Những điều bạn cần biết về vacxin bại liệt

(VOH) – Sử dụng vacxin bại liệt chính là cách tốt nhất để chủ động phòng ngừa bệnh bại liệt. Đây là căn bệnh có thể để lại di chứng bại liệt, tàn tật suốt đời, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bệnh bại liệt là một tình trạng nghiêm trọng do virus Polio (bại liệt) gây ra. Loại virus này được chia thành 3 chủng 1, 2 và 3, có thể lây từ người này sang người khác thông qua nguồn nước và thực phẩm.

Khi xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, virus bại liệt có thể ảnh hưởng đến não và tủy sống của bạn, dẫn đến tình trạng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời.

Mặc dù hiện nay bệnh bại liệt vẫn chưa có thuốc trị khỏi, nhưng vacxin bại liệt có thể giúp bạn chủ động phòng ngừa căn bệnh này.

1. Vacxin bại liệt là gì?

Vacxin bại liệt là loại vacxin giúp phòng ngừa bệnh bại liệt, được đưa vào sử dụng trên thế giới lần đầu tiên vào năm 1955 (thử nghiệm lần đầu năm 1952) bằng đường tiêm. Đến năm 1962, vacxin bại liệt bằng đường uống được đưa vào sử dụng.

nhung-dieu-ban-can-biet-ve-vacxin-bai-liet-voh-0
Vacxin bại liệt có 2 dạng: uống và tiêm (Nguồn: Internet)

Sự có mặt của vacxin đã góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh bại liệt đến 99% trên cả 3 chủng virus.

2. Phân loại vacxin bại liệt

Hiện nay có 3 loại vacxin phòng bệnh bại liệt, cụ thể là:

2.1 Vacxin sống giảm độc lực dạng uống (OPV)

Vacxin sống giảm độc lực dạng uống (OPV) sử dụng thành phần là virus bại liệt sống đã bị làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tao ra hệ miễn dịch để giúp cơ thể phòng vệ, không cho virus xâm nhập vào cơ thể.

Trong chương chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ em có thể sử dụng vacxin bại đường uống khi được 2, 3 và 4 tháng tuổi.

2.2 Vacxin bất hoạt dạng tiêm (IPV)

Vacxin bất hoạt dạng tiêm (IPV) chứa virus bại liệt chết (sau khi xử lý), có tác dụng kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch phòng bệnh.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, từ năm 2018 trẻ trên 5 tháng tuổi có thể sử dụng vacxin bại liệt dạng tiêm.

2.3 Vacxin dạng phối hợp

Ngoài các loại vacxin đơn thì các loại vacxin phối hợp cũng được nhà sản xuất tích hợp thành phần ngừa bại liệt. Các loại vacxin phối hợp có thành phần ngừa bại liệt gồm:

  • Vacxin 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ) và vacxin 6 trong 1 Hexamin (Pháp), giúp phòng ngừa 6 bệnh: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra.
  • Vacxin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp), giúp ngừa 5 bệnh: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và bệnh do vi khuẩn Hib.
  • Vacxin Tetraxem (Pháp), giúp ngừa 4 bệnh: bại liệt, bạch hầu, uốn ván và ho gà.

3. Vacxin bại liệt nên tiêm hay uống?

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cả 2 loại vacxin bại liệt dạng tiêm (IPV) và dạng uống (OPV) đều được Nhà nước tài trợ miễn phí. Riêng vacxin bại liệt có trong trong thành phần của những mũi tiêm phối hợp (6 trong 1 hoặc 5 trong 1) thì chỉ có tại các điểm tiêm phòng dịch vụ.

Tuy nhiên, việc chủng ngừa bệnh bại liệt bằng vacxin dạng uống hay tiêm đều mang lại kết quả phòng bệnh như nhau. Đương nhiên, nếu trẻ tiêm vacxin dạng phối hợp thì không chỉ phòng ngừa được bệnh bại liệt mà còn có thể phòng được nhiều căn bệnh khác.

nhung-dieu-ban-can-biet-ve-vacxin-bai-liet-voh-1
Vacxin bại liệt đường uống hay tiêm đều mang lại tác dụng như nhau (Nguồn: Internet)

Do đó, việc lựa chọn vacxin bại liệt tiêm hay uống, tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ là phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Điều quan trọng là bạn phải cho trẻ tiêm hoặc uống vacxin bại liệt đúng lịch, đủ liều để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

4. Vacxin bại liệt tiêm/uống mấy lần?

Hiện nay, lịch tiêm chủng vacxin phòng bệnh bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện như sau:

  • Trẻ 2 tháng tuổi: Uống vacxin OPV lần 1
  • Trẻ 3 tháng tuổi: Uống vacxin OPV lần 2
  • Trẻ 4 tháng tuổi: Uống vacxin OPV lần 3
  • Trẻ 5 tháng tuổi: Tiêm 1 mũi vacxin bại liệt IPV

Đối với tiêm phòng dịch vụ, các mũi có thành phần bại liệt sẽ được tiêm theo các mốc thời gian là:

  Vacxin 6 trong 1 Vac xin 5 trong 1
Liều 1 Trẻ 2 tháng tuổi Trẻ 2 tháng tuổi
Liều 2 Trẻ 3 tháng tuổi Cách mũi đầu tiên 1 tháng
Liều 3 Trẻ 4 tháng tuổi Cách mũi thứ hai 1 tháng
Liều nhắc lại Trẻ từ 16 – 18 tháng tuổi Trẻ được 2 tuổi

Những trẻ không được tiêm chủng theo đúng lịch thì cần được tiêm sau đó và nên tiêm càng sớm càng tốt. Vacxin phòng bại liệt dạng tiêm có thể tiêm chủng cùng các vacxin khác trong một buổi tiêm chủng.

Xem thêm: Mách mẹ 7 cách giảm đau SIÊU NHANH cho trẻ sau khi tiêm phòng

5. Tác dụng phụ khi tiêm vacxin bại liệt

Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm vacxin bại liệt thường rất hiếm gặp. Các phản ứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Đau nhức tại vị trí tiêm
  • Nổi mẩn đỏ gần chỗ tiêm
  • Sốt nhẹ
nhung-dieu-ban-can-biet-ve-vacxin-bai-liet-voh-2
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm bại liệt dường như rất hiếm (Nguồn: Internet)

Phản ứng nghiêm trọng nhất khi tiêm vacxin bại liệt là phản ứng dị ứng, mặc dù trường hợp này rất hiếm. Nếu trẻ bị ứng ứng với liều tiêm vacxin bại liệt các triệu chứng sẽ xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau tiêm, bao gồm:

  • Ngứa
  • Da ửng đỏ
  • Người xanh xao
  • Huyết áp thấp
  • Khó thở, thở khò khè
  • Sưng họng hoặc lưỡi
  • Mạch đập nhanh
  • Sưng mặt hoặc môi
  • Buồn nôn và nôn
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu

Để phòng ngừa trường hợp trẻ bị ứng sau tiêm, cha mẹ cần cho trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng tối thiểu 30 phút để các nhân viên y tế có thể theo dõi. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất 24 đến 48 giờ. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe.

6. Những lưu ý khi tiêm phòng vacxin bại liệt

Thông thường, các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ không thực hiện tiêm vacxin bại liệt cho người có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, hoặc có thể tạm hoãn tiêm chủng nếu người được tiêm vacxin cảm thấy không khỏe.

6.1 Các trường hợp chống chỉ định tiêm vacxin bại liệt

  • Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vacxin lần trước.
  • Người bị suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV, hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) sẽ chống chỉ định tiêm chủng các vacxin sống giảm độc lực.
  • Những chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

6.2 Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng

  • Người có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan...
  • Trẻ bị bệnh lý cấp tính, bệnh nhiễm trùng
  • Trẻ đang sốt cao trên 38 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35.5 độ C
  • Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B)
  • Trẻ đang hoặc vừa kết thúc đợt điều trị corticoid (uống/tiêm) liều cao, xạ trị, hóa trị trong vòng 14 ngày.
  • Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có kèm theo tăng áp lực động mạch phổi
  • Những trường hợp hoãn tiêm khác theo chỉ định của nhà sản xuất.

Lưu ý: Không nên trì hoãn việc tiêm vacxin bại liệt với những trường hợp trẻ chỉ mắc các bệnh viêm đường hô hấp hoặc cấp tính nhẹ, không bị sốt.

Như vậy, tiêm vacxin bại liệt chính là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh bại liệt. Do đó, hãy đưa trẻ đi tiêm ngừa vacxin này theo đúng lịch. Nếu con bạn chưa được chủng ngừa hoặc quá thời gian chủng ngừa, hãy trao đổi cùng bác sĩ để có được những lời khuyên hữu ích.