Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường

​​​​​​​(VOH) -  Thông tin từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng hơn 160 tỷ đô la Mỹ các mặt hàng nông sản trong đó rau quả chiếm khoảng 9-10 tỷ đô la Mỹ.

Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ lượng thực phẩm lớn với 2 triệu tấn thực phẩm/ngày. Quốc gia này cũng là thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn thứ 2 của Việt Nam.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của nông sản Việt Nam sang thị trường này có xu hướng giảm do Trung Quốc siết chặt các quy định về an toàn như: phải truy xuất được nguồn gốc, có mã số vùng trồng. Vì vậy, người sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam cần có những định hướng, chiến lược để phát huy tiềm năng từ thị trường này.

VOH trao đổi với ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

* VOH: Thưa ông, ông đánh giá tổng quan tiềm năng thị trường xuất khẩu nông sản Trung Quốc?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Có thể nói, Trung Quốc luôn là một thị trường tiềm năng truyền thống của chúng ta. Năm 2020 chúng ta gặp nhiều khó khăn của đại dịch Covid-19. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai công tác mở cửa thị trường đối với các nhóm sản phẩm chính ngạch như sầu riêng, chanh leo và các mặt hàng rau của quả khác.

Chúng ta đã có 9 mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục mở rộng thêm danh mục này. Thứ hai, chúng ta rà soát lại những quy định mới của thị trường Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, quản lý chất lượng, những thay đổi trong chính sách nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc. Cần thường xuyên liên tục cập nhật, hiểu rõ quy định của thị trường, làm tốt những quy định thị trường và tổ chức lại sản xuất theo đúng những tín hiệu của thị trường.

nhập khẩu, nông sản, ngày 19 tháng 11 năm 2020
Ảnh minh họa: PN

* VOH: Chế biến có phải là một giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Công tác chế biến rất được quan tâm trong 3 năm trở lại đây. Chúng ta cũng xác định đây là một phương thức để giải quyết vấn đề của xuất khẩu tươi. Ngoài ra, đây cũng là cách giải quyết vấn đề gia tăng giá trị nông sản Việt Nam. Rất nhiều sản phẩm trong lĩnh vực rau quả.

Chẳng hạn như sản phẩm chanh dây cô đặc được xuất đều đặn, thường xuyên sang thị trường Phúc Kiến và nhiều thị trường khác ở Trung Quốc. Đây là một lợi thế của Việt Nam và cũng là nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ trong kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của ngành là 30,05 tỷ đô la Mỹ thì có đến 9,6 tỷ đô la Mỹ là các sản phẩm nông sản chế biến.

Do đó chúng ta cần phải tiếp tục cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp xác định cơ cấu chủng loại ngành hàng chế biến để tập trung công sức vào khu vực này. Các địa phương cũng cần xem rau củ quả là một hướng đi phù hợp, triển khai đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình Chính phủ đề án Chế biến rau quả Việt Nam đến 2030, huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế để cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn.

*VOH: Doanh nghiệp cần lưu ý gì để việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc được thuận lợi?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Trong bối cảnh hiện nay, một việc chúng ta cần phải duy trì làm tốt là quản lý chất lượng, đặc biệt là mức dư lượng về thuốc bảo vệ thực vật, chất tồn dư trong sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường.

Thứ hai là vấn đề tem nhãn, bao bì, phải làm đúng những quy định của thị trường. Thứ ba là chúng ta cần cập nhật thêm những điều chỉnh của thị trường, Trung ương và của địa phương các tỉnh biên mậu. Khi chúng ta đưa hàng sangvới các đối tác sẽ không gặp khó khăn và bỡ ngỡ.

Thứ tư là vấn đề truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng của các sản phẩm rau quả tại các địa phương. Chúng ta cần triển khai một cách đồng bộ. Hai năm nay chúng ta đã làm rất tốt vấn đề này. Đây là một cuộc cách mạng lớn, đòi hỏi sự kiên trì cũng như liên tục bổ sung để các sản phẩm rau quả của Việt Nam nói riêng, các sản phẩm nông sản Việt Nam khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được đảm bảo về mặt truy xuất nguồn gốc.

Đây là phương thức hiện đại mà chúng ta đang triển khai với tất cả các thị trường khác.  

*VOH: : Cảm ơn ông!