Thị trường quyết định sản xuất

(VOH) - Trước đây ít ai nghĩ rằng, giá 1 kg mít tươi (loại mít Thái siêu sớm) gần tương đương với giá 1 kg sầu riêng tại vườn.

Nhưng suốt năm 2018 đến đầu năm nay, bình quân giá mít loại này dao động từ 50 ngàn đến 60 ngàn đồng/kg, mức giá quá lý tưởng mang đến lợi nhuận khá cao cho nhà vườn. Thành ra không phải ngẫu nhiên gần đây tại Đồng bằng sông Cửu Long diện tích trồng mít Thái siêu sớm cứ tăng dần. Vậy thực trạng này sẽ mang đến những cơ hội và kèm theo những rủi ro gì cho nông dân? Hay đây là lựa chọn tất yếu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm làm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích? Giải pháp nào để ngăn chặn rủi ro khi thị trường tiêu thụ mít có biến động?

Để lý giải vấn đề này, Phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vinamit.

Một nhà vườn trồng mít Thái. Ảnh: LamNong

VOH: Là nhà chế biến sản phẩm mít sấy hàng đầu, ông đánh giá như thế nào về thị trường tiêu thụ sản phẩm này trong nước và thế giới với tình hình hiện nay?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Mít được dân gian chúng ta yêu chuộng rất lâu và được Trung Quốc yêu thích lâu đời. Cho đến nay, thị trường Trung Quốc đang bùng nổ nhu cầu trái mít tươi, có thể xuất qua thị trường đó!

VOH: Bên cạnh thị trường Trung Quốc, những thị trường khác như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Thật ra, để trái cây tươi của chúng ta có thể xuất đi những thị trường xa thì rất khó, vì nó mau hư. Vì vậy chắc chắn với những thị trường xa như Mỹ, Âu Châu buộc lòng chúng ta phải xuất theo dạng sản phẩm khô. Hiện nay, sản phẩm khô của chúng ta đã đi đến vài chục quốc gia trên thế giới này. 

VOH: Hiện nay có lẽ ông biết, tình hình ở ĐBSCL bà con nông dân đang tăng diện tích trồng mít Thái siêu sớm. Vậy theo ông, nó mang lại nguy hại gì hay không?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Việt Nam, không chỉ riêng cây mít đâu, mà tất cả loại khác như khoai lang hay các sản phẩm cao cấp khác như Sầu riêng luôn luôn bị “được mùa mất giá”. Chẳng qua, thị trường Trung Quốc “đứt đoạn” tiêu thụ làm cho chúng ta bị mất giá. Nhưng khi thị trường Trung Quốc tiêu thụ thì chúng ta “lên hương” rất mạnh. Đó là câu chuyện của kinh tế thôi! Nếu chúng ta thấu hiểu được nguyên tắc vận hành trong nền kinh tế thì chúng ta cảm thấy rất bình thường và có thể tránh một cách dễ dàng! Cây mít, hiện nay không đủ hàng để cung cấp. Điều đó là hiện tượng thôi khi mà trào lưu đang tập trung vào nó thì làm nên sức hút.

VOH:  Ý ông nói là hiện tượng bất bình thường?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Không phải! Nó là hiện tượng bình thường, hấp dẫn thôi! Giống như bình thường anh đang ăn chuối của Việt Nam, tự nhiên anh cảm thấy rằng, Táo của Mỹ rất ngon thì anh dồn mua Táo Mỹ để ăn. Sau đó, người ta lại đổi qua ăn Khoai lang, Kiwi chẳng hạn... Lúc ấy, trào lưu lại đổ dồn qua! Đó là xu hướng của thị trường mà hôm nay nhà này ăn món này thì nhà khác cũng muốn ăn theo cái đó! Và khi nó mất đi, lập tức thị trường không có sức mua nữa! Lúc đó người bán phải chịu! Mà người bán phải chịu thì người trồng chúng ta... lãnh đủ toàn diện hết!

VOH: Cái đó tạm gọi là hậu quả xảy ra!?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Hậu quả xảy ra. Chắc chắn là như vậy! 

VOH: Nhưng mà có khuyến cáo đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vậy trồng Mít có gì sai, thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Tôi vẫn cho rằng, không có cái gì sai hết! Điều đó là bài toán thông tin. Chúng ta gọi là “đi trước đón đầu” hay không thôi?! Tôi sẽ đoán trước điều đó và tôi trồng nó! Và bên cạnh tôi cũng có những mối tương tác ở những thị trường khác để tôi dung hòa. Nếu tôi có bị thua thì cũng thua ít hơn người khác...Thí dụ, bạn đang bán trái tươi thì cũng nên cộng tác với nhà máy chế biến tạo những chân rết quan hệ! Để khi có chuyện gì thì anh nhà máy chế biến ưu tiên cứu “thằng bạn” mình trước đã! Phải có sự tương tác của nhiều thị trường! Nên ngày xưa, khi khuyến khích bà con trồng cây mít, tôi vẫn chọn cây mít vừa bán tươi mà vẫn mang đi chế biến được! Cái này sẽ đỡ rủi ro!

VOH: Khi nãy ông đề cập đến việc chúng ta phải chuẩn bị trước tinh thần bán được thì tốt, nếu dồn thị trường thì chúng ta tính tới những giải pháp khác - tức là chính sách, định hướng của ngành nông nghiệp phải không?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Về mặt định hướng của ngành nông nghiệp, đó là một vế khác. Tôi đang muốn nói đến yếu tố của thị trường. Những nhà trồng trọt, kinh doanh, những doanh nông đang trồng mít thì lưu ý mấy điểm đó dùm tôi! Tức là, khi anh trồng cây mít thì nhớ tương tác thêm một, hai thị trường, chứ đừng tương tác một thị trường. Anh tương tác, bán cho thương lái của Trung Quốc thì anh cũng nên tương tác, bán cho các nhà thương mại của Việt Nam. Bởi người Việt Nam mình ăn mít tươi cũng rất nhiều! Và anh cũng tương tác với những nhà chế biến của Việt Nam để có những mối quan hệ! Chứ anh đừng để tình trạng độc đạo, một đường... 

VOH: Nói chung là đa dạng hóa thị trường?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Đúng rồi! Đa dạng hóa thị trường quan trọng hơn đa dạng hóa cây trồng, vì đất đâu có nhiều, đa dạng nữa thì làm sao mà bán!? Cho nên phải đa dạng hóa mối quan hệ của thị trường để tránh rủi ro.

VOH: Nhưng mà bây giờ giữa cơ cấu mùa vụ - cơ cấu nông nghiệp và thị trường, thưa ông, chúng ta chọn cái nào?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Dĩ nhiên là nhà nông canh tác thì chúng ta phải xem, việc trồng trọt của mình sẽ phù hợp với cây gì, giống gì, mùa vụ như thế nào để có được năng suất và hiệu quả cao nhất?! Cây mít cũng vậy! Tôi cảm thấy có sự lạ lùng đó là, lẽ ra vùng trồng là vùng miền Đông Nam Bộ - vùng cao nhưng khi bà con mang về vùng Tiền Giang, Hậu Giang... trồng thì rất tốt, trái to!

Về mặt thương mại hóa sản phẩm, trái mít của Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long giá cao hơn mít Long Khánh. Bởi cây mít là cây rễ chuột! Càng lớn rễ đâm càng sâu, đụng nước sẽ chết nên tuổi thọ cây này không được lâu ở vùng dưới đó! Nhưng bà con vẫn chấp nhận chuyện đó! Cho nên khi nói chuyện mùa vụ thì chúng ta cũng phải cân nhắc rằng, đôi khi có những trải nghiệm khác với sự thật. Tất nhiên vẫn phải có những bệnh tật, rủi ro nhưng khi bà con chấp nhận những rủi ro đó thì mọi thứ hoàn toàn có thể đạt được!  

VOH: Nghĩa là khi chấp nhận rủi ro thì bà con chọn yếu tố thị trường?! Còn trong trường hợp, nếu cân đối cả hai yếu tố, điều đó sẽ không đột phá!?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Đúng rồi! Nhưng vấn đề quan trọng của chúng ta là phải đột phá! Tất nhiên những nhà khoa học là những nhà chuyên môn về canh nông, họ cảm thấy bất hợp lý lắm! Nhưng tôi thì lại khác...

VOH: Hình như đứng ở góc độ doanh nhân, câu trả lời của ông có vẻ nghiêng về thị trường một chút?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Chắc chắn rồi! Chúng ta phải nghĩ tới thị trường. Chúng ta đang là kinh tế thị trường. Thị trường quyết định sản phẩm, đẳng cấp của chúng ta, chứ không phải chuyện anh làm canh nông cho tốt, làm được nhiều sản lượng nhưng không bán được, không thương mại hóa được thì cũng bằng không mà thôi! 

VOH: Như vậy, yếu tố thị trường vẫn là quyết định!?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Chính xác! Yếu tố thị trường vẫn là quyết định cho người nông dân của chúng ta.

VOH: Thưa ông Nguyễn Lâm Viên, ông đánh giá như thế nào về năng lực chế biến sản phẩm trái cây của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Tôi vẫn nghĩ rằng, hiện nay với quy mô khoảng 20 ngàn đến 30 ngàn ha thì năng lực chế biến chúng ta vẫn có thể tiêu thụ hết cho bà con được! Với diện tích đó thì vẫn có thể cung cấp 1 triệu hoặc trên 1 triệu tấn trái cây tươi cho thị trường Trung Quốc. Khi nào nó vượt ngưỡng trên 100 ngàn ha thì mới có thể chạm đến rủi ro.

VOH: Nói chung, riêng về chế biến sản phẩm mít, các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được ở thời điểm này?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Đúng rồi, về khả năng chế biến...! Cho nên 30 năm qua chưa thấy ai đi “giải cứu” trái mít bao giờ!

VOH: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.