Cho trẻ ăn dặm và 12 vấn đề thường gặp

(VOH) – Nhiều người cho rằng chán ăn, không chịu ăn là những vấn đề thường gặp khi cho trẻ ăn dặm. Tuy nhiên, thực tế có đến 12 vấn đề thường gặp ở trẻ trong độ tuổi ăn dặm.

Giai đoạn tập cho trẻ ăn dặm được xem là một quá trình vừa thú vị nhưng cũng đầy thử thách cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Trong giai đoạn này, có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra ở trẻ mà khiến người lớn phải đau đầu. Dưới đây là những vấn đề thường gặp nhất ở trẻ trong giai đoạn ăn dặm.

1. Trẻ không chịu tiếp nhận thức ăn mới

Trẻ trong giai đoạn ăn dặm luôn có sẵn bản năng để từ chối thức ăn mới, bằng cách mỗi lần mẹ đưa thìa thức ăn về phía bé, bé sẽ quay mặt đi hoặc quấy khóc.

cho-tre-an-dam-va-nhung-van-de-thuong-gap-voh

Trẻ có thể từ chối thức ăn khi mẹ cho bé ăn dặm (Nguồn: Internet)

Do đó, một trong những cách cho trẻ ăn dặm “ngoan ngoãn và hợp tác" là hãy để trẻ có thời gian làm quen dần với các loại thức ăn mới. Nên tập cho bé ăn với các khẩu phần ăn nhỏ, sau đó tăng dần lượng thức ăn theo thời gian.

Ngoài ra, hãy chế biến những món ăn mà bé yêu thích, chẳng hạn bé thích ăn món bí đỏ nghiền, mẹ có thể áp dụng tương tự với mới cà rốt nghiền hay khoai tây nghiền.

Xem thêm: Thực đơn cho bé ăn dặm từ 6 đến 12 tháng hơn 30 món

2. Trẻ ăn uống bừa bãi, lộn xộn

Những bé ăn theo phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy sẽ rất dễ làm cho bữa ăn của mình trở nên lộn xộn. Tuy nhiên, đây là một tín hiệu đáng mừng bởi bé đang bắt đầu trở nên tự lập hơn trong việc ăn uống.

Trẻ ăn dặm theo phương pháp kiểu Nhật hay truyền thống vào khoảng 9 tháng tuổi cũng sẽ muốn tự kiểm soát thời gian và thức ăn của mình.

3. Trẻ nôn mửa

Trẻ phun thức ăn ra ngoài trong lúc mẹ đang cho trẻ ăn dặm là một điều hết sức bình thường. Hệ tiêu hóa của trẻ trong độ tuổi ăn dặm vẫn còn đang dần phát triển và hoàn thiện. Vì thế, trẻ dễ bị trào ngược dạ dày lên thực quản khi ăn, thậm chí dẫn đến nôn mửa.

cho-tre-an-dam-va-nhung-van-de-thuong-gap-1-voh
Trẻ trong độ tuôi ăn dặm rất dễ bị tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (Nguồn: Internet)

Để kiểm soát tình trạng này, mẹ nên cho bé ăn chậm lại hoặc bú ít hơn, đồng thời giữ bé đứng thẳng sau khi ăn. Chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh thường sẽ kết thúc khi bé được 12 – 24 tháng tuổi mà không cần có bất kỳ sự can thiệp y khoa nào.

4. Trẻ biếng ăn

Trẻ biếng ăn thường có các biểu hiện như quay đầu khi nhìn thấy thức ăn, ngậm chặt miệng, đẩy thìa thức ăn ra xa.... Trẻ biếng ăn có thể bắt nguồn từ việc trẻ bị bệnh, mệt mỏi, mất tập trung hoặc đơn giản là do trẻ đang no và không muốn ăn.

Khi thấy trẻ có những biểu hiện này, thay vì bắt ép bé phải ăn, mẹ hãy thử lại vào lần sau với món khác. Hoặc có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để tìm ra một chế độ ăn uống hiệu quả.

Xem thêm: Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và cách khắc phục hiệu quả

5. Trẻ kén ăn

Khác với biếng ăn, trẻ kén ăn là tình trạng trẻ chỉ thích ăn một vài món nhất định. Tình trạng này có thể diễn ra trong vài ngày, vài tuần hay vài tháng bởi nhiều lý do khác nhau chẳng hạn như: trẻ chuẩn bị mọc răng, trẻ chưa sẵn sàng để thử một loại thức ăn mới....

Tuy nhiên, không vì thế mà mẹ lại chiều theo sở thích của con mà cho trẻ ăn uống vô tội vạ. Hãy lựa chọn những thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh và giúp trẻ khắc phục tình trạng kén ăn của mình.

6. Trẻ bị dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn không phải là tình trạng hiếm gặp ở trẻ trong độ tuổi ăn dặm. Trẻ có thể bị dị ứng thức ăn với rất nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như: trứng, sữa, các loại hạt, đậu nành, thủy hải sản.... Các triệu chứng điển hình nhất khi trẻ bị dị ứng thức ăn là tiêu chảy, phát ban, nôn mửa...

Khi trẻ bị dị ứng thức ăn, hãy tránh những món ăn đó trong bữa ăn của trẻ. Tình trạng nghiêm trọng cần đưa trẻ để gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Xem thêm: Điều mẹ cần làm khi bé ăn dặm bị dị ứng thức ăn

7. Trẻ bị táo bón

cho-tre-an-dam-va-nhung-van-de-thuong-gap-2-voh
Mẹ thường rất khó nhận biết tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm (Nguồn: Internet)

Có khá nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón trong độ tuổi ăn dặm. Đó có thể là do chế độ ăn uống của bé có lượng ăn, lượng nước, lượng chất xơ không đủ.

Tuy nhiên, mẹ sẽ khó có thể nhận biết được tình trạng táo bón của con ở giai đoạn này vì tần suất đi đại tiện của bé có thể thay đổi. 

Xem thêm: Nếu mẹ ghi nhớ 5 điều này, bé sẽ không khổ sở vì táo bón trong giai đoạn tập ăn dặm

8. Trẻ bị tiêu chảy

Trẻ em trong độ tuổi ăn dặm có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước nguy hiểm.

Khi trẻ bị tiêu chảy có thể gây ra các triệu chứng như: khô miệng, tã ướt, giảm đi tiểu, giảm cân, mắt trũng. Đây là những dấu hiệu cho thấy cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm: 4 nguyên nhân khiến trẻ ăn dặm bị tiêu chảy và cách khắc phục

9. Kiết lỵ

Điều đáng sợ nhất khi trẻ bị kiết lỵ là tình trạng mất nước. Do đó, nếu trẻ trong độ tuổi ăn dặm bị kiết lỵ thì mẹ cần phải chú ý bổ sung nước thường xuyên và theo dõi tình trạng của bé.

Lưu ý đến cách chế biến món ăn cho trẻ ăn dặm để không gây kích ứng dạ dày của trẻ khiến bệnh càng nghiêm trọng thêm.

Xem thêm: Cách xử trí và dinh dưỡng khi trẻ bị kiết lỵ giai đoạn ăn dặm

10. Trẻ bị viêm miệng

Trẻ bị viêm loét miệng thường sẽ bị đau và không muốn ăn nhưng bé không thể nói cho mẹ biết được. Vì thế, nếu phản ứng của bé khác thường thì mẹ hãy kiểm tra miệng bé.

11. Trẻ ăn dặm bị rối loạn tiêu hóa

Trẻ trong độ tuổi ăn dặm hoàn toàn có thể gặp phải các vấn đề về rối loạn tiêu hóa nếu như mẹ cho trẻ ăn dặm với các thức ăn thừa từ bữa trước.

cho-tre-an-dam-va-nhung-van-de-thuong-gap-3-voh
Rối loạn tiêu hóa là vấn đề thường gặp ở trẻ trong độ tuổi ăn dặm (Nguồn: Internet)

Khi cho trẻ ăn lại thức ăn cũ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn từ thức ăn xâm nhập vào cơ thể trẻ và gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy cùng nhiều triệu chứng khác.

Xem thêm: 6 nguyên nhân khiến trẻ ăn dặm bị rối loạn tiêu hóa

12. Thực phẩm không phù hợp

Trẻ sơ sinh có hệ thống tiêu hóa vẫn chưa phát triển toàn diện, chính vì thế đối với một số loại thực phẩm cơ thể bé sẽ không thể dung nạp được trong giai đoạn ăn dặm. Điển hình như mật ong, có thể gây ngộ độc trẻ sơ sinh, thậm chí tử vong nếu sử dụng với liều lượng quá mức.

Ngoài ra, một số loại hạt như bỏng ngô, xúc xích, rau sống, nho khô, pho mai... cũng cần hạn chế cho trẻ ăn dặm, bởi có thể gây ra tình trạng mắc nghẹn đường thở.

Trên đây là 12 vấn đề thường gặp nhất khi mẹ cho trẻ ăn dặm. Hy vọng sau khi nắm được các vấn đề cơ bản có thể xảy ra với trong giai đoạn này, sẽ giúp mẹ dễ dàng hơn trong việc cho bé ăn dặm.