TPHCM và Long An: Kết nối để phát triển

(VOH) - Sáng 25/7, hội thảo “TPHCM - Long An: Kết nối phát triển” có sự tham gia của các cơ quan quản lý và người làm kinh tế nhằm đưa ra cái nhìn nhiều chiều trong việc kết nối TPHCM với Long An.

Việc kết nối giữa TPHCM và Long An rất quan trọng. Nếu hai tỉnh làm tốt, thì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới phát triển được. Bà Đặng Thị Thúy Hà – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An cũng nhìn nhận Long An phát triển chậm hơn các tỉnh phía Đông của TPHCM. "Giờ là thời điểm Long An bắt đầu khởi sắc, thời cơ cũng đã đến Long An sẵn sàng chào đón các cơ hội đầu tư. Chỉ số CPI của Long An đứng hàng thứ ba năm 2018, tăng thu ngân sách trong thời gian gần đây; tốc độ tăng trưởng của tỉnh Long An cũng đứng đầu ĐBSCL cũng là nỗ lực của tỉnh trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư. Đó cũng là thành quả trong việc tiếp nhận rất nhiều dự án trong thời gian qua”, bà Hà thông tin.

TPHCM và Long An: Kết nối để phát triển

Các cơ quan quản lý và người làm kinh tế bàn cách kết nối TPHCM với Long An để phát triển.

Theo ông Nguyễn Thiềm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch TPHCM, điều kiện tự nhiên của tỉnh Long An, đặc biệt là khu vực Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức còn nhiều hạn chế cho phát triển bất động sản như: nền đất thấp, nhiều sông sạch - tạo ra không gian đẹp nhưng trong đầu tư thì phải san lấp nên giá thành cao. Chưa kể, khu vực này địa chất công trình yếu; nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và phèn, khó lấy được nguồn nước. Hiện tại Long An phải lấy nước từ hồ Dầu Tiếng rất xa.

Ngoài ra, các huyện ngoại thành TPHCM giáp ranh Long An vẫn còn nhiều vấn đề trong quy hoạch như nằm xa các đầu mối hạ tầng của vùng, các trục giao thông chính, chưa có nhiều dự án hạ tầng phát triển nên việc kết nối rất khó khăn. Tuy quy hoạch nhiều, ý chí phát triển lớn nhưng Long An phát triển chưa được như mong muốn. Ông Nguyễn Thành Ngoãn – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho rằng cẩn có sự kết nối giữa các tỉnh, như giữa TPHCM với Long An, giữa Long An với Tiền Giang và Đồng Tháp. Nếu có sự phối hợp đồng bộ, Long An nếu được đầu tư đường 825 kết nối với tỉnh lộ 10. TPHCM đã đầu tư tỉnh lộ 10 rồi, Long An chưa đầu tư thì cũng không phát huy hiệu quả. Hoặc như tuyến đường Nguyễn Hữu Chí của TPHCM với quy mô 6 làn xe, tuyến đường ở Long An 4 làn xe thì cũng không phát huy hiệu quả. Thứ hai, theo tôi phải tăng cường đầu tư hạ tầng.

Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – chuyên gia đầu tư Tài chính, việc kết nối giao thông giữa TPHCM và Long An sẽ thúc đẩy các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển, trong đó có một số nhóm ngành sẽ hưởng lợi. “Kết nối giao thông, tôi cho rằng cơ hội lớn Long An hưởng lợi từ TPHCM đem từ các tỉnh ĐBSCL. Cùng với đó các ngành sẽ hưởng lợi như công nghiệp chế biến, dịch vụ, logistics… giúp tỉnh Long An rất lớn”, ông Khương nói.

Để giữ chân các nhà đầu tư ở lại, điều cần làm là gắn kết Long An với TPHCM, gắn kết với các sân bay, bến cảng quốc tế, với các trung tâm tài chính, ngân hàng, với các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, văn hóa lớn... Bên cạnh đó, cần bổ sung giao thông kết nối với các đường chính đô thị giữa Long An và các quận, huyện giáp ranh với TPHCM cũng như đẩy mạnh tuyến nội bộ kết nối khu vực.