Triển lãm trực tuyến “METALEX Vietnam 2020 về sản xuất và gia công cơ khí: Kết nối kinh doanh cho các nhà sản xuất Việt Nam và quốc tế

(VOH) - Chương trình sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào hai ngày 23 và 24/10 tới đây.

Lễ Ký kết hợp tác Triển lãm trực tuyến “METALEX Vietnam 2020” & “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020” về sản xuất và gia công cơ khí - nền tảng toàn diện để doanh nghiệp sản xuất Việt Nam số hóa nhằm thích ứng, phục hồi và tăng trưởng trong thời kỳ “bình thường mới” diễn ra sáng 7/10. Chương trình sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào hai ngày 23 và 24/10 tới đây.

Họp báo về Triển lãm trực tuyến “METALEX Vietnam 2020” & “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020” về sản xuất và gia công cơ khí (Ảnh Lệ Loan).

Ông Vũ Trọng Tài - Tổng Giám đốc Reed Tradex Vietnam LLC cho hay, để tận dụng cơ hội từ xu hướng thiết lập và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân viên. Do đó, đơn vị đã tổ chức triển lãm METALEX Vietnam 2020 dưới hình thức trực tuyến nhằm tạo nền tảng kết nối kinh doanh hiệu quả trong thời điểm hiện tại cho các nhà sản xuất Việt Nam và các công ty cung cấp máy móc, giải pháp quốc tế.

"Chúng tôi cũng hợp tác cùng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh (CSID) tổ chức “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020” cùng thời gian và nền tảng với METALEX Vietnam 2020, nhằm kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Với việc đồng tổ chức METALEX Vietnam 2020 & Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020, tôi tin rằng sự kiện sẽ là điểm đến toàn diện cho cộng đồng sản xuất, gia công cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với nhiều hoạt động  kết nối doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có sức cạnh tranh trong bới cảnh mới” , ông Vũ Trọng Tài cho biết.

Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tổ chức kết nối trực tiếp giữa nhà cung cấp Việt Nam và nhà thu mua Nhật Bản tại khách sạn Nikko trong hai ngày này. Triển lãm lần này được tổ chức cùng thời gian và cùng hình thức trực tuyến với Triển lãm quốc tế về gia công kim loại và máy công cụ - METALEX Vietnam 2020.

Lễ Ký kết hợp tác Triển lãm trực tuyến “METALEX Vietnam 2020” (Ảnh Lệ Loan).

Ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư - Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM nhìn nhận, nhóm ngành sản xuất sẽ khó khăn trong chuyển đổi số hơn nhóm ngành thương mại. Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kết nối, đối thoại, tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến, sử dụng những công cụ Internet để tiếp cận, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Phong cho rằng, doanh nghiệp nên đi theo định hướng của mình, có thể phát triển công nghệ ngay từ khi bắt đầu sản xuất, hoặc thừa hưởng những công nghệ đã được các doanh nghiệp khác áp dụng thành công. Nhưng theo ông, dù có thay đổi như thế nào thì công nghệ thông tin trong thời đại số luôn là một phương pháp tiên phong, dẫn đầu và là một xu thế tất yếu:

“Triển lãm công nghiệp hỗ trợ năm 2020 là cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thiết bị máy móc tiên tiến nhất, cập nhật công nghệ kinh doanh thông minh, khám phá các giải pháp gia công kim loại hiệu quả, cũng như các giải pháp để nâng cấp sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, thông qua chương trình kết nối, gặp gỡ trực tiếp sẽ giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác kinh doanh ở lĩnh vực này trong tương lai.”

Sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam là 5% tương đương khoảng 30 doanh nghiệp. Ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, các doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư vào Việt Nam do họ nhìn thấy Việt Nam là thị trường lớn còn sức tăng trưởng, nguồn nhân lực tại Việt Nam khá tốt và tay nghề khá. Thêm vào đó, Việt Nam được đánh giá cao do nền chính trị ổn định, chính sách, thị trường ngày càng cải tiến, cởi mở, đặc biệt việc kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Ông Hirai Shinji cũng thông tin thêm, Chính phủ Nhật cũng đã đưa chính sách đa dạng hóa cơ sở sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất về vấn đề tài chính, trong số 124 doanh nghiệp đăng ký thì có 30 doanh nghiệp đã được chính phủ Nhật Bản chấp thuận.