Bón phân như thế nào để cây tiêu ra hoa và đậu quả tốt?

(VOH) - Tiêu là cây lâu năm và cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý theo từng thời kỳ sinh trưởng khác nhau của cây trong năm để có thể sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao.

Cây tiêu cũng cần một thời gian khô hạn ngắn để phân hóa mầm hoa. Ở nước ta, tuy chưa có thí nghiệm chính thức nào xác định thời gian cần cho cây tiêu chịu hạn (xiết nước) để cây tiêu có thể phân hóa mầm hoa tốt, nhưng từ các kinh nghiệm đúc kết trong sản xuất cho thấy thời gian này vào khoảng 30-40 ngày. Do vậy thu hoạch xong thường ngưng tưới cho tiêu và chờ mùa mưa đến.

Cây tiêu ra hoa vào mùa mưa. Ảnh: internet

Theo Tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuấn Nam - cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thì, vào mùa mưa, khi mưa đã đều, cùng với sự ra lá non là mùa hồ tiêu trổ hoa. Khi bắt đầu có vài trận mưa, Các búp non ở đốt cành bắt đầu nhú lên. Trong các búp non này có chứa lá non, chồi non và mầm hoa (gié hoa). Lá non mọc mạnh ra trước, tiếp theo sau đó là gié hoa và chồi non. Như vậy 1 búp non ở đốt cành sẽ phát triển thành một cành con mang 1 gié hoa.

Đạm và lân - yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng

Vào mùa ra hoa cây tiêu cần được bón phân đầy đủ để sự ra hoa đậu quả được thuận lợi. Việc trổ hoa tiêu xảy ra cùng với việc ra lá và chồi nên cần rất cần phân đạm, cây cần được cung cấp đạm đầy đủ.

Cây tiêu cũng rất cần lân trong giai đoạn đầu ra hoa này, chất lân giúp vào sự thụ phấn, thụ tinh khi hoa nở và quá trình tạo quả. Ngoài ra, lân còn giúp bộ rễ phát triển mạnh ngay vào đầu mùa mưa, nhờ rễ phát triển mạnh cây hút được nhiều chất dinh dưỡng khác.

Như vậy, đạm và lân là 2 yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng đối với cây tiêu vào mùa trổ hoa.

Phân kali cũng cần thiết nhưng chưa nhiều lắm vào gia đoạn này, cần với tỷ lệ thấp hơn đạm và lân. Vào giai đoạn trái phát triển và trái chín thì mới cần kali với tỷ lệ cao hơn. Cần lưu ý, sự hấp thu phân đạm sẽ có hiệu quả hơn khi được bón cân đối với lân và kali, do vậy nên tránh bón một mình phân Urê và đầu mùa mưa.

Nếu sử dụng phân đơn bà con có thể bón cho 1 gốc tiêu kinh doanh 0,5kg lân nung chảy, bón riêng không trộn chung với Urê. Trong lân nung chảy ngoài lân ra còn có Ca và Mg là 2 yếu tố trung lượng cũng rất cần thiết cho cây tiêu.

Phân đạm Urê và phân KCl được trộn chung với nhau theo tỷ lệ 100 kg Ure +50 kg KCl và bón cho mỗi cây từ từ 150-200g. Có thể bón hai đợt trong mùa ra hoa đậu quả, một đợt vào đầu mùa mưa khi đất đã đủ ẩm và đợt tiếp theo cách đợt đầu khoảng 1,5 tháng.

Nếu dùng phân NPK hỗn hợp, nên dùng các công thức phân có hàm lượng N và P cao hơn kali để bón trong giai đoạn ra hoa này. Ví dụ công thức 16-16-8 - 9 S TE hoặc công thức 19-12-6 TE, đều là những công thức có thể sử dụng trong giai đoạn này, bón từ 200-250g/trụ tiêu.

Trong phân NPK hỗn hợp thường được nhà sản xuất đưa thêm các yếu tố trung vi lượng như Ca, Mg, B, Zn Cu… vào nên cũng rất thuận tiện để sử dụng.

Phun phân bón lá để hỗ trợ thêm

Ngoài ra, nhà vườn có thể dùng các loại phân bón lá hữu cơ, các loại phân bón lá có hàm lượng các chất vi lượng như B, Zn khá cao phun hỗ trợ giúp cây tiêu ra hoa và đậu quả tốt hơn.

Phân hữu cơ: Bên cạnh phân khoáng phải bón hữu cơ tốt cho vườn tiêu. Vào đầu mùa mưa bón cho mỗi trụ tiêu 10-15 kg phân chuồng hoai mục.

Vôi cũng nên bón vào đầu mùa mưa, bón với lượng 1000-1500kg/ha rải đều trên mặt đất.

>>>> Nghe về Nhu cầu dinh dưỡng hồ tiêu khi ra hoa trong chương trình Kết nối Nhà nông

Chương trình Kết nối Nhà nông phát trong chương trình Nông thôn mới trên sóng FM 99.9 MHz vào lúc 4 giờ 30 phút thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần.