Có nên cho bé ăn thanh long? 9 tác dụng và lưu ý mẹ cần biết

(VOH) – Chua chua ngọt ngọt và khá mềm nên không quá khó để trái thanh long có thể ‘làm thân’ với các bạn nhỏ. Tuy nhiên khi cho bé ăn thanh long, mẹ cần biết những lưu ý quan trọng nào?

Dù là một loại trái cây có giá thành tương đối rẻ nhưng lợi ích mà trái thanh long đem lại cho sức khỏe của trẻ thì không “rẻ” chút nào. Thanh long có tính mát, bổ sung đa dạng các nhóm vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin C, vitamin A, canxi, sắt hay photpho, mẹ hoàn toàn có thể thêm thức quả này vào khẩu phần ăn của bé. 

1. Tác dụng của thanh long với trẻ em 

Mẹ hãy tham khảo một số lợi ích sức khỏe mà trái thanh long đem đến cho trẻ để an tâm cho bé ăn trong chế độ ăn hàng ngày nhé. 

1.1 Tốt cho hệ tiêu hóa 

Hoạt động tiêu hóa của trẻ gặp “trúc trắc” và thường xuyên bị táo bón có thể gây lo lắng cho mẹ. Để khắc phục tình trạng này cũng như cải thiện sức khỏe đường ruột cho các bé, mẹ nên bổ sung thêm thanh long nhằm tăng cường chất xơ và lượng nước, từ đó làm mềm phân trong quá trình tiêu hóa. 

1.2 Cải thiện thị lực 

Có thể mẹ chưa biết, thanh long (đặc biệt là hạt thanh long) được xem như nguồn cung cấp vitamin A và các axit béo omega-3, omega-6 quan trọng cho bé. Các dưỡng chất này góp phần quan trọng bảo vệ đôi mắt tinh anh của con. 

co-nen-cho-be-an-thanh-long-9-tac-dung-va-luu-y-me-can-biet-voh-0
Omega-3 trong thanh long giúp cải thiện thị lực của bé (Nguồn: Internet) 

1.3 Tăng cường hệ miễn dịch 

Hệ miễn dịch của bé sẽ được cải thiện đáng kể nhờ việc tiếp nạp hàm lượng vitamin C dồi dào từ trái thanh long, từ đây có thể ngăn chặn hiệu quả các bệnh lý do vi khuẩn, virus gây ra. 

Xem thêm: Bầu bì ‘uể oải’ chị em nên ăn thêm quả chà là giàu vitamin để có năng lượng chăm sóc ‘cục cưng’ trong bụng

1.4 Ngăn ngừa thiếu máu 

Trẻ mắc bệnh thiếu máu thường gặp phải những rối loạn bất thường trong quá trình phát triển, cơ thể thường xuyên mệt mỏi và thiếu năng động. 

Thật may thanh long là thức quả cung cấp hàm lượng sắt quý giá, kích thích cơ thể bé sản sinh tế bào hồng cầu để tình trạng thiếu máu không xảy ra. 

1.5 Hỗ trợ phát triển trí não

Trong những năm đầu đời, quá trình phát triển trí não của trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Với hàm lượng axit béo tự nhiên cùng các khoáng chất như photpho hay natri, thanh long có thể đảm bảo các hoạt động của hệ thần kinh.

1.6 Phát triển xương chắc khỏe 

Để hạn chế nguy cơ trẻ mắc bệnh còi xương, mẹ có thể chủ động bổ sung dưỡng chất canxi, photpho từ trái thanh long cho bé. Hai dưỡng chất này khi kết hợp cùng phenolic và flavonoid sẽ thúc đẩy quá trình hình thành các khớp xương cũng như hỗ trợ vận động của trẻ.  

Xem thêm: Bệnh còi xương là gì? Phân biệt bệnh còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ

1.7 Bảo vệ trái tim khỏe mạnh 

Tỷ lệ mắc các bệnh lý tim mạch ở trẻ nhỏ ngày càng tăng cao và rất khó kiểm soát. Nhằm giúp con có được trái tim khỏe mạnh, đồng thời phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh, thanh long là thức quả lý tưởng mẹ nên cho bé ăn thêm, để ngăn chặn sự gia tăng lượng cholesterol xấu. 

co-nen-cho-be-an-thanh-long-9-tac-dung-va-luu-y-me-can-biet-voh-1
Thanh long là thức quả lý tưởng giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh của bé (Nguồn: Internet) 

1.8 Chăm sóc làn da bé 

Dưới các tác động của môi trường bên ngoài, làn da của bé sẽ không còn mịn màng như ngày mới sinh. Chính vì vậy để chăm sóc làn da bé thật tốt, bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm dưỡng da, mẹ hoàn toàn có thể bổ sung thêm các nhóm vitamin từ trái thanh long, cụ thể là vitamin C cho con. 

Xem thêm: Chăm sóc da trẻ sơ sinh - thế nào là đúng cách và an toàn ?

1.9 Thanh nhiệt cơ thể 

Thanh long nổi tiếng là thức quả thanh mát, hỗ trợ thanh nhiệt và thải độc cơ thể cực kì hữu hiệu nên mẹ có thể cho bé ăn thêm mà không lo bị nóng. 

2. Cho bé ăn thanh long khi nào?

Hệ tiêu hóa của các bé thường khá nhạy cảm nên mẹ cần lựa chọn thời điểm thích hợp để bé ăn thanh long. Theo khuyến cáo của chuyên gia nhi khoa, tốt nhất chỉ nên cho bé ăn thanh long khi con đủ từ 6 tháng tuổi trở lên. 

Với từng khoảng thời gian, mẹ cần áp dụng phương pháp riêng cho bé, nếu con chưa thể nhai, mẹ nên nghiền nhỏ (không cần quá nhuyễn). Từ 1 tuổi trở lên, bé biết cầm nắm thì khuyến khích mẹ cắt miếng nhỏ cho con tự cầm ăn, nhưng cần quan sát và trông chừng, đảm bảo trẻ không bị hóc nghẹn. 

Cần chú ý không nên cho trẻ ăn quá nhiều thanh long, một tuần chỉ nên ăn từ 2  - 3 ngày, tối đa là 1 trái một ngày. 

3. Một số vấn đề thường gặp khi bé ăn thanh long

Khi cho trẻ làm quen với các loại thực phẩm mới, mẹ luôn cần chú ý những vấn đề bất thường xảy ra ở trẻ. Một số vấn đề dưới đây có thể gặp khi bé ăn thanh long: 

3.1 Bé ăn thanh long bị dị ứng 

Tùy theo cơ địa của từng trẻ, có bé ăn thanh long bị dị ứng nhưng cũng có trường hợp bé không gặp vấn đề gì. Do đó, thời gian đầu nên cho bé ăn một lượng nhỏ, từng chút một và quan sát xem con có dấu hiệu dị ứng hay không. Nếu thấy hiện tượng nổi mẩn đỏ, nôn ói thì nên dừng cho bé ăn và đưa bé tới cơ sở y tế để thăm khám. 

Xem thêm: Điều mẹ cần làm khi bé ăn dặm bị dị ứng thức ăn

3.2 Bé ăn thanh long bị tiêu chảy 

Vì thanh long có tính mát, nên khi ăn trẻ thường dễ đi ngoài hơn, lời khuyên là mẹ hãy giảm lượng thanh long lại nếu thấy tần suất đi ngoài của con tăng lên nhiều. 

Ngoài ra, mẹ lo lắng khi nhận thấy phân của trẻ có cả hạt thanh long hoặc phân chuyển màu đỏ (nếu ăn thanh long đỏ). Tuy nhiên, hiện tượng này không có gì đáng lo ngại, việc đi phân ra màu hay có cả hạt chỉ là 1 phần không dùng hoặc phần màu tự nhiên được đào thải, còn cơ thể con đã hấp thu các dưỡng chất cần thiết. 

Để đảm bảo con có thể tiếp nạp các dưỡng chất từ thanh long một cách tối ưu nhất, mẹ hãy chú ý tình trạng sức khỏe của bé để có thể cân đối lượng thanh long trong khẩu phần ăn của con nhé.