Thủ tướng: Các địa phương, bộ ngành có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh

(VOH) - TPHCM đã đạt được những kết quả khả quan trong giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, có 123/159 công trình, dự án đăng ký thi đua đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt hơn 77%. Đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án, tối đa là 30 ngày kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, chủ đầu tư phải lập thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước. Đây là một giải pháp khá hiệu quả thúc đẩy đầu tư công tại TPHCM…

Thông tin được Chủ tịch UBND Thành phố - Nguyễn Thành Phong nêu tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vào sáng nay 21/08 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

giải ngân vốn
Quang cảnh hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vào sáng nay 21/08 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì

Thực tế thời gian qua, công tác giải ngân đầu tư công tại TPHCM đã chuyển biến rất lớn, giúp nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và hiện nay hầu như không có chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ quyết toán dự án. Thực hiện nghiêm việc đăng ký vốn, bố trí vốn, giải ngân vốn.

Tính đến ngày 15/08/2020, TPHCM đã giải ngân gần 21.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị TPHCM đang nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 nhưng giá trị tuyệt đối vốn đầu tư công đã giải ngân lớn hơn gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân tăng hơn gấp 1,8 lần cùng kỳ.

Điều này đã thể hiện được sự chủ động và nỗ lực rất lớn của TPHCM trong việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay.

Hiện nay, TPHCM đang triển khai hơn 1.600 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là hơn 42.000 tỷ đồng, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, việc giải ngân hết số vốn này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM, đồng thời còn là một nhân tố quan trọng để giải quyết việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm hơn 21.000 doanh nghiệp TPHCM giải thể và ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị: “Ngày 20/07/2020, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã làm việc với TPHCM để giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với 12 dự án đầu tư trên địa bàn TPHCM. Rất mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Thông báo kết luận để TPHCM triển khai thực hiện. Hiện nay, TPHCM có 126 dự án chậm thực hiện do vướng quy định về xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nằm xen cài trong các dự án. Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên giúp TPHCM và các địa phương trong cả nước có cơ sở thực hiện”.

TPHCM sẽ nỗ lực cao nhất, phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt trên 95% với việc tập trung thực hiện 6 giải pháp. Trong đó, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, UBND quận, huyện đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Tại tỉnh Hưng Yên, tính đến ngày 20/8, tỉnh này đã giải ngân đạt hơn 3.000 tỷ đồng, đạt hơn 94%. Các dự án lớn đều thành lập ban chỉ đạo giao cho chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh làm ban chỉ đạo công trình thường xuyên kiểm tra đôn đốc, giải quyết khó khăn vướng mắc tại công trình.

Ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tình Hưng Yên cho hay: “Đặc biệt là có hai nội dung, một là hồ sơ thủ tục hành chính, có các sở đi cùng trên công trường, chỉ đạo giám đốc các sở xử lý giúp, cái gì thuộc về cá biệt thì báo cáo ủy ban nghe để cho ý kiến, vượt thẩm quyền thì báo cáo tỉnh ủy. Thứ hai, trong công tác giải phóng mặt bằng, ngoài chế độ chung trong quá trình thực hiện có những trường hợp vướng mắc cá biệt phải hỗ trợ điều chỉnh giá cả cho phù hợp với từng địa phương cơ sở thì UBND tỉnh quyết ngay tại công trình”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã có 52/53 bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020. Tổng số vốn ngân sách nhà nước, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là gần 455.000 tỷ đồng, đạt hơn 95% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện nay, cả nước có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là gần 6.300 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là hơn 13.500 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến cuối tháng 7 năm nay, số vốn đầu tư công được giải ngân là hơn 193.000 tỷ đồng, đạt gần 41% kế hoạch Thủ tướng giao. Ước giải ngân đến 31/8 là gần 222.000 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch… Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các địa phương, bộ ngành có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công.

Theo Thủ tướng, hiện các dự án ODA đều gặp vướng mắc, thủ tục điều chỉnh dự án, hiệp định, nguồn vốn đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Giải ngân vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng.

“Tinh thần giải ngân hết số vốn năm nay là 630.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng vì nếu giải ngân hết thì tăng trưởng gần 1%, đặc biệt giải quyết rất nhiều việc làm cho xã hội. Chúng ta chỉ còn hơn 4 tháng kết thúc năm 2020, nhiệm vụ rất nặng nề là giải ngân hết trên 55% số vốn đầu tư còn lại, khoảng 350.000 tỷ đồng nhưng đây là nguồn vốn quan trọng để phục hồi phát triển kinh tế xã hội”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại kết luận tại hội nghị tháng trước là quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng và hằng tháng sẽ họp để kiểm điểm công việc này.

Giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ ngải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã đề ra một số biện pháp cần thiết như phân bổ vốn nhanh, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một số dự án công trình quan trọng được giải quyết đến đâu như dự án đường cao tốc Bắc-Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ…

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần hội nghị hôm nay “rất thẳng thắn, chân tình chứ không phải xuề xòa, dễ dãi, tinh thần là phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương mà nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn”. Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém.

Bài, ảnh: Lệ Loan

Lập Đoàn kiểm tra, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải giải quyết 3 'tồn đọng' trong giải ngân vốn đầu tư công - Ngày 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.