để thực hiện. Nếu như có vấn đề gì thì cần phải nêu ngay.

Người dân là người chịu tác động nhất, cho nên cần nâng cao nhận thức của người dân. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, kể cả các tổ chức cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để họ biết cách, có thể nêu những tác động đến đâu và làm như thế nào có thể được giải quyết.

* VOH: Cám ơn ông!