Chăm sóc cây bơ giai đoạn làm bông  

(VOH) - So với các loại cây ăn quả khác, bơ là loại cây dễ trồng, khả năng thích nghi rộng, chống chịu khá với các bất lợi của môi trường như hạn hán, gió, đất nghèo dinh dưỡng. Ngoài vấn đề về dinh dưỡng, bơ còn là một loại trái cây khá an toàn, do có vỏ dày nên hạn chế được các loài sâu hay côn trùng chích hút, thuốc bảo vệ thực vật rất ít được dùng cho cây bơ.

Bơ là loài cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, kiến thức kỹ thuật giống cây trồng còn hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn lúc làm bông và quản lý dinh dưỡng cho cây.

Việc sử dụng thuốc hóa học trong thời kỳ ra hoa của cây bơ thì không nên vì cây thụ phấn nhờ vào côn trùng. Ảnh: camnangcaytrong

Thạc sĩ Phạm Công Trí – Trưởng bộ môn hệ thống Nông Lâm nghiệp – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn cách chăm sóc cây bơ giai đoạn làm bông.

Theo Thạc sĩ, sau khi dứt mùa mưa, cây bơ bắt đầu phân hóa mầm hoa, lúc này cần làm vệ sinh vườn cây: cắt bỏ cành không tốt, sâu bệnh, tạo hình, làm thông thoáng tán cây sẽ giúp cây ra hoa hiệu quả hơn.

Những vùng có gió hoặc dãi nắng, cần trồng cây kết hợp đai rừng để cản gió sẽ tốt cho bơ. Giúp cây thụ phấn tốt, ta nên nuôi ong hoặc côn trùng trong vườn.

Về dinh dưỡng cho cây: Cần làm cỏ gốc và bón phân hữu cơ – lân cho cây.

Việc bón phân hữu cơ – lân có 2 quy trình: phân đơn hoặc NPK.

Bón phân giai đoạn cây ra hoa, làm bông và nuôi trái

Đối với quy trình phân đơn trong giai đoạn cây ra hoa, làm bông và nuôi trái, có những lần bón phân quan trọng như sau:

- Sau thu hoạch và đã làm vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành xong, bón từ 4 – 6 kg SA và 0,5 – 1 kg super lân, sau đó tưới nước giúp nuôi hoa.

- Trước khi ra hoa (giai đoạn nhú cựa gà): từ 20 ngày đến 1 tháng, tiến hành bón phân lần 2 nhằm phục hồi, phân hóa mầm hoa bơ với hàm lượng phân như sau: 0,2 – 0,3kg phân Ure + 0,5kg lân và 0,2kg Clorua Kali, trong đó, lân chúng ta bón riêng để tránh sự tương tác giữa lân và Ure, ta có thể trộn chung Ure và Clorua Kali để bón 1 lần. Khi hoa ra đều, ta có thể phun Kali Nitrat giúp hoa bung đều.

Đối với những loại bơ phải rụng lá mới ra hoa thì ta phải phun phân bón lá điều hòa dinh dưỡng gồm phân Ure và KNO3 với tỉ lệ 3 – 4/1000.

- Giai đoạn ra hoa, thụ phấn, lá non phát triển thì ta bắt đầu quan sát cây, nếu thấy cây đủ dinh dưỡng thì chỉ cần tưới nước, nếu cây thiếu dinh dưỡng thì tiến hành phun phân bón lá.

+ Khi cây bật mầm hoa: không bón phân gốc.

+ Sau khi trái đậu đều, to bằng chiếc đũa, ta bón thúc trái lần 1 gồm: 0,3 –0,5kg phân Ure + 0,2 kg Super lân và 0,3kg Kali.

- Trước khi thu hoạch: bón bổ sung thêm từ 0,2 – 0,3kg Ure + 0,3 – 0,4kg Kali Clorua. Trên những vùng đất Bazan thường chua và nghèo vi lượng nên trong qui trình sử dụng phân đơn ta nên bón thêm vôi và phân vi lượng với hàm lượng từ 0,5 – 1kg vôi/năm/cây, thường nên bón vào đầu mùa mưa và trước gia đoạn làm hoa. Kết hợp với lần bón phân thứ 1 khi chuẩn bị ra đọt và lần 3 sau khi đậu trái, ta bón kết hợp: 4 – 5kg Sunfat kẽm + 5 – 6kg Sunfat Magie và 6- 7 kg phorat. Ba loại phân này rất quan trọng cho cây: hạn chế lá bị dị dạng ảnh hưởng đến việc đậu trái. Những năm thứ 9, 10 năng suất tăng, chúng ta bón tăng từ 20 – 30% lượng phân vừa được khuyến cáo trên.

Hiện nay, nông dân chuộng sử dụng phân NPK chuyên dùng hơn là phân đơn, khi đó chúng ta cần lưu ý như sau:

- Sau khi thu hoạch: sau khi làm vệ sinh cây xong, phần gốc cây, ta bón NPK thúc mầm với tỉ lệ: 18:12:8 hoặc 20:20:10 sau đó tưới nước, giữ ẩm cho cây.

- Phần trên thân cây: dùng phân bón lá giàu hữu cơ và vi lượng, bón từ 1 – 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày.

- Khi ngồng hoa ra đều, đạt, chuẩn bị nở: bón NPK thúc hoa + tăng đậu trái với công thức: 7:17:12 TE, sau bón tưới nước đều.

- Khi hoa đã đậu, quả đã bám: bón NPK chuyên dùng có hàm lượng kali cao hơn, khuyến khích dùng theo tỉ lệ: 14:10: 17 TE (Tây Nguyên) kết hợp phun phân bón lá.

Việc sử dụng thuốc hóa học trong thời kỳ ra hoa thì không nên vì cây bơ thụ phấn nhờ vào côn trùng. Khi thấy bơ có hiện tượng lớn nhanh, nứt trái ta phun phân bón lá giàu canxi, canxi clorua giúp trái đều, vỏ cây chắc, phẩm cách và chất lượng trái cao hơn.

Bơ là loài cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: camnangcaytrong

Làm bông để cây bơ có năng suất

Những lưu ý của kỹ sư Ngô Văn Huy – Công ty Bayer Việt Nam – những giải pháp dinh dưỡng cho cây bơ khi làm bông để cây bơ có năng suất cao và bền vững.

Cần lưu ý 2 vấn đề:

1. Nước tưới: cây bơ cần độ ẩm thấp nhưng không quá thấp, vừa phải, kết hợp tưới nước nhiều lần, có thể từ 10 – 15 ngày/lần, đối với cây bơ trong giai đoạn kinh doanh thì cần lượng nước từ 150 – 200 lít/gốc/lần, tưới 3- 4 lần/năm.

Trong giai đoạn ra hoa, cây rất nhạy cảm, cần độ ẩm vừa đủ, không nhiều, nếu nhiều sẽ gây ra hiện tượng rụng hoa, không đậu quả.

2. Dinh dưỡng:

- Cân đối lượng phân bón NPK, không quá cao, đọt bị chùn và hoa sẽ không ra được, nên theo tỉ lệ: 2:1:1 hoặc 1:1:1

- Cây trong giai đoạn đang kinh doanh nên bón từ 3 - 4 đợt/năm, 1 đợt vào mùa khô, 3 đợt vào mùa mưa, khi bón phân ta có thể tạo bồn hay làm rãnh có độ sâu từ 10 – 15 cm, sau đó lấp đất lại và tưới giúp rễ hấp thụ phân tốt hơn.

- Cần theo dõi thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời các nấm bệnh trên cây bơ làm cây cho năng suất thấp như thối rễ, ghẻ ở vỏ.

>>>> Nghe Chăm sóc cây bơ giai đoạn làm bông trong chương trình Kết nối Nhà nông.

Chương trình Kết nối Nhà nông phát trong chương trình Nông thôn mới trên sóng FM 99.9 MHz vào lúc 4 giờ 30 phút thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần.