Cách xử trí và dinh dưỡng khi trẻ bị kiết lỵ giai đoạn ăn dặm

(VOH) – Trẻ bị kiết lỵ trong giai đoạn ăn dặm có thể gây tiêu chảy kéo dài, khiến trẻ vô cùng mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị kiết lỵ ở giai đoạn nay

Bệnh kiết lỵ ở trẻ em là bệnh vô cùng phổ biến, do một số loại vi khuẩn như shigella campylobacter, salmonella hoặc E.coli... gây ra. Trẻ bị kiết lỵ thường sẽ bị tiêu chảy liên tục, phân cực kỳ lỏng, có thể có máu kèm theo chất nhầy.

1. Cách chăm sóc tại nhà khi trẻ bị kiết lỵ giai đoạn ăn dặm

Bệnh kiết lỵ ở trẻ em nếu không được điều trị sớm có thể gây mất nước, áp xe gan, hội chứng tan máu ure huyết hoặc thậm chí là dẫn đến suy thận. Chính vì thế, việc nhận biết các triệu chứng để trẻ được điều trị sớm là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, trước đó cha mẹ cần nắm được các kiến thức cơ bản nhất khi chăm sóc trẻ bị kiết lỵ tại nhà, nhất là trong giai đoạn ăn dặm. Dưới đây là những điều cha mẹ cần nhớ:

1.1 Rửa mông cho bé

Khi trẻ bị kiết lỵ liên tục, mông bé lúc nào cũng sẽ bị ẩm ướt, dễ dẫn đến tình trạng hăm tã ở trẻ em. Để tránh tình trạng này, mẹ hãy dùng vòi sen hoặc cho nước nóng vào chậu rửa để rửa mông cho bé sẽ tốt hơn là lau khô.

Khi lau bằng khăn, cố gắng đừng cọ mạnh, chỉ cần lau nhẹ nhàng là được.

cach-xu-tri-va-dinh-duong-khi-tre-bi-kiet-ly-giai-doan-an-dam-voh

Cố gắng rửa mông cho bé nhẹ nhàng, không cọ mạnh (Nguồn: Internet

1.2 Bổ sung đủ nước

Bị kiết lỵ nghiêm trọng hay trường hợp kèm theo tiêu chảy đều sẽ dẫn đến hiện tượng mất nước. Do đó, việc cho bé uống đủ nước, mỗi lần uống một lượng ít và chia ra làm nhiều lần trong ngày là rất quan trọng.

Lưu ý, để không gây kích ứng cho ruột và dạ dày, mẹ nên cho bé sử dụng nước ấm tốt hơn là nước lạnh.

1.3 Theo dõi tình trạng phân và số lần bé đi ngoài

Phân của trẻ về cơ bản là mềm nên việc phán đoán có phải bé đang bị kiết lỵ hay không là rất khó. Tuy nhiên, nếu thấy bé đi ngoài có vẻ nhiều nước hơn bình thường, số lần đi cũng nhiều khoảng 1- 2 lần/ngày thì có thể nghi ngờ về tình trạng kiết lỵ và đưa bé đi khám.

Xem thêm: Trẻ đi ngoài phân lỏng có mùi chua – Mẹ phải làm sao?

2. Trẻ ăn dặm bị bệnh kiết lỵ nên ăn gì?

Điều quan trọng nhất trong chế độ ăn uống dành cho trẻ bị kiết lỵ là bổ sung đủ nước và oresol. Nếu bé tương đối khỏe và muốn ăn, mẹ có thể cho bé ăn dặm như bình thường, nhưng ưu tiên cho bé ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, mì udon, cháo rau thịt... để cung cấp năng lượng.

Mẹ nên tránh cho bé ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ như khoai lang, cải bắp, cải ngọt, hẹ, hành, giá đỗ và những món ăn có nhiều dầu mỡ, bởi hệ tiêu hóa của bé lúc này vẫn còn rất yếu, dễ bị kích ứng dạ dày.

Gợi ý mẹ một vài món ăn dặm lý tưởng khi bé bị kiết lỵ:

2.1 Trẻ 7 – 8 tháng tuổi

Táo nạo

🔴 Nguyên liệu

  • Táo 30g

🔴 Cách làm

  • Nạo táo qua bàn mài

2.2 Trẻ 9 – 10 tháng tuổi

Cháo củ cải

🔴 Nguyên liệu

  • Củ cải (luộc mềm, nghiền nhỏ): 2 thìa
  • Cháo: 60g ( nấu theo tỷ lệ 1:5)
  • Nước dashi: 2 thìa lớn

cach-xu-tri-va-dinh-duong-khi-tre-bi-kiet-ly-giai-doan-an-dam-1-voh

Cháo củ cải - món ăn dặm tốt cho trẻ bị kiết lỵ (Nguồn: Internet)

🔴 Cách làm

  • Cho tất cả củ cải, cháo tỷ lệ 1: 5, nước dashi vào nồi nhỏ, ninh đến khi sền sệt thì tắt bếp.

2.3 Trẻ 11 – 12 tháng tuổi

Bún

🔴 Nguyên liệu

  • Bún (bún khô) 20g
  • Nước dashi: ½ chén
  • Trứng sống: ½ quả
  • Nước tương một ít

🔴 Cách làm

  • Bún khô luộc, cắt dài 1 – 2cm
  • Cho bún, nước dashi, nước tương vào nồi, đun trong thời gian ngắn (1)
  • Cho trứng vào (1), đun đến khi trứng chín là hoàn thành.

Cũng giống như tình trạng trẻ ăn dặm bị tiêu chảy, khi thấy trẻ bị kiết lỵ cha mẹ cần lưu ý đến cách xử trí tại nhà cũng như quá trình chăm sóc thông qua chế độ dinh dưỡng để bé có thể phục hồi tốt hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị hiệu quả.