Tìm giải pháp tốt nhất tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng

(VOH) - “Xây dựng là một lĩnh vực đặc thù khi sản phẩm có giá trị lớn với sự tham gia nhiều thành phần doanh nghiệp. Thời gian hoàn thành sản phẩm được tính bằng năm và thời hạn sử dụng được tính bằng vài chục năm. Vì thế, doanh nghiệp cần cẩn trọng trong soạn thảo và thực hiện hợp đồng để tránh xảy ra tranh chấp”.

Đây chính là nội dung quan trọng mà các chuyên gia nhắn gởi đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại hội thảo “Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng” diễn ra vào sáng 21/4.

Các luật sư, trọng tài viên tham luận tại hội thảo.

Ngành xây dựng giữ vị trí rất quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị hiện đại. Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong lĩnh vực xây dựng, tất yếu sẽ có nhiều hợp đồng, nhiều dự án được ký kết.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xây dựng ở Việt Nam lại đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực pháp lý hạn chế. Xu hướng hội nhập, hợp tác phát triển là cơ hội nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tranh chấp trong hợp đồng để phân rõ trách nhiệm, đền bù thiệt hại… là điều khó tránh khỏi.

Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Danh cho biết: "Cho đến nay, hình thức quen thuộc để giải quyết các tranh chấp thường thông qua tự thương lượng hoặc có sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan nhà nước, sau cùng là sự phán xét ở tòa nếu các bên không đạt được sự đồng thuận. Việc này làm kéo dài thêm thời gian và gây thêm tốn kém và thiệt hại cho các bên. Một trong những nguyên nhân là thiếu sự chính kiến, thiếu sự đánh giá của tổ chức chuyên nghiệp của các chuyên giá có chuyên môn sâu của ngành xây dựng".

Ông Nguyễn Văn Danh, PGD Sở Xây dựng TPHCM phát biểu tại hội nghị.

Phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại hiện được rất nhiều doanh nghiệp ở các nước phát triển áp dụng. Bởi phương thức này đáp ứng được 2 ưu điểm: thể hiện được quyền tự quyết của doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp không công khai.

Ông Vũ Xuân Phong, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam phân tích: "Các doanh nghiệp có quyền lựa chọn hình thức trọng tài, có quyền lựa chọn trọng tài viên, có quyền lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ, luật áp dụng… để giải quyết tranh chấp.

Cho nên quyền tự quyết của doanh nghiệp khi chúng ta đưa tranh chấp ra giải quyết ở trọng tài thương mại được tôn trọng đến mức độ tối đa. Trọng tài thương mại giải quyết không công khai, điều này rất phù hợp với hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nào chuyển giao công nghệ hoặc là buôn bán các mặt hàng có tính chất kỹ thuật phức tạp hoặc là chúng ta cần giữ bí mật trong quan hệ kinh doanh nào đó".

Cách tốt nhất để tránh những rủi ro và giảm thiểu tối đa thiệt hại là doanh nghiệp cần chuẩn bị thật cẩn thận, chu đáo ngay từ khâu soạn thảo hợp đồng ban đầu. Bởi ngoại trừ có điều ước quốc tế quy định khác, tranh chấp hợp đồng xây dựng chỉ được giải quyết bằng trọng tài khi các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể có trước hay sau thời điểm phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng, đôi khi chúng ta có những thỏa thuận chưa rõ ràng và đây là việc nên tránh.