Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn khoai môn được không?

(VOH) – Khoai môn là loại củ phổ biến, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Thế nhưng thắc mắc ‘bà bầu ăn khoai môn được không?’ luôn được khá nhiều mẹ quan tâm.

Phụ nữ mang thai cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng để có thể giúp mẹ khỏe mạnh, con phát triển tốt nhất. Khoai môn cùng với khoai tây, khoai lang, khoai mỡ đều là những loại khoai phổ biến, vậy phụ nữ mang thể có thể thêm loại củ này vào chế độ ăn uống của họ hay không?

1. Bà bầu ăn khoai môn được không?

Khoai môn rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ và tinh bột kháng cũng như các loại vitamin A, B, C cùng nhiều khoáng chất có lợi sức khỏe. Chính vì thế bà bầu hoàn toàn có thể ăn khoai môn trong suốt thai kỳ của mình.

Mặc dù khoai môn sống có chứa chất protease và oxalat, có thể gây kích ứng da khi gọt vỏ, nhưng những chất này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khi được nấu chín.

Dưới đây là những lợi ích sức khỏe dành cho bà bầu khi thêm khoai môn vào chế độ dinh dưỡng khi mang thai:

1.1 Ngừa táo bón khi mang thai

giai-dap-thac-mac-ba-bau-an-khoai-mon-duoc-khong-voh-0
Bà bầu ăn khoai môn giúp ngăn ngừa táo bón (Nguồn: Internet)

Khoa môn là một nguồn cung cấp chất xơ tốt cho cơ thể, vì thế bà bầu ăn khoai môn sẽ giúp phòng ngừa chữa táo bón thai kỳ, cũng như giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

1.2 Ngừa dị tật bẩm sinh thai nhi

Hàm lượng folate dồi dào trong khoai môn đã giúp cho loại khoai này trở thành lựa chọn hàng đầu của các mẹ bầu trong việc ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như nứt đốt sống.

1.3 Hạn chế tiểu đường thai kỳ

Dù khoai môn cũng được xem là một trong những thực phẩm giàu tinh bột, nhưng chúng lại là thực phẩm có thể giúp ngừa bệnh tiểu đường vì có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, mẹ bầu có thể ăn khoai môn với lượng hợp lý để không sợ bệnh tiểu đường thai kỳ “ghé thăm”.

Xem thêm: Mẹ bầu bị tiểu đường nên biết những điều này để kiểm soát đường trong máu, tránh ảnh hưởng thai nhi

1.4 Chống suy nhược cơ thể

Một ngày cơ thể cần năng lượng từ gluxit đến 60-70% tổng năng lượng. Thật may khi khoai môn chứa rất nhiều gluxit giúp cung cấp năng lượng, nuôi dưỡng tế bào thần kinh, chống suy nhược cơ thể.

1.5 Giúp làm đẹp da

Dù không phải là thành phần nổi trội có trong khoai mỡ nhưng hàm lượng vitamin A và C có trong loại củ này đều là những chất chống oxy hóa vô cùng hiệu quả. Ăn khoai môn sẽ giúp mẹ bầu có được làn da khỏe mạnh, mờ nếp năng, chống viêm....

2. Những món ăn từ khoai môn tốt cho mẹ bầu

Khoai môn có thể được chế biến thành rất nhiều những món ăn ngon. Mẹ bầu có thể thử làm những món ăn sau đây để  “làm mới” bữa ăn của mình:

2.1 Canh khoai môn sườn non

giai-dap-thac-mac-ba-bau-an-khoai-mon-duoc-khong-voh-1
Canh khoai môn sườn non (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Khoai môn: 50g
  • Sườn non: 30g
  • Hành tím: 4 củ
  • Gia vị, hành ngò

Cách thực hiện

Khoai môn rửa sạch lớp đất bám bên ngoài, đem đi luộc chín, sau đó tách vỏ.

Sườn non chặt thành từng miếng vừa ăn, rửa sạch với nước muối, vớt ra để ráo nước. Hành tím băm nhỏ, ướp cùng sườn non, thêm một ít tiêu xay, muối ăn, đường, bột ngọt. Sau đó trộn đều và để yên trong khoảng 20 phút.

Bắt nồi lên bếp, cho một ít dầu ăn, dầu nóng cho sườn non vào đảo đều để sườn non săn thịt, đổ tiếp nước lọc vào nấu canh. Nước sôi, vớt bọt. Sau 30 phút kiểm tra xem thịt đã mềm chưa, nếu thịt mềm thì cho khoai môn vào nồi, nêm nếm gia vị và nấu cho sôi lại lần nữa thì tắt bếp.

Múc canh ra tô, thêm chút hành ngò, tiêu là có thể dùng được.

2.2 Cháo khoai môn hạt sen

Nguyên liệu

  • Khoai môn: 50g
  • Tôm đất: 50g
  • Hạt sen: 50g
  • Gạo thơm, trứng gà, nước, gia vị, hành lá

Cách thực hiện

Tôm bóc vỏ, bỏ chỉ đen, đập giập. Hành rửa sạch, cắt nhỏ. Sau đó, cho hành vào chảo phi thơm, cho tôm vào xào chín và múc ra riêng.

Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch đem hấp chín, tán nhuyễn. Hạt sen rửa sạch, bỏ phần tim sen.

Gạo vo sạch, nấu cùng hạt sen. Khi gạo nhừ và hạt sen đã mềm, cho tiếp khoai môn đã nghiền vào cháo. Nêm gia vị. Cuối cùng cho tôm đã xào và hành lá cắt nhuyễn vào là có thể thưởng thức.

2.3 Chè khoai môn nước cốt dừa

giai-dap-thac-mac-ba-bau-an-khoai-mon-duoc-khong-voh-2
Chè khoai môn nước dừa ngon "đúng điệu" (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Khoai môn: 500g
  • Nước cốt dừa
  • Bột báng: 50g
  • Đường chát
  • Bột sắn dây: 2 muỗng canh

Cách thực hiện

Bột báng ngâm với nước lạnh khoảng 1 tiếng vớt ra để ráo. Sau đó cho bột báng vào nồi nước lạnh, luộc, đến khi nước sôi, thêm tiếp 1 lần nước lạnh tiếp tục đun sôi để bột báng chín đều, không nát. Bột báng chín, vớt ra thả vào thau nước lạnh để không bị dính.

Khoai môn gọt vỏ, thái thành khối vuông nhỏ, vừa ăn. Cho khoai môn vào nồi nước luộc chín mềm. Bạn có thể cho thêm đường vào để ngọt nước.

Cho nước cốt dừa và bột báng vào nồi khoai, tiếp tục đun sôi.

Hòa bột sắn với nước lạnh cho tan hết, đổ từ từ vào nồi chè, chỉnh nhỏ lửa, khuấy nhẹ cho đến khi chè sánh sệt lại.

Múc chè ra chén và thưởng thức khi còn nóng. Có thể thêm đá nếu bạn thịc ăn lạnh.

3. Một số lưu ý bà bầu cần biết khi ăn khoai môn

Bên cạnh những lợi ích thì khoai môn vẫn có thể gây ra một số tổn hại cho cơ thể mẹ bầu nếu dùng quá nhiều. Một số lưu ý mẹ bầu cần nhớ khi ăn khoai môn là:

  • Không ăn quá nhiều khoai môn một ngày, tốt nhất chỉ nên ăn dưới 100gr/ngày.
  • Khoai môn được cho là tiêu hóa chậm nên nếu mẹ bầu đang bị chứng khó tiêu hay có vấn đề về dạ dày nên hạn chế ăn loại củ này.
  • Khi chế biến khoai môn nên lưu tiên luộc, hấp hoặc nấu canh để giữ lại nhiều dưỡng chất hơn. 

Như vậy, khoai môn là thực phẩm lành mạnh, an toàn đối với tất cả mọi người, kể cả phụ nữ mang thai. Do đó, kể từ bây giờ mẹ bầu đừng ngần ngại khi muốn có khoai môn trong các bữa ăn dinh dưỡng của mình nữa nhé!