Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội vẫn chiếm ưu thế

(VOH) - Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng bán lẻ thế giới và bán lẻ Việt Nam đều thay đổi rất nhanh. Nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số, ứng dụng bán hàng online.

Đây là thông tin được đưa ra tại  “Hội thảo xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam 2018 – 2010 và định hướng phát triển của Saigon Co.op trong thời gian tới” diễn ra vào ngày 7/11.

Hội thảo quy tụ các công ty nghiên cứu thị trường, các diễn giả quốc tế và hơn 300 các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Đây được xem là sự kiện giúp các nhà bán lẻ, doanh nghiệp trong nước có thể định vị mình trên bản đồ bán lẻ Việt Nam cũng như nhanh chóng cập nhật xu hướng bán lẻ quốc tế.

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng bán lẻ thế giới và bán lẻ Việt Nam đều thay đổi rất nhanh. Nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng online. Đây là xu hướng chung giúp nhanh chóng tiếp thị đến khách hàng những điều họ muốn, làm cho những trải nghiệm dễ dàng hơn và thuận tiện hơn.

Cũng cần lưu việc áp dụng digital để tiếp cận bán hàng cần có những phương án phù hợp, khách hàng có thể chuyển hẳn qua kênh online và bỏ kênh offline dù kênh này mang lại những trải nghiệm thực tế thú vị.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội vẫn chiếm ưu thế

Ông Diệp Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết đơn vị này đầu tư cho công nghệ thông tin, nguồn vốn, quản trị doanh nghiệp để có thể giữ vững vị trí dẫn đầu trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. 

Đối với lợi thế của Saigon Co.op, ông Diệp Dũng cho biết cần tập trung vào chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, tận tình phục vụ và đưa những hàng hóa phù hợp với người Việt Nam, hộ gia đình Việt Nam nhưng nguồn vốn cũng đang là một hạn chế khá lớn.

Theo bà Lê Thị Thùy Trang - Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của người tiêu dùng Việt nam ngày càng chi tiêu hơn vào các nhóm hàng ngoài FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh), đó là hàng điện tử tiêu dùng, dược phẩm, du lịch, bất động sản… cho thấy xu hướng nâng tầm cuộc sống, thị trường nhóm hàng tiêu dùng nhanh đang hồi phục từ đầu năm nay.

Việt Nam vẫn là thị trường nổi bật, phần lớn là bán lẻ truyền thống tuy nhiên tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ của kênh bán lẻ với 26% thị phần, tốc độ tăng trưởng 11,8%; bán lẻ truyền thống chiếm 76% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%, như vậy rất nhiều cơ hội nằm ở kênh hiện đại. Việc phát triển kênh hiện đại đến từ cả về chất và lượng, cả về số lượng những nhà bán lẻ tham gia vào kênh hiện đại, số lượng các loại hình cửa hàng, đặc biệt các loại cửa hàng nhỏ.

 Neilsen đưa ra 5 xu hướng chính được cho là sẽ định hình cho thị trường bán lẻ và ảnh hưởng rất nhiều đến nhà sản xuất và nhà bán lẻ đó là nhu cầu về sự tiện lợi; nhu cầu cao cấp hóa nâng tầm cuộc sống; "người tiêu dùng kết nối (đây là đối tượng mục tiêu tiềm năng lớn cho các nhà sản xuất và bán lẻ trong tương lai); cuộc cách mạng sức khỏe và người tiêu dùng tương lai đó là thế hệ gen Z, làm sao để có thể nắm bắt tâm lý, tiếp cận và phục vụ họ trong tương lai".

Đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và năng động bật nhất hiện nay, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Ví dụ BigC có mặt tại Việt Nam đã lâu có 35 siêu thị, Aeon 4 siêu thị, MM Mega Market 19 siêu thị, Lotte 13 siêu thị.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam cho biết: "Các nhà bán lẻ ngoại hiện thời đang tập trung nhiều hơn ở phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Khu vực thành thị  thì các nhà bán lẻ ngoại có vẻ tập trung hơn, thị phần lên đến 32% nhưng thị phần của các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm 68% ở thị trường bốn thành phố là Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Khu vực thị trường nông thôn, các nhà bán lẻ nội hiện thời vẫn chiếm 84% thị phần trong việc phân phối hàng tiêu dùng nhanh tiêu dùng ở gia đình, và 16% đến từ các nhà bán lẻ ngoại. Như vậy các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm một thị phần khá là cao, chiếm tới ¾ so với ¼  của các nhà bán lẻ ngoại"

Trong 3 năm gần đây, các nhà bán lẻ nội, đặc biệt là Saigon Co.op vẫn duy trì tốc độ phát triển đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh. Riêng ở mô hình siêu thị và siêu thị mini bán lẻ nội vẫn chiếm ưu thế nhưng đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi thì vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh lớn.