Việt Nam trên đường phát triển bền vững

(VOH) - Chiều 5/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018. 

Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, cùng đông đảo doanh nghiệp.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 50 diễn giả đã trình bày các nội dung thời sự như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững với tốc độ cao ở Việt Nam, làm sao Việt Nam có thể đi trước đón đầu với quyết tâm và bước đi chiến lược hơn, quyết liệt hơn để hội nhập sâu rộng hơn.

Chia sẻ về phát triển bền vững, Thủ tướng cho rằng, từ tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế, rồi phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà ẩn sau đó là cả những nội hàm rất sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức. Nói khác đi, để đi đến được khái niệm phát triển bền vững là một quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển.

Tăng trưởng kinh tế, như cách hiểu truyền thống, chỉ sự gia tăng thu nhập quốc dân trên đầu người. Tuy nhiên, thước đo về tăng trưởng kinh tế từ lâu đã bị phê phán là có nhiều hạn chế. Chẳng hạn có những nước mức thu nhập bình quân đầu người như nhau, nhưng chất lượng sống của người dân những nước này rất khác nhau. Nhiều nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người khá cao, nhưng không phải nhóm người nào trong xã hội cũng được hưởng lợi thành quả từ tăng trưởng. Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các nhóm người và giữa các vùng miền, là mầm mống của sự bất mãn và căng thẳng xã hội. Tình trạng nhiều trẻ em không được học hành và suy dinh dưỡng, tình trạng phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc… tương phản hoàn toàn với chỉ báo tăng trưởng kinh tế.

Để khắc phục nhược điểm của thước đo tăng trưởng kinh tế, thì nay chúng ta bổ sung thêm khái niệm phát triển kinh tế, tiếp theo là phát triển bền vững. Trong ấn bản thường niên về Báo cáo Phát triển con người, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh “mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển” và Chỉ số Phát triển con người HDI ra đời từ đó. Tuy nhiên, tư duy phát triển không phải là thứ chân lý đã hoàn tất, mà là một quá trình tiếp tục hoàn thiện.

Năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thay thế 8 Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ bằng 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) với 168 chỉ tiêu cụ thể. Từ đó, các quan điểm về phát triển bền vững bắt đầu được mở rộng ra và mang tính bao trùm lớn hơn, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại là được sống trong hoà bình, phát triển xanh, môi trường sống trong sạch, bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, không còn chiến tranh và đói nghèo. Đó cũng chính là khát vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng khẳng định.

Xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm bền vững kinh tế, bền vững xã hội, và bền vững môi trường.

Về kinh tế, sau 30 năm, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ năm 2010 Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và phấn đấu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao trong 2 thập niên tới.

Nhân hội nghị này, Thủ tướng đã đề cập đến thông tin thời sự về kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường chứng khoán, tỷ giá và khẳng định, kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay tốt, không chỉ tăng trưởng cao mà lạm phát được kiểm soát. Khả năng dự trữ, chống chịu của nền kinh tế tốt hơn rất nhiều so với trước đây, nhất là dự trữ ngoại tệ, lương thực, năng lượng…

Về xã hội, Thủ tướng cho biết, nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện đã giảm còn 7% vào cuối năm 2017. Tuổi thọ trung bình tăng lên đạt khoảng 73,5 tuổi - thuộc nhóm cao nhất của thế giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.  

Đến nay, Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong phát triển bền vững. “Việt Nam tự tin sẽ đạt được và thậm chí hoàn thành trước nhiều SDG của Liên Hợp Quốc trước năm 2030”, Thủ tướng nêu rõ.