Xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực cần có trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia

(VOH) - Tại Diễn đàn kinh tế TPHCM 2019, chiều 18/10, các chuyên gia đề cập đến định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền thành phố để xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu

Từ năm 2001 khi TP.HCM xây dựng 9 nhóm ngành dịch vụ, trong đó thị trường tài chính là hàng đầu. Năm 2002, nghị quyết của Bộ Chính trị xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm kinh tế, tài chính khu vực nhưng không thực hiện được bởi vấn đề này không nằm trong chiến lược của quốc gia. Thời điểm này, theo Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cần có quyết tâm chính trị thực hiện bằng được việc hình thành trung tâm tài chính, nếu không thì thành phố sẽ không bao giờ thực hiện được.

“Vấn đề xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và tiến tới toàn cầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, nằm trong nội dung chiến lược. Còn nếu như lần này bỏ nữa, thì tôi nghĩ rằng chúng ta bàn cũng khó. Và tôi trông chờ nếu như trong chiến lược lần này không có nội dung này thì e rằng những nỗ lực của thành phố cũng sẽ rất khó khăn, và lịch sử sẽ lặp lại chuyện của thập niên 2000”, ông Trần Du Lịch phát biểu tại diễn đàn.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, điều kiện đủ là thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vươn lên khẳng định vị trí vai trò đầu tàu. Từ kinh nghiệm nghiên cứu, thành phố Hồ Chí Minh muốn thành trung tâm tài chính thì cần phát triển trước hết các trung tâm kinh tế, thương mại, đầu mối giao lưu, là nơi thu hút các doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, thành phố cần cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính địa phương, mà bộ máy đó chỉ hoạt động hiệu quả nếu tổ chức được mô hình chính quyền đô thị. Điều này sẽ giúp giải quyết được những vấn đề “ngổn ngang” đang đặt ra ở thành phố. Thêm vào đó, chính sách thị trường tài chính cần phải dài hạn, kiên trì, không thay đổi. Bởi điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất không phải biến động của thị trường mà là rủi ro trong chính sách.

Diễn đàn kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 2019

Phiên thảo luận Diễn đàn kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 2019 chiều 18/10

Ở lĩnh vực tài chính, theo nhìn nhận của ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước, hệ thống tài chính của Việt Nam như khu vực ngân hàng hiện nay đang trong quá trình tái cơ cấu. Khu vực chứng khoán với vốn hóa thị trường chưa cao, trong khi thị trường bảo hiểm thì còn khá nhỏ. “Cả hệ thống tài chính của chúng ta phải lành mạnh. Đặc biệt là chỉ số ngành ngân hàng đóng góp bằng 63,6% vốn cho nền kinh tế. Tín dụng trung dài hạn của ngành ngân hàng quá lớn. Thứ ba tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp chưa cao… Tôi nghĩ rằng với mức độ hiện tại của chúng ta thì có thể nói phải còn rất nhiều cố gắng thì mới phấn đấu trở thành hệ thống tài chính tầm cỡ khu vực được”, ông Hoè nhận định. 

Ở góc độ khác, Tiến sĩ Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nói rằng, ông trông chờ thành phố Hồ Chí Minh làm được 3 điều: Đó là tiên phong cải cách thể chế, sáng tạo và lan tỏa, thành phố Hồ Chí Minh không chỉ vì thành phố mà còn vì cả nước. Ông Thành nói: “Lựa chọn chiến lược cho thành phố Hồ Chí Minh là gì, là trung tâm tài chính, cứ để nó phát triển tự nhiên như những năm qua, tất nhiên ta sẽ thúc đẩy thêm. Nhưng quan trọng nhất là tiên phong đổi mới sáng tạo và lan tỏa. Và nếu như vậy chúng ta quay lại thị trường tài chính có vai trò như thế nào đối với chiến lược của đất nước: tăng trưởng tương đối tốt, lan tỏa và sáng tạo. Liệu khu vực tài chính này có giải quyết được một phần quan trọng của bài toán đó không?”