Thúc đẩy các mô hình đổi mới sáng tạo tại quận huyện

(VOH) - Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ TP cấp kinh phí và hiện đang áp dụng tại một hợp tác xã huyện Củ Chi.

Sản lượng cá khô tăng ít nhất gấp ba lần so với việc phơi nắng truyền thống, tiết kiệm nhân công, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn vi sinh…..đó là những ưu điểm của Thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời với dàn sấy động cho cá sặc rằn mà Thạc sĩ Phan Văn Hiệp, Trường Đại học Văn hiến vừa chia sẻ tại Hội thảo Giới thiệu các mô hình đổi mới sáng tạo tại quận, huyện do Sở Khoa học và Công nghệ TP tổ chức sáng 18/05, nhằm chào mừng Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18/5.  

Kết quả nghiên cứu trên chỉ là một trong rất nhiều mô hình đổi mới sáng tạo tại quận, huyện trong thời gian qua. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ TP cấp kinh phí và hiện đang áp dụng tại một hợp tác xã huyện Củ Chi.

Thạc sĩ Phan Văn Hiệp chia sẻ, ban đầu Hợp tác xã Thủy sản Tương Lai, Củ Chi đặt ra yêu cầu một mẻ phơi phải đảm bảo được 100 ký cá khô. Tuy nhiên, nhờ sự cải tiến vỉ phơi liên tục trong quá trình triển khai thì hiện nay năng suất đã tăng lên mỗi mẻ là 160 ký cá khô, nghĩa là tăng đến 160% so với yêu cầu ban đầu. Kết quả cho thấy, sản lượng tăng ít nhất 3 lần so với việc phơi nắng, tiết kiệm nhân công, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng rất nhiều. Cụ thể, với sản lượng 160 ký cá khô thành phẩm, tương đương với 320 ký cá tươi sau khi sơ chế, chi phí cho một mẻ như vậy chỉ tốn 30 Kwh, tính ra chưa tới 100.000 đồng.

Thạc sĩ Phan Văn Hiệp, cho biết Đề tài kết hợp cả hai ưu điểm của hai phương pháp: đó là phương pháp phơi nắng và phương pháp sấy. Hệ thống này sử dụng năng lượng mặt trời dưới dạng hiệu ứng nhà kính. Khi đưa cá vào, hệ thống tự vận hành, không can thiệp gì cả. Ban ngày, nó sử dụng ánh nắng mặt trời để phơi. Ban đêm, hệ thống duy trì nhiệt độ độ ẩm tương đương như ban ngày bằng hệ thống lò đốt nhiệt điện trở, rút ngắn thời gian phơi. Quá trình phơi sấy này diễn ra một cách liên tục, không bị ngắt quãng và làm cho cá khô không bị mất dinh dưỡng.

Thúc đẩy các mô hình đổi mới sáng tạo tại quận huyện

Các đại biểu giới thiệu các mô hình đổi mới sáng tạo tại đơn vị

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị tại quận, huyện đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào trong hoạt động của mình, nhằm cải tiến chất lượng công việc. Đơn cử, phường 2, quận 10 với mô hình dịch vụ công trực tuyến. Hay như phần mềm Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh của nhóm nghiên cứu Nguyễn Khoa Tuấn Anh, một dự án khởi nghiệp nhưng đã được triển khai tại một số bệnh viện như Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, Bệnh viện Phú Nhuận, Bệnh viện Gò Vấp….

Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) cũng được nhiều nơi triển khai phục vụ cho công tác quản lý như quản lý nhân hộ khẩu, quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Ông Phạm Đức Thịnh, Trưởng phòng Tư vấn và Dịch vụ Trung tâm ứng dụng Hệ thống thông tin Địa lý chia sẻ kết quả trong lĩnh vực quản lý du lịch: “Hiện tại đã làm xong cho quận 10. Năm 2016 làm cho Cần Giờ. Về số lượng điểm thì chưa thống kê hết. Trong năm nay, sẽ làm cho quận 10, Phú Nhuận, và Bình Tân”.

Trước những băn khoăn của đại diện các quận, huyện nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học tại cơ sở, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP cho hay, các cơ chế pháp lý phục vụ cho nghiên cứu khoa học đều đã có đầy đủ, vấn đề còn lại chính là nhận thức của các quận, huyện về sự quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực.

“Với một tinh thần thật sự thấm nhuần nghị quyết và triết lý cuộc sống của ngày hôm nay, đó là nếu như không có ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thì sẽ không đi được xa. Câu chuyện này thì lãnh đạo quận, huyện phải dành ngân sách hàng năm cho xứng đáng. Nhưng quan trọng nữa là các phòng ban liên quan xây dựng kế hoạch này cụ thể ra sao. Sở đã tham mưu cho TP, đã ký ban hành một cơ chế tài chính để chi tiêu cho nhiệm vụ khoa học công nghệ ở cơ sở”, ông Dũng cho biết thêm.

Năm 2018, TPHCM hỗ trợ tối đa 70% kinh phí mỗi mô hình, bao gồm tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo….nhưng không quá 300 triệu đồng một mô hình. Đây là chương trình hỗ trợ cho các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, trên địa bàn quận - huyện.