TPHCM thiếu hướng dẫn viên du lịch tiếng Đức, tiếng Hàn

(VOH)- Mỗi năm, khoảng 21.000 người được đào tạo chuyên ngành du lịch bậc đại học, sau đại học, chiếm khoảng 15% số được đào tạo ở bậc này. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa tương xứng với số lượng.

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2018 và phương hướng trong năm 2019 của Hiệp hội Du lịch TPHCM diễn ra sáng 5/4, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng Ban đào tạo của Hiệp hội cho hay: hiện toàn TP có khoảng 18 trường Đại học, 21 Trường Cao đẳng, 24 Trường Trung cấp có đào tạo ngành du lịch. Hằng năm, khoảng 21.000 người được đào tạo chuyên ngành du lịch bậc đại học, sau đại học, chiếm khoảng 15% nhân lực được đào tạo ở bậc này. Ở bậc Trung cấp và Cao đẳng có 71.000 người được đào tạo. Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ rõ: chất lượng được đào tạo chưa tương xứng với số lượng khiến doanh nghiệp phải mất thêm chi phí đào tạo lại.

khách du lịch nước ngoài trên đường phố Tp HCM

Khách du lịch nước ngoài trên đường phố TP HCM.

Theo TS Huỳnh Quốc Thắng, trên tổng thể, số lượng thì lớn nhưng chất lượng đào tạo và lĩnh vực chuyên môn trong kết quả đào tạo so với thực tế của ngành chưa cao. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại, trong đó, tồn tại lớn nhất là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch được tuyển dụng còn khiêm tốn, do nguyên nhân là sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn khi tốt nghiệp. Hiện nay, ngoại ngữ hiếm rất thiếu. Việc liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp thời gian qua đã tiến bộ nhưng chưa hiệu quả. “Đã đến lúc, ngành du lịch TP cần phối hợp với các trường để tổ chức tổng điều tra về nguồn nhân lực để xem thiếu cái gì, cần cái gì và trách nhiệm về phía các trường như thế nào”, Tiến sĩ Thắng nói.

Về chương trình kích cầu du lịch, đây cũng là một hoạt động lớn. Trong năm 2018, đã có hơn 464.000 vé máy bay và khoảng 48.000 vé đường sắt được bán ra cho các thành viên với giá ưu đãi, góp phần thúc đẩy du lịch nội địa phát triển.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho hay: với 6 phân ban, 7 Chi hội và 1 Trung tâm, hoạt động của Hiệp hội hiện đã bao quát tất cả các phân khúc của hoạt động du lịch, góp phần nâng cao chất lượng của ngành du lịch TPHCM. Riêng đối với việc cấp thẻ hướng dẫn viên, năm qua, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TPHCM đã cấp thẻ hoạt động cho 252 người, nhưng đối với các tiếng hiếm như Đức, Hàn vẫn còn ít.

Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng Phòng Lữ hành, Sở Du lịch cho biết, tình trạng hướng dẫn viên hiện nay cũng rất phức tạp, đối với một số tiếng, người nước ngoài làm chui cũng rất nhiều. “Chúng ta chỉ cần ra Nhà thờ Đức Bà thì đã gặp các hướng dẫn viên tiếng Trung, tiếng Hàn rất nhiều. Điều này cũng cho thấy thực trạng là chúng ta đang rất thiếu hướng dẫn viên”, ông Anh nói.