TPHCM giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực lao động, việc làm

(VOH) - Hội nghị “ Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố”, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực lao động, việc làm. Có hơn 100 doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại.

Ngày 22/11, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “ Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố”, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực lao động, việc làm.

lao động, việc làm, doanh nghiệp

Toàn cảnh hội thảo 

Có hơn 100 doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại. Ngành chức năng đã giúp doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc ký hợp đồng lao động đối với người nước ngoài, hướng dẫn về giải quyết trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp, quy định chăm lo, chế độ chính sách chăm lo cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động…

Bà Bùi Thị Ánh Mai, Công ty cổ phần đầu tư thương mại thủy sản Gunze đặt câu hỏi xoay quanh việc xác định ngành nghề thuộc danh mục lao động độc hai và hợp đồng lao động dài hạn đối với người cao tuổi: “Công nhân chế biến thủy sản có nằm trong danh mục nặng nhọc độc hại không, nếu có thì được quy định tại thông tư nào? Nếu thuộc danh mục nặng nhọc độc hại thì có được nghỉ hưu trước tuổi quy định không? Có được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người cao tuổi không?”

Ông Nguyễn Bảo Cường, Phó phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội,  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố giải đáp:  “Để xác định công việc độc hai nguy hiểm hay đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm chúng ta có các quyết định của các Bộ chuyên ngành cũng như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Công nhân chế biến thủy sản là tên dùng chung, khi vào danh mục công việc thì có tên rất cụ thể. Nếu thuộc danh mục công việc độc hai nguy hiểm thì chúng ta phải đảm bảo đủ chế độ. Còn với việc ký hợp đồng lao động đối với người cao tuổi, có thể thỏa thuận rút ngắn thời gian làm việc, phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và được phép ký hợp đồng dài hạn nếu hai bên có nhu cầu”.

Kêu gọi doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn các dịch vụ công trực tuyến, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố nhấn mạnh: “Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã vận hành tốt ứng dụng làm hồ sơ trực tuyến để giúp doanh nghiệp tiện theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ. Qua đây, các doanh nghiệp sẽ biết hồ sơ của mình đang ở đâu, ai thụ lý. Một lần nữa, tôi kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nên đẩy mạnh việc thực hiện hồ sơ trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giải quyết hồ sơ cũng nhanh hơn”.

Ngành chức năng đã thông thêm nội dung của nghị định số 90 về mức lương tối thiểu vùng, Chính Phủ vừa ban hành gày 15/11/2019, và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Cụ thể, nghị định sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019. Nghị định nêu rõ mức lương tối thiểu vùng quy định trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận. Mức lương này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.