Tổng thống Biden dự kiến ký sắc lệnh yêu cầu chính phủ mua thêm hàng hóa từ doanh nghiệp Mỹ

(VOH) – Ngày 25/1, Tổng thống Joe Biden có kế hoạch ký một lệnh hành pháp nhằm mục đích thúc đẩy việc mua hàng của chính phủ từ các nhà sản xuất Mỹ, theo các quan chức chính phủ.

Mỹ đã cắt giảm khoảng 540.000 nhân công tại các nhà máy kể từ tháng 2/2020 khi đại dịch COVID-19 đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

Mục tiêu của lệnh này là sử dụng 600 tỷ đô la mà chính phủ liên bang chi cho việc mua sắm để thúc đẩy các nhà máy trong nước sản xuất và tăng tuyển dụng, các quan chức giấu tên cho biết thêm.

tong-thong-joe-biden-voh.com.vn
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký lệnh yêu cầu tăng mức mua hàng hóa nội địa. Ảnh: AP

Sắc lệnh của ông Biden sẽ sửa đổi các quy tắc cho chương trình Mua hàng Mỹ, khiến các nhà thầu khó đủ điều kiện để được miễn trừ và bán hàng hóa do nước ngoài sản xuất cho các cơ quan liên bang. Nó cũng thay đổi các quy tắc để nhiều thành phần của hàng hóa được sản xuất phải có nguồn gốc từ các nhà máy ở Mỹ. Các hàng hóa sản xuất tại Mỹ cũng được bảo hộ bằng việc tăng ngưỡng và ưu đãi về giá của chính phủ, là mức chênh lệch giá mà chính phủ có thể có khi mua một sản phẩm nước ngoài.

Lệnh cũng bao gồm các yếu tố áp dụng cho chương trình mua sắm Mỹ riêng biệt, cụ thể là áp dụng riêng cho lĩnh vực cầu đường. Sắc lệnh tìm cách mở các hợp đồng mua sắm của chính phủ với các công ty mới bằng cách tìm kiếm các nhà thầu tiềm năng. Sắc lệnh này sẽ tạo ra một trang web công khai cho các công ty đã nhận được sự miễn trừ bán hàng hóa nước ngoài cho chính phủ, để các nhà sản xuất Mỹ có thể có thêm thông tin và ở vị thế cạnh tranh hơn.

Để giúp đạt được các mục tiêu trên, lệnh cũng thiết lập một công việc tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng để giám sát sáng kiến và tập trung vào đảm bảo việc mua sắm của chính phủ hướng đến các sản phẩm sản xuất trong nước hơn. Nó cũng yêu cầu các cơ quan liên bang báo cáo về tiến độ mua sắm hàng hóa Mỹ, cũng như nhấn mạnh sự hỗ trợ của Biden đối với Đạo luật Jones, quy định chỉ những tàu mang cờ Mỹ mới chở hàng giữa các cảng của Mỹ.

Các tổng thống trước đây đã hứa sẽ hồi sinh ngành sản xuất như một nguồn tăng việc làm và đã đạt được nhiều kết quả khác nhau. Chính phủ đã giúp cứu lĩnh vực ô tô sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng số lượng việc làm tại các nhà máy đã liên tục thu hẹp trong suốt 4 thập kỷ.

Theo Bộ Lao động, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đạt đỉnh vào năm 1979 là 19,5 triệu và hiện nay là 12,3 triệu. Người tiền nhiệm của Biden, Donald Trump, nổi tiếng với lời hứa hẹn về sự phục hưng của các nhà máy, nhưng số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất không bao giờ trở lại mức trước Đại suy thoái trước khi đại dịch COVID-19 tấn công.