Bà bầu ăn cà muối có ảnh hưởng đến thai kỳ không?

(VOH) - Mặc dù là món ăn quen thuộc, nhưng nhiều người vẫn cho rằng ăn cà muối không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Vậy bà bầu ăn cà muối được không ?

Cà muối là món ăn khoái khẩu của nhiều người trong những ngày hè nóng nực. Đôi khi chỉ cần bát canh cua, vài miếng cà muối là “mát ruột” rồi. Nhất là ở những chị em đang mang bầu, vị chua chua của cà muối rất dễ kích thích và gây thèm. Tuy nhiên, bà bầu ăn cà muối có ảnh hưởng gì không thì vẫn luôn là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. 

1. Bà bầu ăn cà muối được không?

Khi mang bầu, chế độ dinh dưỡng của người mẹ rất cần được chú trọng vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu, mà còn tác động lớn đến thai nhi. Có nhiều món ăn làm mẹ bầu rất khoái khi bị nghén thai kỳ nhưng lại phải thận trọng, trong đó có cà muối. Như vậy, bà bầu có được ăn cà muối không?

Như đã nêu ở trên, cà muối có khả năng kích thích tiêu hóa nhờ men tự nhiên. Tuy vậy, mẹ bầu cần chú ý khi dùng món ăn này, vì nó không chỉ ít chất dinh dưỡng, mà còn có thể chứa chất độc không tốt với sức khỏe. Mặc dù độc tố Solanine trong quả cà sẽ giảm đi khi đã được muối nhưng chị em cũng không được chủ quan vì nó vẫn tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn.

Bà bầu ăn cà muối xổi có thể bị ngộ độc Solanine bởi chất độc trong cà chưa hoàn toàn bị tiêu trừ. Ngộ độc Solanine chủ yếu biểu hiện trên hệ thần kinh và hệ tiêu hóa với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau dạ dày, nóng rát cổ họng, nhịp tim rối loạn, đau đầu, chóng mặt. Trường hợp nặng hơn có thể bị ảo giác, vàng da, tê liệt, hạ thân nhiệt, hôn mê, thậm chí là tử vong.

ba-bau-an-ca-muoi-co-anh-huong-den-thai-ky-khong-1-voh
Bà nầu nên hạn chế ăn cà muối trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

Các biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện sau 8 đến 12 giờ kể từ khi ăn cà có chứa solanin. Mức độ ngộ độc tùy theo lượng ăn vào, theo nghiên cứu, nếu ăn phải 2 đến 5mg/kg solanin sẽ gây ra các triệu chứng nhiễm độc, và liều từ 3 đến 6mg/kg có thể gây tử vong. Ngoài ra, cà muối không đảm bảo vệ sinh rất dễ bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, không tốt cho sức khỏe mẹ bầu.

Mặc dù là món ăn rất ngon trong mùa hè nhưng bà bầu vẫn không nên ăn cà muối xổi, nhất là trong giai đoạn đầu thai kỳ và thậm chí là trong cả quá trình mang thai để tránh nguy cơ nhiễm độc cho thai nhi. Tuy nhiên, với cà đã muối đủ chua, bà bầu có thể dùng được nhưng vẫn nên hạn chế.

2. Dinh dưỡng trong cà muối

Theo chuyên gia dinh dưỡng, cơ thể con người thường hấp thụ các chất có trong thực phẩm lên men nhiều hơn thực phẩm thông thường. Bên cạnh đó, các loại enzym có trong thực phẩm lên men còn kích thích hệ tiêu hóa và giúp tăng cường tiêu hóa. Vì thế, phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên dùng các sản phẩm đã được lên men tự nhiên như men sữa, sữa chua,…

ba-bau-an-ca-muoi-co-anh-huong-den-thai-ky-khong-voh-2
Cà muối được tạo ra nhờ quá trình lên men tự nhiên (Nguồn: Internet)

Cà muối là món ăn được tạo ra nhờ quá trình lên men tự nhiên của vi khuẩn lactic và cũng có khả năng kích thích tiêu hóa. Khi được muối chín tới, trong nước cà muối có đến 20 loại acid amin tốt cho cơ thể con người.Tuy nhiên, bản thân cà muối lại rất ít dưỡng chất, ngoài một số ít vitamin và khoáng chất thì còn một lượng chất đạm không đáng kể. Do đó, cà muối không thể đáp ứng được nguồn dinh dưỡng cho mẹ bầu.

Theo Y học cổ truyền, quả cà pháo có tính hàn, mang đến tác dụng tán huyết, trị trũng thấp, chỉ thống, trừ viêm. Với tính hàn như vậy, phụ nữ mang thai nên thận trọng vì có thể nhiễm lạnh, dễ gây ho, không tốt cho sức khỏe.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, trong quả cà pháo tươi có chứa một lượng lớn hoạt chất Solanine – một chất độc thuộc nhóm glycoalkaloid gây ngộ độc thần kinh. Khi được muối chín, lượng chất độc này sẽ giảm đi, hạn chế độc tính lên cơ thể con người. Tuy nhiên, nếu muối chưa kỹ hay còn gọi là muối xổi thì món ăn này dễ trở thành tác nhân gây ung thư. Cơ chế được giải thích là gốc nitrat trong cà sẽ chuyển thành dạng nitrit và kết hợp với acid amin trong thực phẩm, chuyển hóa thành chất gây ung thư.

Xem thêm: Bí kíp muối cà pháo tại nhà vừa đậm đà lại giòn cay, hết ngay mấy chén cơm

3. Bà bầu ăn cà muối cần lưu ý những gì?

Để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, khi ăn cà muối mẹ bầu cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn cà muối nhưng phải đảm bảo lựa chọn cẩn thận những quả cà được muối chín, tránh cà muối xổi. Bên cạnh đó, bà bầu cũng không nên ăn thường xuyên món ăn này vì nó có tính hàn, khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh và ho.
  • Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẹ bầu nên tự muối cà ở nhà và sử dụng bình sành, sứ, thủy tinh để đựng thay vì bình nhựa.
  • Bà bầu không nên ăn cà muối vào buổi tối vì có thể bị chướng bụng và đầy hơi, dẫn tới khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Bên cạnh đó, bà bầu cũng không nên ăn quá nhiều cà muối trong một bữa vì có thể khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn.
  • Khi ăn cà muối, nếu cảm thấy có vị đắng thì mẹ bầu nên bỏ đi ngay, vì vị đắng có thể là độc tố trong quả cà, vị đắng càng nhiều thì độc tố càng cao.
  • Theo kinh nghiệm được truyền lại, mẹ bầu nên bỏ hạt khi ăn cà muối vì hạt cà muối được cho là tác nhân gây nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh. Do vậy, bà bầu vẫn nên hạn chế ăn cà muối trong thai kỳ.
ba-bau-an-ca-muoi-co-anh-huong-den-thai-ky-khong-voh-3
Những lưu ý khi bà bầu ăn cà muối ( Nguồn: Internet )

4. Những thực phẩm lên men bà bầu không nên ăn

Ngoài hạn chế ăn cà muối, thì có nhiều thực phẩm lên men thì bà bầu cũng nên tránh xa như:

  • Măng chua: Trong măng chua chứa glucozit kết hợp với men tiêu hóa trong dạ dày sẽ giải phóng axit xyanhydric có thể gây nôn mửa, thậm chí ngộ độc ở bà bầu
  • Dưa chua: Cũng giống với cà muối, dưa chua cũng chứa thành phần độc tố gây ung thư nguy hiểm.
  • Nem chua: Vì là thực phẩm lên men từ thịt sống nên dễ bị nhiễm khuẩn E.coli, bà bầu ăn nem chua dễ bị tiêu chảy và các vấn đề khác về tiêu hóa.

Qua những phần giải đáp thắc mắc bà bầu ăn cà muối được không như ở trên, có thể khẳng đình bà bầu có thể ăn được cà muối được nhưng cần thận trọng và không nên sử dụng thường xuyên. Hy vọng qua bài viết, mẹ bầu đã có cái nhìn rõ ràng hơn về cà muối - món ăn khoái khẩu cho ngày hè.