Thu ngân sách so với GDP đang giảm nhanh

(VOH) - Thu ngân sách so với GDP đã giảm từ 26,3% giai đoạn 2006-2010 xuống 23,6% GDP trong giai đoạn 2011-2016.

Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 diễn ra ngày 21/9 tại Hà Nội với chủ đề “Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững” Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nền tài chính công Việt Nam cũng được đổi mới theo hướng ngày càng minh bạch, hiệu quả, bền vững hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, nền tài chính công cũng đối mặt với một số thách thức, rủi ro nhất định.

Đó là vấn đề quy mô ngân sách so với GDP giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, giai đoạn 2006 - 2010 thu ngân sách là 26,3% GDP (trong đó số thu từ thuế, phí là 22,6% GDP) và giai đoạn 2011 - 2015 thu ngân sách chỉ còn chiếm 23,6% GDP (trong đó thu từ thuế, phí là 20,8% GDP).

Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt quá khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn, bội chi cao; tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm.

Nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.

Trong bối cảnh khó khăn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2020, hệ thống chính sách thuế được sửa đổi theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên…

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP

Các chính sách đối với chi NSNN thay đổi theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường tự chủ tài chính… Chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện cải cách tiền lương.

Ngành Tài chính sẽ nâng cao hiệu quả chi ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Đối với quản lý nợ công, Bộ trưởng nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, nhất quán với quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với thông lệ quốc tế, cơ cấu lại nợ công, kiểm soát chặt chẽ quy mô nợ công, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc cơ cấu lại NSNN và nợ công không chỉ là tăng nguồn thu, đảm bảo nhu cầu chi, duy trì nợ công trong giới hạn quy định, mà quan trọng là phát triển hệ thống ngân sách, nợ công hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, với một hệ thống thu trung lập, minh bạch, thuận tiện, cùng với việc đổi mới các chính sách, chế độ về chi ngân sách và nợ công, thực hiện quản lý, sử dụng, phân phối một cách hiệu quả nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng, để giảm dần bội chi ngân sách thì phải có các bước cải cách đầu tư công, trong đó xác định rõ các mục tiêu chiến lược trong chi dài hạn, chú trọng phân bổ nguồn lực cho cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện hơn nữa hiệu quả bố trí cơ cấu chi, phân bổ và sử dụng vốn; tăng cường giám sát, thanh tra và phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phân bổ và sử dụng vốn ngân sách, các công trình, dự án sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh…