Bà bầu ăn rau ngót được không và cần lưu ý điều gì?

(VOH) - Bà bầu có nên ăn rau ngót không là câu hỏi được rất nhiều mẹ bầu quan tâm. Mặc dù đây là một loại rau có tính mát và bổ dưỡng, nhưng lại có nhiều tin đồn cho rằng rau ngót dễ gây sảy thai.

Rau ngót là loại rau phổ biến trong các mâm cơm gia đình. Đây là loại rau có tính mát và dễ ăn, tuy nhiên, một số người cho rằng rau ngót không thích hợp cho phụ nữ mang thai. Vậy thực hư việc này thế nào, bà bầu ăn rau ngót được không?

1. Bà bầu ăn rau ngót được không?

Trong quá trình mang thai, việc kết hợp các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn và lựa chọn thực phẩm như thế nào để an toàn cho cả thai kỳ là điều các mẹ bầu rất quan tâm. Món ăn càng đa dạng bao nhiêu thì các chất dinh dưỡng được hấp thụ sẽ phong phú bấy nhiêu. 

Tuy nhiên, có nhiều thực phẩm mà mẹ phải “dè chừng”, trong đó có rau ngót dù đây là loại rau rất giàu dinh dưỡng. Những câu hỏi được đặt ra như bà bầu có được ăn rau ngót không, bà bầu 4 tháng có được ăn rau ngót không, bà bầu sắp sinh có được ăn rau ngót không,… đều là những băn khoăn của nhiều chị em trong quá trình mang bầu.

Theo nhiều nghiên cứu, rau ngót tươi có chứa hoạt chất papaverin với hàm lượng lớn. Đây là chất kích thích co thắt cơ trơn tử cung nên có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Đặc biệt, ở những mẹ bầu thụ tinh trong ống nghiệm, có tiền sử sảy thai hoặc đẻ non cần hạn chế ăn rau ngót. 

ba-bau-an-rau-ngot-duoc-khong-voh-0

Rau ngót có thể gây ra các cơn co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai (Nguồn: Internet)

Vì thế, một số khuyến cáo đã đưa ra là mẹ bầu không nên ăn rau ngót trong 3 tháng đầu tiên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thai kỳ cũng như hạn chế những vấn đề xấu có thể xảy ra như sảy thai, băng huyết, hư thai...

Với mẹ bầu có sức khỏe tốt thì từ tháng thứ 4 trở đi vẫn có thể ăn rau ngót với số lượng vừa phải và không quá thường xuyên. Ngoài ra, rau ngót cũng phải được đảm bảo độ tươi sạch và được nấu chín kỹ để làm giảm hàm lượng papaverin bên trong loại rau này.

Tuy nhiên, khi mẹ bầu bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, cụ thể là tháng thứ 8 và tháng 9 thì tốt nhất là không nên ăn rau ngót để tránh tình trạng tử cung co thắt dẫn đến sinh non.

2. Bà bầu ăn rau ngót có ảnh hưởng gì không?

Phụ nữ mang thai chỉ nên ăn rau ngót với lượng vừa phải. Bởi theo dân gian, rau ngót được biết đến như một món ăn giúp tăng co thắt tử cung, thường được dùng để ăn sau sinh nhằm tống sạch sản dịch còn ứ đọng. Do đó, nếu trong giai đoạn thai kỳ bà bầu ăn rau ngót quá nhiều có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như:

2.1 Đe dọa sảy thai

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng gây sảy thai của rau ngót trên phụ nữ mang bầu. Tuy nhiên, hoạt chất papaverin trong loại rau này có khả năng tăng co thắt cơ trơn tử cung, do đó không tốt cho người mang thai. 

Hơn nữa, thực tế đã cho thấy, nước rau ngót tươi có khả năng chữa sót rau thai ở phụ nữ vừa sinh nở, sau khi nạo phá thai hoặc sau sảy thai. Do đó, rau ngót vẫn tồn tại những rủi ro đối với chị em mang bầu nếu ăn quá nhiều. 

Chính vì thế, phụ nữ mang thai cần hạn chế ăn loại rau này, nhất là trong 3 tháng đầu tiên bởi đây là thời điểm rất nhạy cảm dễ bị động thai, sảy thai.

2.2 Gây mất ngủ

Theo một số báo cáo khoa học đã công bố, việc uống quá nhiều nước ép rau ngót tươi có thể gây khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ăn không ngon miệng và đôi khi là khó thở.

2.3 Sự hấp thu canxi và phospho bị cản trở

Một số hoạt chất trong rau ngót có tác dụng không tốt đối với sự trao đổi chất trong cơ thể. Cụ thể, glucocorticoid – chất được tạo ra từ quá trình trao đổi chất của rau ngót, có thể khiến sự hấp thu canxi và phospho bị giảm đi.

2.4 Đầy bụng khó tiêu

Rau ngót là thực phẩm giàu chất xơ, vì thế bà bầu ăn nhiều rau ngót có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu.

3. Một số lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn rau ngót

Nếu như vẫn có mẹ bầu thắc mắc “bà bầu ăn rau ngót được không?” thì câu trả lời là tốt nhất các mẹ nên hạn chế ăn rau ngót khi mang thai.

ba-bau-an-rau-ngot-duoc-khong-voh-1
Bà bầu có thể ăn rau ngót nhưng tuyệt đối không lạm dụng và ăn trong giai đoạn thai kỳ cho phép (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp mẹ bầu muốn ăn rau ngót thì không được ăn quá nhiều và cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Hạn chế ăn rau ngót nếu mẹ bầu có tiền sử sảy thai, đã từng sinh non hoặc thụ tinh trong ống nghiệm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.
  • Tuyệt đối tránh ăn rau ngót tươi mà phải nấu chín trước khi ăn. Mẹ có thể luộc hoặc nấu canh thịt đều ngon.
  • Khi lựa chọn rau ngót, cần đảm bảo rau tươi sạch, không có thuốc bảo vệ thực vật để tránh ngộ độc.
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng dùng rau ngót hợp lý trong khẩu phần ăn thai kỳ.

4. Một số loại rau có thai thay thế cho cho rau ngót

Rau xanh vốn là thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai. Vì thế, nếu không thể ăn rau ngót trong thai kỳ thì mẹ bầu có thể lựa chọn một số loại thực phẩm tốt cho thai kỳ, chẳng hạn như:

  • Súp lơ xanh chứa nhiều axit folic, magie, photpho, vitamin K, vitamin A... nhằm ngăn ngừa chứng chuột rút, táo bón, loãng xương, thiếu máu...
  • Rau chân vịt là một nguồn cung cấp đa dạng các vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, thị lực, giảm nguy cơ tăng cân mất kiểm soát của mẹ bầu khi mang thai.
  • Cải thìa mang đến một nguồn chất sắt dồi dào giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu máu khi mang thai. Ngoài ra, cải thìa cũng giúp mẹ bầu ngăn ngừa tốt bệnh viêm khớp và tim mạch.

Khi chưa có đủ các bằng chứng khoa học ủng hộ hay bác bỏ những tác dụng của rau ngót đối với mẹ bầu, thì tốt nhất phụ nữ mang thai nên cẩn thận trước khi thêm rau ngót vào chế độ ăn của mình, đặc biệt là ở giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên và những tháng cuối thai kỳ.