Bé 23 tháng tuổi: Thể chất và nhận thức thay đổi vượt bậc

(VOH) – Trẻ 23 tháng tuổi ngày càng tinh nghịch nên tần suất ba mẹ cảm thấy 'phát bực' với các bé có thể tăng lên. Vậy trong tháng tuổi này, ba mẹ cần biết những điều gì để nuôi dạy con tốt nhất?

Mỗi ngày bé đều lớn hơn một chút và luôn cần đến sự hỗ trợ của ba mẹ để hiểu hơn về thế giới xung quanh, dù nghịch ngợm nhưng chính nét vô tư và đáng yêu của các con khiến cả nhà đều vui.

1. Bé 23 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu?

Để đánh giá sự phát triển của trẻ cũng như xem xét bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho con, cha mẹ có thể theo dõi các chỉ số phát triển. Trẻ 23 tháng tuổi có chỉ số cân nặng và chiều cao như sau: 

Chỉ số của bé gái 

  • Cân nặng: từ 9.9 – 12.8kg, trung bình 11.3kg
  • Chiều cao: từ 79.2 – 91.9cm, trung bình 85.5cm

Chỉ số của bé trai 

  • Cân nặng: từ 10.6 – 13.4kg, trung bình 12kg     
  • Chiều cao: từ 81.3 – 86.9cm, trung bình 83.3cm 

2. Bé 23 tháng tuổi biết làm gì?

Thể chất và khả năng nhận thức ở trẻ 23 tháng tuổi có nhiều thay đổi đáng kể, giúp các con tự thực hiện tốt nhiều hoạt động mà không cần đến sự trợ giúp từ ba mẹ. Dưới đây là những chuyển biến mà bạn sẽ nhận thấy ở em bé của mình trong tháng tuổi thứ 23. 

2.1 Vận động thuần thục 

Đôi bàn tay bàn chân nhỏ bé của con giờ đây đã phối hợp với nhau vô cùng khéo léo, trẻ tự leo trèo, chạy nhảy và đi lại vững vàng mà ba mẹ không cần dắt tay. Bé hiếm khi ngồi yên một chỗ, nếu có anh chị hay bạn tới chơi, con cũng thích đi xe đạp, đá bóng hay chạy đuổi bắt khắp nhà. 

Cha mẹ có thể quan sát thấy chân bé vẫn còn hơi cong nhưng đừng lo rằng con bị chân vòng kiêng vì đường cong của chân sẽ tự phục hồi khi trẻ được 2 tuổi. 

be-23-thang-tuoi-the-chat-va-nhan-thuc-thay-doi-vuot-bac-voh-0
Trẻ leo trèo và không chịu ngồi yên (Nguồn: Internet) 

2.2 Tiếp tục phát triển ngôn ngữ 

Các bé ở tháng tuổi thứ 23 sẽ khiến không khí gia đình lúc nào cũng náo nhiệt vì con tập nói nhiều hơn, vốn từ vựng mở rộng và có thể nói được câu ngắn hoàn chỉnh. Đặc biệt, trẻ sẽ bắt chước những câu nói, điệu bộ của người lớn nên vô cùng đáng yêu. 

2.3 Phát triển khả năng ghi nhớ 

Tháng thứ 23 được đánh giá là giai đoạn trí nhớ của bé phát triển mạnh mẽ, con có thể nhớ được vị trí, tên gọi của các đồ vật, thậm chí, nếu bạn đưa bé đi sai hướng về nhà, bé sẽ chỉ cho bạn biết được đấy nhé!

Xem thêm: Giải pháp của bác sĩ về cách tăng cường trí nhớ cho mẹ, phát triển não bộ cho bé

2.4 Tìm kiếm sự đồng tình

Trong tháng tuổi này, em bé bắt đầu tìm kiếm sự đồng tình từ cha mẹ, con luôn mong nhận được sự cổ vũ của người lớn với các hoạt động của mình. Bên cạnh đó, khi được khuyến khích và nhận lời khen, các con sẽ hào hứng học thêm nhiều điều tích cực.  

2.5 Biết bày tỏ lo lắng

Dù các con có thể nô đùa với các bạn nhưng thỉnh thoảng bé sẽ ‘đảo mắt’ để tìm cha mẹ và lo sợ xa cách. Đây chính là nguyên do mà mỗi sáng bé thường quấy khóc khi phải chào tạm biệt người thân để tới lớp học. 

be-23-thang-tuoi-the-chat-va-nhan-thuc-thay-doi-vuot-bac-voh-1
Trẻ thường mếu máo khi tạm biệt người thân đi lớp học (Nguồn: Internet) 

3. Khẩu phần ăn của trẻ 23 tháng tuổi

Nhu cầu năng lượng để đáp ứng cho các hoạt động trong ngày ở trẻ 23 tháng tuổi tăng lên, đòi hỏi mẹ cần lưu ý nhiều hơn đến khẩu phần ăn của trẻ. Như những tháng trước, bé vẫn cần ăn đủ 3 bữa chính và 2 bữa phụ, không ăn quá nhiều trong một bữa khiến con đầy bụng, khó tiêu. 

Bữa ăn cần đa dạng các nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, chất béo và chất xơ. Để hệ tiêu hóa hoạt động tốt cũng như cơ thể bé có đầy đủ các vitamin thiết yếu, luôn chuẩn bị cho bé phần trái cây và rau xanh ăn kèm. 

Hệ xương khớp của con tăng trưởng nhiều trong tháng này nên bé cần bổ sung đủ canxi thông qua sữa. Bé vẫn cần duy trì thói quen uống sữa, con có thể uống tối đa 500ml sữa một ngày. 

Xem thêm: Dinh dưỡng: chìa khóa giúp tối ưu hóa sự phát triển của trẻ

4. Dạy bé 23 tháng tuổi những gì?

Dạy thêm cho trẻ những kĩ năng mới sẽ mất một khoảng thời gian dài để con tiếp nhận và ghi nhớ, chính vì vậy ở thời điểm này, khi các con luôn hào hứng với điều mới lạ, cha mẹ hãy lên kế hoạch đưa bé “vào nề nếp” với một số thói quen quan trọng nhé. 

4.1 Thói quen ngủ sớm

Thời gian ngủ cần thiết cho trẻ 23 tháng tuổi là 13 – 14 tiếng một ngày, trong đó, ban đêm bé sẽ ngủ từ 11 – 12 tiếng, buổi trưa khuyến khích con ngủ khoảng 1.5 - 2 tiếng. 

Trẻ 23 tháng tuổi có lịch trình sinh hoạt khá giống người lớn, con thường phải tới lớp vào buổi sáng nên giấc ngủ tối của bé cần bắt đầu sớm, tránh trường hợp con thiếu ngủ và quấy khóc khi thức dậy. 

Xem thêm: Giấc ngủ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?

4.2 Thu dọn đồ vật 

Dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp là thói quen các bé cần có trong cuộc sống sinh hoạt sau này. Khi chơi xong, con nên thu dọn, cất đồ chơi vào vị trí cũ, nếu bé bày bừa và để lạc mất các đồ vật, mẹ có thể giúp bé tìm kiếm nhưng nên hạn chế mua lại ngay để con “rút kinh nghiệm” cho lần sau. 

be-23-thang-tuoi-the-chat-va-nhan-thuc-thay-doi-vuot-bac-voh-2
Bé cần học cách thu dọn đồ đạc sau mỗi lần vui chơi (Nguồn: Internet) 

4.3 Phép lịch sự

Cha mẹ hãy khuyến khích con chào hỏi khi gặp người lớn, thường xuyên làm mẫu cho bé để con biết nói “dạ con cảm ơn”, “dạ con xin lỗi”, “con xin ba mẹ”,…

Vì khả năng bắt chước của các bạn nhỏ rất giỏi, hành động của bé là “tấm gương” phản chiếu từ người lớn, nên hãy chú ý ngôn từ và cử chỉ khi trò chuyện với bé. 

4.4 Biết sẻ chia 

Con sẽ vui chơi và làm quen với nhiều người bạn, việc tranh giành đồ chơi vẫn sẽ thường xuyên xảy ra. Cha mẹ cần giúp bé hiểu hơn về sự sẻ chia, gắn kết với bạn bè, tuyệt đối không nên trách mắng con trước các trẻ khác khi con nổi cáu hay chống đối, hãy tâm sự với bé vào lúc khác. 

Xem thêm: 10 cách ‘thuần phục’ một đứa trẻ bướng bỉnh không quát mắng hay đòn roi

5. Chăm sóc bé 23 tháng tuổi 

Việc theo dõi và chăm sóc các bé ở giai đoạn này có lẽ sẽ khiến cha mẹ gặp đôi chút vất vả vì cần đảm bảo con phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Một số lời khuyên dưới đây dành cho các ông bố bà mẹ bỉm sữa: 

5.1 Tắm rửa sạch sẽ

Trẻ vận động thường xuyên sẽ đổ mồ hôi nhiều nên cần tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh trường hợp con bị các bệnh ngoài da cũng như hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. 

5.2 Trang phục phù hợp

Lựa chọn quần áo cho bé phù hợp với thời tiết, chất liệu thoải mái để con dễ dàng vận động. Giày dép cho bé nên có đế êm để con đi lại, chạy nhảy không bị đau chân. 

5.3 Vệ sinh răng miệng

Luôn nhắc bé vệ sinh răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ, không để tình trạng hôi miệng, sâu răng xảy ra. 

Xem thêm: Dạy trẻ đánh răng đúng cách qua 7 bước đơn giản, giúp bé giữ gìn vệ sinh răng miệng

5.4 Tiêm phòng vacxin

Thực hiện lịch tiêm chủng vacxin đầy đủ và đúng thời điểm, chủ động ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm. 

5.5 Không gian an toàn

Bố trí không gian sinh hoạt trong nhà đảm bảo an toàn cho các bé, cất các vật sắc nhọn gây nguy hiểm cho con. Lắp rào chắn ở các cầu thang, ban công, phòng trường hợp con té ngã. 

5.6 Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử

Không để trẻ tự ý dùng các thiết bị điện tử, nên gia hạn thời gian sử dụng cho bé và lựa chọn các chương trình phù hợp. 

Bạn nhỏ sắp “cán mốc” 2 tuổi nên cha mẹ sẽ bận rộn và cần tìm hiểu nhiều hơn để nuôi dưỡng bé thật tốt. Hãy tận dụng thời gian này để ôm ấp và nựng nịu con vì lớn thêm chút nữa bé sẽ không chịu đâu đấy!

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh