Cách xử lý hiện tượng rụng trái non trên cây cà phê

(VOH) - Hiện tượng rụng quả non cà phê thường xảy ra trên vườn cây sau khi mưa đều khoảng 1-2 tháng và sự rụng quả này có thể xảy ra tập trung trong một thời gian ngắn hay rụng rải rác cho đến khi thu hoạch. 

Vào mùa mưa, cùng với sự ra cành, chồi, lá mới thì các trái non trên các chùm quả cũng bắt đầu lớn rất nhanh. Trong giai đoạn này cũng thường xảy ra hiện tượng rụng quả non làm giảm năng suất cà phê. 

Hiện tượng rụng quả non trên cây cà phê sẽ làm giảm năng suất cà phê trong vụ. Ảnh: internet

Nguyên nhân cà phê rụng quả mùa mưa

Theo Tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuấn Nam - cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thì, có 2 nguyên nhân chủ yếu gây rụng trái non trên cây cà phê như sau:

- Thiếu dinh dưỡng hoặc mất cân đối dinh dưỡng: Khi mưa xuống, quả lớn nhanh, cây phát triển mạnh, cần nhiều dinh dưỡng. Nếu ta không bón phân kịp thời để các chất dinh dưỡng được hút lên lá, nhờ sự quang hợp của lá, tổng hợp thành chất khô đưa vào nuôi trái kịp thời, đầy đủ có thể gây rụng trái.

Bón phân không cân đối hoặc sự thiếu hụt một yếu tố dinh dưỡng nào đó cũng gây nên rụng trái. Các thí nghiệp phân bón trước đây được thực hiện bởi Viện WASI cho thấy thiếu kali hoặc bón mất cân đối giữa kali và đạm gây nên rụng quả. Đôi lúc chỉ là sự thiếu hụt một yếu tố dinh dưỡng vi lượng cũng gây nên rụng quả, ví dụ thiếu kẽm, bore…

- Do sâu bệnh phá hại:

+ Rệp sáp hại quả: rệp sáp ẩn núp trong các chùm quả, chích hút nhựa cây ở cuống quả, làm rụng quả. Nặng hơn nữa, rệp cộng sinh với nấm muội đen, tạo nên lớp muội đen bao phủ chùm trái, lá cây, ngăn cản sự quang hợp đưa đến rụng quả và có thể rụng lá rồi chết luôn cả cành.

+ Bệnh hại: mùa mưa đến, ẩm độ không khí cao tạo điều kiện cho một số loại nấm bệnh phát triển.

* Bệnh do nấm Cercospora phát triển trên các quả non, đầu tiên gây những vết nhỏ hồng nâu trên trái, cuống trái, sau đó phát triển lan rộng, làm đen cuống quả và rụng quả hàng loạt, điều này thường thấy vào khoảng 1-2 tháng sau mưa.

* Bệnh thán thư do nấm Colectotrichum xuất hiện muộn hơn vào khoảng tháng 7,8, vết bệnh trên quả bị nám như cháy nắng, sau đó lõm xuống, quả rụng không đầy nhân. Bệnh tấn công cả cành và có thể làm chết cành.

* Nấm hồng: vào giữa mùa mưa thì có nấm hồng phát triển trên các cành mang quả cũng có thể gây rụng quả và khô luôn cả đoạn cành bên ngoài.

* Rỉ sắt: là bệnh hại lá. Ở những cây cà phê bị rỉ sắt nặng, nếu không phòng trừ kịp thời, lá bị rụng rất nhiều, cây không quang hợp được để nuôi quả, quả cà phê cũng bị rụng hoặc chín ép không đầy nhân.

Các vườn cà phê kém thông thoáng do tạo hình tỉa cành không tốt, để cành chồi rậm rạp, hoặc các vườn cà phê có cây che bóng, cây trồng xen rậm rạp, không rong tỉa kịp thời trong mừa mưa thì bệnh phát triển nặng hơn.

Biện pháp khắc phục

- Bón phân kịp thời cho cây vào đầu mùa mưa và vào các thời kỳ quả lớn, quả vào chắc. Thông thường trong mừa mưa phân bón được bón 3 lần: đầu, giữa và cuối mùa mưa. Công thức bón và liều lượng bón phải cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây cà phê.

Vào đầu mùa mưa như ở giai đoạn này khi mưa đã đều, bón phân NPK có công thức 19-12-6 TE hoặc công thức 16-16-8 9S TE là những công thức phù hợp, bón mỗi gốc từ 500-700g tùy theo tiềm năng năng suất vườn cây. Các đợt sau đợt 2 và 3, nên dùng các công thức có liều lượng kali cao hơn ví dụ 16-8-16 4S TE hoặc 16-6-19 TE…

- Làm cành, chồi kịp thời để tránh sự tiêu hao dinh dưỡng không cần thiết, để cây thông thoáng, rong tỉa cây bóng mát, cây trồng xen kịp thời tạo độ thông thoáng cho vườn cây hạn chế sự phát sinh phát triển của nấm bệnh.

- Theo dõi thường xuyên tình hình sâu bệnh hại trên vườn để phòng trừ kịp thời. Nếu bị rệp sáp hại quả thì phun thuốc phòng trừ rệp sáp. Có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây: Selecron 500 EC; Polytrin 440 EC; Bull Star 265.2 EC…phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày, lưu ý chỉ phun cây có rệp và phun kỹ vào chùm quả.

Để quản lý các loại bệnh gây rụng quả kể trên bà con có thể phun thuốc gốc đồng như Cham DP 68WP; COC 85WP; Norshiled 86,2WG...vào đầu mùa mưa có tác dụng phòng bệnh rụng trái tốt.

Khi có xuất hiện bệnh thán thư thì phun các loại thuốc trị thán thư như, Antracol 70WP; Carbenzim 500FL….Rỉ sắt, nấm hồng thì phun Anvil 5SC.

>>>> Nghe Cách xử lý hiện tượng rụng trái non trên cây cà phê trong chương trình Kết nối Nhà nông

Chương trình Kết nối Nhà nông phát trong chương trình Nông thôn mới trên sóng FM 99.9 MHz vào lúc 4 giờ 30 phút thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần.