Những trường hợp chống chỉ định gây tê tủy sống

(VOH) – Gây tê tủy sống là phương pháp giúp giảm đau cho những sản phụ sinh. Tuy nhiên, một số thông tin lại cho rằng nên hạn chế gây tê tủy sống trong mổ lấy thai, vậy thực hư việc này như thế nào?

Trong các ca phẫu thuật mổ lấy thai, sản phụ thường được gây tê tủy sống để giảm đau, tuy nhiên, thời gian qua một số bài viết dẫn thông tin từ Bộ Y tế là nên hạn chế gây tê tủy sống trong mổ lấy thai. Điều này khiến cho nhiều thai phụ hoang mang. Thực hư xung quanh câu chuyện này sẽ được BS CKII Trần Ngọc Hải (Phó GĐ BV Từ Dũ) giải đáp trong chương trình Kỹ năng làm cha mẹ.

1. Những trường hợp không được phép gây tê tủy sống

BS CKII Trần Ngọc Hải cho biết, hiện nay có 2 phương pháp chính giúp giảm đau trong mổ lấy thai là: gây tê và gây mê. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp nào sẽ do bác sĩ chỉ định, bởi nếu sử dụng không thành thạo 2 phương pháp này thì nó có thể gây ra những phản ứng không mong muốn.

Xuất phát từ quan điểm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi trong quá trình sinh nở, Bộ y tế đã đưa ra những chỉ định cụ thể khi áp dụng phương pháp gây mê và gây tê trong quá sinh nở nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho thai phụ.

gay-te-tuy-song-loi-ich-va-nhung-truong-hop-chong-chi-dinh-voh

Gây tê là phương pháp giúp mẹ bầu giảm đau khi sinh mổ (Nguồn: Internet)

Theo BSCKII Trần Ngọc Hải, phương pháp gây tê tủy sống hay gây tê ngoài màng cứng đều là những lựa chọn tốt nhất trong quá trình sinh mổ. Tuy nhiên có một số trường hợp chống chỉ định đối với phương pháp gây tê tủy sống, đó là:

  • Những trường hợp khiến thai phụ có nguy cơ chảy máu nhiều, ví dụ: nhau tiền đạo, nhau cài răng lược...
  • Những ca phẫu thuật được “tiên đoán” cuộc mổ này kéo dài. Thông thường thời gian gây tê chỉ có tác dụng ngắn (khoảng 45 phút đến 1 tiếng). Nếu thời gian sinh mổ kéo dài có thể khiến thai phụ bị đau đớn.     
  • Thai phụ có bệnh lý về rối loạn đông máu (máu khó đông)      
  • Thai phụ bị nhiễm trùng nặng không được phép gây tê vì tình trạng nhiễm trùng có thể lan vào tủy sống dẫn đến viêm tủy sống, viêm não... gây nguy hiểm đến tính mạng.

Lưu ý: Với những trường hợp thai phụ nằm trong “diện” không được phép gây tê thì bắt buộc phải được gây mê để cuộc phẫu thuật diễn ra thành công an toàn.

2. Phương pháp gây tê tủy sống mang lại lợi ích gì cho sản phụ?

Gây tê ngoài màng cứng hay gây tê tủy sống đều hướng đến mục đích chung là mang đến một cuộc sinh nở an toàn, thành công cho mẹ bầu. Những lợi ích thai phụ nhận được khi thực hiện các phương pháp gây tê là:

  • Giúp giảm bớt đau đớn trong cuộc sinh cũng như theo dõi và kiểm soát được quá trình sinh.
  • Có thể nghe được tiếng khóc chào đời lần đầu tiên của em bé và sẽ được bế em bé đầu tiên.
  •  Được thực hiện phương pháp “da kề da” ngay sau khi mổ lấy thai.

gay-te-tuy-song-loi-ich-va-nhung-truong-hop-chong-chi-dinh-1-voh

Gây tê tủy sống sinh mổ mang đến nhiều lợi ích cho mẹ bầu (Nguồn: Internet)

Không chỉ mang đến những lợi ích trong lúc sinh, về lâu dài thai phụ cũng nhận nhiều lợi ích khác như:

  • Thai phụ không phải trải qua quá trình hồi tỉnh như phương pháp gây mê.
  • Tránh được những biến chứng của phương pháp gây mê, một trong số đó là hội chứng trào ngược.
  • Khả năng hồi sức của người mẹ sẽ nhanh hơn, sản phụ có thể vận động, đi lại tốt hơn.
  • Thời gian xuất viện nhanh hơn, thậm chí ở một số nước tiên tiến sau quá trình mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê, nếu sức khỏe thai thai phụ ổn định thì có thể trở về nhà sau 48 tiếng hoặc 72 giờ.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ từ video bên dưới: