Cách xử lý bệnh vàng lá, bọ trĩ, sâu đục trái trên cây có múi

(VOH) - Ngoài ra, còn có các loài dịch hại mới phát sinh trong những năm gần đây như sâu đục trái trên cây bưởi, hiện tượng “héo xanh” trên cây quýt...

Bệnh vàng lá gân xanh

Là một bệnh nghiêm trọng gây hại trên nhiều chủng loại cây có múi, cho nên việc quản lý bệnh này vô cùng khó khăn và phức tạp. Bệnh do vi khuẩn Candidatus Liberibacter asiaticus gây ra và do rầy chổng cánh làm tác nhân lan truyền bệnh chủ yếu.

Xử lý bệnh vàng lá găn xanh

- Sử dụng cây giống sạch bệnh đã được chứng nhận

- Khi phát hiện cây nhiễm bệnh thì loại bỏ ngay cây bệnh.

- Trồng cây chắn gió để hạn chế mầm bệnh lây lan qua rầy chổng cánh.

- Chúng ta có thể sử dụng biện pháp kéo đẩy, đó là trồng xen cây có múi với cây ổi xá lỵ nghệ ở bên trong vườn để xua đuổi rầy chổng cánh ra bên ngoài. Nên trồng cây nguyệt quế như là hàng rào xung quanh vườn để thu hút rầy chổng cánh tập trung lại và tiêu diệt rầy chổng cánh trên các cây nguyệt quế này.

- Không nên trồng cây có múi vào vùng có áp lực bệnh quá cao mà nên chuyển đổi cây trồng một thời gian và sau đó trồng lại.

- Trong vườn nên treo một số bẫy màu vàng để đánh giá sự xuất hiện của rầy chổng cánh.

- Quản lý vườn hợp lý để tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển trong vườn nhằm hạn chế mật số rầy chổng cánh, từ đó quản lý tốt bệnh vàng lá gân xanh.  

Quản lý sâu bệnh hại kịp thời trên cây có múi giúp cây tăng trưởng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: internet

  Xử lý bệnh vàng lá thối rễ

- Không nên trồng quá dày.

- Định kỳ hoặc hàng năm tiến hành vét mương bồi bùn lên líp vào đầu mùa nắng.

- Cần xẻ rãnh thoát nước để giúp vườn cây thoát nước nhanh trong mùa mưa.

- Kiểm tra thường xuyên vườn, đặc biệt vào những tháng đầu mùa mưa để phát hiện sớm bệnh thối rễ từ đó đưa ra biện pháp quản lý kịp thời và thích hợp.

- Sau mỗi đợt thu hoạch nên tỉa cành, tạo tán cây nhằm giúp cho vườn được thông thoáng.

- Nên rải vôi cho vườn cây có múi vào đầu và cuối mùa mưa (2 lần/năm) hoặc kết hợp quét vôi vào gốc cây từ mặt đất lên khoảng 50 cm để diệt nấm gây bệnh vàng lá thối rễ.

- Tăng cường bón cho cây nhiều phân hữu cơ, nên sử dụng phân chuồng hoai mục kết hợp với việc bổ sung sinh vật đối kháng với nấm gây bệnh như: nấm Trichoderma, hay xạ khuẩn Streptomyces để các loài vi sinh vật này tìm đến tiêu diệt các nấm bệnh trong đất và xung quanh rễ cây.

- Khi phát hiện triệu chứng bệnh sử dụng thuốc trừ đặc trị nấm tưới quanh gốc 2-3 lần mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

- Có thể tưới hỗ trợ các chế phẩm kích thích sinh trưởng bộ rễ nhằm gia tăng sự phát triển rễ mới.

Cách chữa bệnh bọ trĩ

Đối với côn trùng trên cây có múi, nhất là vào thời kỳ mùa nắng như hiện nay, cần chú ý đến bọ trĩ.

Các loài bọ trĩ này rất dễ kháng thuốc nên cần áp dụng IPM để quản lý chúng, cụ thể:

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng phát triển tốt, cho cây ra đọt non, ra hoa tập trung.

- Tạo điều kiện cho thiên địch phát triển.

- Dùng bẫy màu vàng đặt khi cây ra hoa để phát hiện bọ trĩ, từ đó có biện pháp quản lý kịp thời.

- Khi phát hiện có 3-5% số đọt non hay trái non có bọ trĩ gây hại thì tiến hành xử lý bằng các loại thuốc đặc trị và luân phiên các loại thuốc với nhau.

Bệnh sâu đục trái

Loài này tấn công và gây hại rất nghiệm trọng trên nhiều vườn bưởi tại các tỉnh phía Nam. Sâu đục trái có tên khoa học là Citripestis sagittiferella, sâu đục trái có vòng đời là 28,5-38,5 ngày.

Cách chữa trị bệnh sâu đục trái

Trước đây sâu gây hại rất nghiêm trọng, tuy nhiên đến nay nhà vườn đã biết cách quản lý đối tượng này khá hiệu quả bằng các biện pháp cơ bản sau:

- Nên xử lý ra hoa đồng loạt để dễ quản lý sâu gây hại.

- Thu gom và tiêu hủy trái bị nhiễm sâu (trái đã rụng hoặc còn trên cây).

- Bao trái bằng túi bao trái chuyên dùng (lưới nhựa 49 lỗ.cm2). Vào giai đoạn trái được 2-3 tuần tuổi, nên phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi bao trái.

- Nếu không áp dụng biện pháp bao trái có thể sử dụng ánh sáng đèn để xua đuổi thành trùng: Loại ánh sáng trắng, đèn Compact 15 W(10 đèn/1.000 m2), thời gian chiếu sáng từ 18-21 giờ mỗi đêm vào giai đoạn trái khoảng 3 tuần sau khi đậu trái.

- Hạn chế sử dụng thuốc hóa học có độc tính cao để bảo vệ thiên địch trong tự nhiên của sâu đục trái như: ong ký sinh, kiến vàng,...

- Sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc đặc trị sâu đục trái để quản lý đối tượng này.

Chú ý: Khi phun xịt thuốc thì cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly thuốc an toàn.

Bên cạnh đó, trong sản xuất cây có múi hiện nay còn gặp tình trạng thiếu dinh dưỡng trên cây có múi như thiếu Đạm, lân, kali, Canxi, Kẽm, Molypden, Mangan, chúng có các triệu chứng rất giống bệnh nên nhà vườn thường bị nhầm lẫn và lúng túng trong việc phòng trừ.

Biện pháp khắc phục thiếu dinh dưỡng nói chung và thiếu molypden như vừa nói thì nhà vườn cần bổ sung bằng cách bón gốc đối với cây mới trồng. Khi cây đã phát triển, có lá thì phun qua lá.

Việc phun qua lá sẽ cung cấp kịp thời cho cây các dưỡng chất bị thiếu, giúp cây đảm bảo được năng suất và chất lượng sản phẩm.

>>>> Nghe về Sâu bệnh hại trên cây có múi và biện pháp quản lý trong chương trình Kết nối Nhà nông

Chương trình Kết nối Nhà nông phát trong chương trình Nông thôn mới trên sóng FM 99.9 MHz vào lúc 4 giờ 30 phút thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần.