Tiếp tục phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, cần kíp “tích trữ” thịt heo

(VOH) - Đắk Lắk và Cà Mau là hai địa phương vừa phát hiện có ổ dịch tả heo châu Phi. Trước nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng, ngành chức năng kêu gọi doanh nghiệp khẩn trương “tích trữ” thịt heo.

Tối 30/5, ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, xác nhận cơ quan chức năng địa phương đang tiến hành tiêu hủy số heo nhiễm dịch tả châu Phi và triển khai các phương án khử trùng, dập dịch.

Trước đó, chiều 28/5 đàn heo của một hộ gia đình tại thôn 11, xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có dấu hiệu bỏ ăn, nôn ói. Nhận được thông báo, Chi cục Chăn nuôi thú y Đắk Lắk đã cử cán bộ xuống gia đình lấy mẫu bệnh phẩm heo bị ốm gửi kiểm nghiệm tại Cục Thú y vùng V và VI. Các mẫu bệnh phẩm heo gia đình này được xác định dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi -5. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn 33 con heo của gia đình trên, trong đó có 4 con đã chết.

Như vậy, sau Gia Lai và Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk là địa phương thứ 3 ở Tây Nguyên xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

Trong khi đó, tỉnh Cà Mau cũng được xác nhận xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn. Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi xuất hiện hai đàn lợn chết bất thường xảy ra ở huyện Phú Tân và Ngọc Hiển, chiều 30/5, Chi cục Thú y Vùng VII đã xác định hai mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cho các Trạm Chăn nuôi và Thú y giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; điều tra tổng đàn xung quanh ổ dịch và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, các lực lượng tỉnh, huyện và xã đang tích cực thực hiện các biện pháp dập dịch tại chỗ, tổ chức kiểm soát chặt trên mọi ngả đường, hạn chế di chuyển ra vào vùng dịch.

dịch tả lợn châu Phi

Hình minh họa: internet

Chiều 30/5, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT gặp Bộ Công thương để bàn “kịch bản” thu mua, cấp đông thịt heo trước khi bị dịch “thổi bay” hàng loạt. Hàng chục doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm cũng tham dự cuộc họp này.

Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng chủ trì. Nội dung cuộc họp là bàn bạc, đề xuất cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, cấp đông, dự trữ thịt heo.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, mục đích của cuộc làm việc chiều nay là nhằm tổ chức thu mua thịt heo để cấp đông dự trữ tránh giá heo bị rớt, đồng thời phòng chống nguy cơ thiếu thực phẩm và sốt giá cuối năm.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cảnh báo, nếu không khẩn cấp tổ chức thu mua, cấp đông, tích trữ, vài tháng nữa chẳng còn thịt heo ăn. Đây là giải pháp “nhất cử tam tiện”: giảm thiệt hại cho hàng triệu nông dân, giảm tổn thất cho ngân sách (nếu không cấp đông dự trữ, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ chôn heo chết với giá 38.000 đồng/kg) và tránh ô nhiễm môi trường khủng khiếp.