Sự phát triển của trẻ hai năm đầu tiên và các lưu ý mẹ cần biết

(VOH) - Sau khoảng 39-42 tuần trong bụng mẹ, em bé sẽ chính thức ra đời. Sự phát triển của trẻ trong hai năm đầu tiên diễn ra rất nhanh, những dấu mốc thay đổi nào con sẽ trải qua mà mẹ cần lưu tâm?

Trong suốt hai năm đầu đời, cha mẹ có thể chứng kiến và quan sát từng biến chuyển nhỏ của con qua từng ngày, từng tháng. 

1. Sự phát triển của trẻ sơ sinh trong hai năm đầu đời 

Mỗi bạn nhỏ sẽ có tình trạng sức khỏe và quá trình lớn lên không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên, nhìn chung các con sẽ đều trải qua những giai đoạn phát triển cơ bản trong 24 tháng đầu tiên của cuộc đời. 

1.1 Trẻ 1 tháng tuổi

Từ lúc sinh ra tới thời điểm trẻ 1 tháng tuổi, con bắt đầu làm quen và tập thích nghi với môi trường sống bên ngoài. Sau một thời gian dài ở trong bụng mẹ, lúc này cơ thể bé còn rất non yếu và có các hiện tượng sinh lý bình thường như vàng da, cứt trâu trên da đầu, đi ngoài phân su, rụng rốn hay thở khò khè

Vì đang trong giai đoạn đầu tiên và tập "làm quen" với mọi điều, việc tiếp nạp chất dinh dưỡng chủ yếu bằng bú sữa mẹ, con cũng sẽ quấy khóc khá nhiều và thời gian ngủ lên đến 17 tiếng một ngày. Đặc biệt, vào cuối tháng đầu tiên, hầu hết các bé có thể ngẩng đầu lên trong vài giây khi nằm sấp.

Xem thêm: 10 hiện tượng sinh lý, bệnh lý quan trọng có thể xảy ra ở trẻ trong tháng đầu tiên, mẹ cần lưu ý

su-phat-trien-cua-tre-hai-nam-dau-tien-va-cac-luu-y-me-can-biet-voh-0
Giai đoạn 1 tháng tuổi trẻ ngủ rất nhiều (Nguồn: Internet) 

1.2 Trẻ 2 tháng tuổi

Bước sang tháng thứ 2, mẹ sẽ thấy cân nặng và chiều cao của con có thay đổi khá rõ rệt. Bé gái có thể nặng khoảng 4.5 - 5.1kg, chiều cao dao động từ 55-57 cm, còn các bé trai có chỉ số cân nặng đạt khoảng 4.9 - 5.5kg và cao 56 - 58 cm. 

Khoảng thời gian này bé sẽ bắt đầu để ý mọi điều xung quanh mình và tạo ra những âm thanh "ê a", đảo mắt nhìn theo mọi người để “hóng chuyện”. Đôi bàn tay bàn chân nhỏ bé bắt đầu nghịch ngợm, quơ qua quơ lại và nắm chặt các đồ vật. 

Xem thêm: Những kỹ năng thú vị chỉ có ở trẻ 2 tháng tuổi, mẹ đã biết chưa?

1.3 Trẻ 3 tháng tuổi 

Đây là giai đoạn mà cha mẹ sẽ bớt vất vả vì con đã sinh hoạt nề nếp hơn, bé có thể ngủ một giấc dài từ 6-8 giờ vào ban đêm mà không tỉnh dậy ngắt quãng, trừ những thời điểm bé thức dậy để bú sữa.

Khi trẻ 3 tháng tuổi, não bộ và các giác quan của con phát triển gần như hoàn thiện, tuy nhiên, con có thể nhận biết được người thân quen qua gương mặt và giọng nói. 

Xem thêm: ‘Thì thầm’ với mẹ bí quyết chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi đúng cách

1.4 Trẻ 4 tháng tuổi

Khi trẻ 4 tháng tuổi, các chỉ số phát triển của con chuyển biến rõ ràng, cân nặng của con sẽ đạt từ 7 - 7.5 kg, chiều dài dao động trong khoảng 63.4 – 64.6cm. Lúc này, phần thóp sau và đường khớp đã khép lại, tuy nhiên phần thóp trước của trẻ sơ sinh thì chưa. 

Em bé 4 tháng tuổi có thể khiến gia đình “náo loạn” vì con sẽ cầm nắm bất cứ vật gì rồi đưa vào miệng vì tò mò. Phần cổ, đầu và lưng trở nên cứng cáp hơn so với 3 tháng đầu tiên nên hoạt động lẫy của bé cũng diễn ra thường xuyên hơn. 

Xem thêm: Mẹ cần chuẩn bị gì cho những thay đổi của bé ở 'cột mốc' 4 tháng tuổi?

1.5 Trẻ 5 tháng tuổi 

Ở thời điểm 5 tháng tuổi, bên cạnh sữa mẹ, con có thể ăn thêm các loại sữa công thức phù hợp. Vì phần cổ, đầu và lưng của bé đã phát triển tốt nên con có thể tự lật người từ tư thế nằm bụng mà không cần sự trợ giúp. 

su-phat-trien-cua-tre-hai-nam-dau-tien-va-cac-luu-y-me-can-biet-voh-1
Bé có thể tự lật người ở tháng thứ 5 (Nguồn: Internet) 

Giai đoạn này con có khả năng ra hiệu bằng tay để thể hiện mong muốn của mình như lấy đồ vật nào đó hay đơn giản là muốn được bồng bế và ôm ấp. 

Xem thêm: Trẻ 5 tháng tuổi: Rộn ràng niềm vui khi con yêu ‘bi bô’ tập nói

1.6 Trẻ 6 tháng tuổi 

6 tháng sau khi ra đời, trẻ sẽ bước sang một giai đoạn mới đó là ăn dặm, cùng với sữa, mẹ có thể bắt đầu tìm hiểu các phương pháp ăn dặm cho bé. 

Trong tháng thứ 6 này, con hiếu động và di chuyển nhiều hơn trước, bắt đầu tự tập bò xung quanh nhà, nghịch ngợm và chơi đùa với các đồ vật. Đặc biệt, thời gian này bé thường thu hút sự chú ý cũng như thể hiện ý thích của mình bằng tiếng khóc và la hét. 

Xem thêm: Những thay đổi về dinh dưỡng, kỹ năng, thể chất ở trẻ 6 tháng tuổi, mẹ cần phải biết

1.7 Trẻ 7 tháng tuổi 

Không khí gia đình vào thời điểm trẻ 7 tháng tuổi sẽ rất náo nhiệt bởi những tiếng bi bô, bập bẹ tập nói của con. Bé bắt đầu bắt chước âm thanh, học phát âm những tiếng đơn giản.

Từ tháng thứ 7, những chiếc răng sữa đầu tiên sẽ nhú lên và khiến bé sốt nhẹ, đây cũng là lúc mà mẹ khá đau đầu vì trẻ trở nên biếng ăn hơn, chúng phân biệt yêu thích rõ ràng, sẽ từ chối ăn nếu cảm thấy không muốn. Bên cạnh đó, con sẽ dần ngồi vững mà không cần cha mẹ trợ giúp. 

Xem thêm: Bé yêu 7 tháng tuổi hào hứng tập bò khiến mẹ ‘mệt nhoài’ trông chừng!

1.8 Trẻ 8 tháng tuổi

Khác với những tháng đầu tiên, bé chỉ có thể quan sát ở khoảng cách gần, thì đến tháng thứ 8, thị giác của bé đã phát triển hoàn thiện và có tầm nhìn xa như một người trưởng thành. 

su-phat-trien-cua-tre-hai-nam-dau-tien-va-cac-luu-y-me-can-biet-voh-2
Bé bắt đầu lò dò tập đi (Nguồn: Internet) 

Khả năng vận động cũng quan sát của bé trong tháng này cũng thay đổi rất nhiều, con tập bám vịn để tự mình đứng dậy, chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên. 

Xem thêm: Khám phá những cột mốc phát triển mà bé yêu của mẹ sẽ đạt được ở tháng thứ 8

1.9 Trẻ 9 tháng tuổi 

Trẻ 9 tháng tuổi sẽ phải trải qua một thời kì khá nhiều xáo trộn khiến cha mẹ có phần mệt mỏi. Bé sẽ bám mẹ nhiều hơn, quấy khóc bất chợt mà không rõ lý do, thường ném, đập các đồ vật mình có được trong tay. Hơn nữa, hệ vận động đã cứng cáp hơn nên một số bé có thể sẽ vịn vách hoặc một điểm tựa nào đó để tự đứng lên - một dấu hiệu cho thấy bé sắp biết đi.

Xem thêm: Tháng thứ 9 sau khi chào đời, bạn nhỏ của mẹ ‘lò dò tập đi’ và rất ‘mải chơi’!

1.10 Trẻ 10 tháng tuổi 

Sang 10 tháng tuổi, con sẽ có 4 - 6 chiếc răng sữa, cân nặng trung bình từ 8.4 - 9.1kg và chiều cao khoảng 71.3 - 73.4cm. 

Đây là thời kì mà khả năng leo trèo của các bạn nhỏ rất tốt, chúng có thể tự với lấy các đồ vật nếu thấy thích thú, chính vì vậy cần chú ý để những vật nguy hiểm ra khỏi tầm tay trẻ. Đặc biệt, những tính cách riêng biệt của bé phần nào sẽ được hình thành trong giai đoạn này, có thể là nhút nhát, e dè hoặc mạnh dạn và ít ngại ngùng. 

Xem thêm: 'Bật mí' đến mẹ những kỹ năng trẻ 10 tháng tuổi đều có thể làm được

1.11 Trẻ 11 tháng tuổi 

Ở tháng thứ 11, lúc này mẹ sẽ thấy bé dài người hơn và không còn mũm mĩm như ngày mới sinh, cân nặng của con không quá thay đổi, dao động từ 8.7 - 9.4kg và cao khoảng 72.89 - 74.4cm. 

Trẻ 11 tháng tuổi lắng nghe và có thể hiểu được khi ai đó gọi tên hoặc đưa ra yêu cầu, con cũng bắt đầu nói, biểu đạt được nhiều từ. 

Xem thêm: Trẻ 11 tháng tuổi: Cả nhà cùng vui khi con yêu tràn đầy năng lượng ‘lắc lư’ mỗi ngày

1.12 Trẻ 12 tháng tuổi 

Bước sang tháng thứ 12, trẻ tròn 1 tuổi nên các chức năng của não bộ đã hoàn chỉnh gần 80%, khả năng tập trung sẽ tăng cao hơn, tuy nhiên không có nhiều biến đổi về chỉ số cân nặng và chiều cao.

Con có thể tự di chuyển mà không cần đến quá nhiều sự giúp đỡ, vận động luôn chân luôn tay nhưng không hề mệt. Trẻ 12 tháng tuổi sẽ ngủ ít hơn, có nhiều giấc ngắn kéo dài 20 - 30 phút, một giấc ngủ trưa dài từ 2 đến 3 tiếng. 

Xem thêm: Bất ngờ với những sự phát triển vượt trội của trẻ 12 tháng tuổi

1.13 Trẻ 13 tháng tuổi 

13 tháng tuổi - trẻ chính thức bước sang một năm tuổi mới với nhiều phát triển rõ rệt, đặc biệt là khả năng biểu lộ cảm xúc. Ở tháng tuổi này, bên cạnh việc uống sữa, con có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau như trái cây, rau, thịt, , ngũ cốc và bánh mì. 

Xem thêm: Tháng tuổi thứ 13: mẹ thấy 'khó chiều' khi cảm xúc của bạn nhỏ liên tục thay đổi

1.14 Trẻ 14 tháng tuổi 

Khi trẻ 14 tháng tuổi, cân nặng của bé sẽ tăng khoảng 200g so với thời gian trước, trung bình sẽ đạt từ 9.4 - 10.1kg, chiều cao là 76.4 - 78cm. Thời điểm này mẹ cần chăm sóc và vệ sinh răng miệng của bé thật tốt vì con đã ăn được rất nhiều loại thực phẩm. 

su-phat-trien-cua-tre-hai-nam-dau-tien-va-cac-luu-y-me-can-biet-voh-3
Ở tháng thứ 14 bé bắt đầu tập leo cầu thang (Nguồn: Internet) 

Khả năng vận động, đi lại và leo cầu thang của bé được cải thiện rất nhiều, con có thể thực hiện độc lập một cách rất thuần thục. 

Xem thêm: Trẻ 14 tháng tuổi bộc lộ nhiều hơn về tính cách riêng của mình, mẹ có biết không?

1.15 Trẻ 15 tháng tuổi 

15 tháng tuổi được xem là giai đoạn vàng phát triển hệ tiêu hóa của bé, con có thể cần bổ sung thêm protein để cung cấp năng lượng. Lúc này bé sẽ mọc được khoảng 11 chiếc răng sữa, nên hãy tăng cường bổ sung canxi cho con. 

Đặc biệt, trẻ 15 tháng tuổi có thể dần hiểu được cha mẹ đang trò chuyện với mình dù con chưa thể nói thông thạo một câu dài. 

Xem thêm: ‘Bé bỏng’ của mẹ 15 tháng tuổi luôn háo hức học thêm nhiều điều mới lạ

1.16 Trẻ 16 tháng tuổi 

Vốn từ và khả năng nói của bé giai đoạn 16 tháng tuổi sẽ mở rộng đáng kể, bé có thể nói lắp bắp được số ít từ cụ thể. Các phản xạ vận động của con khá khéo léo, có thể chạy, đi lùi, đi theo vòng tròn, đặc biệt có thể cầm bút vẽ nguệch ngoạc. 

Xem thêm: 6 điều quan trọng mẹ cần nắm rõ để giúp bé 16 tháng tuổi phát triển khỏe mạnh

1.17 Trẻ 17 tháng tuổi 

17 tháng tuổi được xem là thời kì bướng bỉnh của trẻ, con muốn tự làm những điều mình thích, ngược lại với lời nói của cha mẹ. Từ 17 tháng tuổi trở đi, cha mẹ có thể hướng dẫn con cách cầm thìa để tự ăn. 

Xem thêm: Trẻ 17 tháng tuổi: Ngày càng khéo léo và nói nhiều hơn

1.18 Trẻ 18 tháng tuổi 

Ở tháng tuổi này, nhiều bé đã bắt đầu đi nhà trẻ, bé có thể tự mặc quần áo cho mình dù còn hơi chậm. Giai đoạn này khả năng ghi nhớ của con tốt hơn, các vị trí đồ vật hay những lời hướng dẫn sẽ được lưu lại trong não bộ lâu. Chúng thường quan sát tỉ mỉ các hành động của người lớn và bắt chước làm theo. 

Xem thêm: Những sự thay đổi đáng kinh ngạc ở trẻ 18 tháng tuổi, mẹ có thể chưa biết!

1.19 Trẻ 19 tháng tuổi 

Khẩu phần ăn của bé trong tháng thứ 19 sẽ có chút thay đổi, con sẽ ăn ba bữa chính một ngày, hai bữa ăn nhẹ và khoảng 400ml sữa mẹ hoặc sữa công thức. Điều đặc biệt là trẻ 19 tháng tuổi dần có ý thức về việc đi vệ sinh, chúng có thể nói với bạn rằng chúng cần đi “tè” hay đi “ị".

Xem thêm: Bạn nhỏ 19 tháng tuổi hào hứng ‘xung phong’ giúp mẹ làm việc nhà

1.20 Trẻ 20 tháng tuổi 

Tới 20 tháng tuổi, bé sẽ nói líu lo cả ngày và bắt đầu véo von hát những câu đơn giản. Bữa ăn lúc này của con cần kết hợp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng bao gồm: chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin, khoáng chất. Giai đoạn này con sẽ mọc hoàn thiện 4 chiếc răng nanh nên có thể sẽ chảy nước dãi khá nhiều. 

Xem thêm: Trẻ 20 tháng tuổi: Bé muốn khám phá mọi thứ theo cách riêng của mình

1.20 Trẻ 21 tháng tuổi 

Thời gian này cha mẹ nên khuyến khích bé tham gia các trò chơi phát triển tư duy vì trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của con đang phát triển rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, lúc này con khá tò mò về các bộ phận trên cơ thể mình, hãy chia sẻ cho bé nhé. 

Xem thêm: 21 tháng tuổi: Bé ‘véo von’ những câu hát đầy ngộ nghĩnh và đáng yêu

1.22 Trẻ 22 tháng tuổi 

Nếu như ở giai đoạn đầu tập đi, con hào hứng di chuyển khắp nhà thì tới 22 tháng tuổi, trẻ khá lười đi bộ và thường xuyên đòi bế. Thời điểm 22 tháng tuổi, cha mẹ hãy lên kế hoạch xây dựng các thói quen tốt cho bé như để đồ đạc đúng nơi, xếp quần áo hay ngủ nghỉ theo đúng giờ giấc.

Xem thêm: Khám phá những cuộc 'phiêu lưu' không thể đoán trước ở bé 22 tháng tuổi

1.23 Trẻ 23 tháng tuổi

Quan sát các trẻ 23 tháng tuổi, bạn sẽ nhận thấy các con bắt đầu thích chơi và đi theo các bạn cùng trang lứa hơn bố mẹ bởi đây là thời kì tính độc lập của con phát triển mạnh mẽ. 

su-phat-trien-cua-tre-hai-nam-dau-tien-va-cac-luu-y-me-can-biet-voh-4
Con thích chơi đùa và hoạt động với các bạn hơn cha mẹ (Nguồn: Internet) 

Thông thường, khi được 23 tháng tuổi, con sẽ có 16 chiếc răng sữa để hỗ trợ cho hoạt động nhai và khả năng nói của mình. 

Xem thêm: 23 tháng tuổi: ‘Siêu quậy nhí’ của ba mẹ bày đủ trò làm náo loạn cả nhà

1.24 Trẻ 24 tháng tuổi 

Vậy là bé đã tròn 2 tuổi, cân nặng trung bình sẽ đạt khoảng 12kg, chiều cao là 87cm và hàm răng sữa gần như hoàn chỉnh. Đây được xem là thời kì tò mò và đặt nhiều câu hỏi nhất của trẻ, cha mẹ sẽ phải giải đáp muôn vàn câu hỏi vì sao từ con. 

Xem thêm: Bé 24 tháng tuổi: Kết thúc 2 năm đầu đời với những mốc phát triển đáng nhớ

2. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ hai năm đầu tiên 

Khi đón con chào đời, mọi cơ quan trong cơ thể bé đều bé nhỏ và đang dần hoàn thiện chức năng, chính vì vậy, cha mẹ cần ghi nhớ thực hiện những lưu ý quan trọng để chăm sóc và nuôi dưỡng con thật tốt trong những năm đầu tiên. 

2.1 Cho trẻ bú

Trong năm tuổi đầu tiên của mình, phần lớn các bé sẽ bú sữa mẹ để tiếp nạp các dưỡng chất. Tuy nhiên, dạ dày của con rất nhỏ và chỉ chứa được khoảng 5-7 ml chất lỏng, nên khi cho trẻ bú mẹ cần chú ý một số điều sau đây:

  • Nếu thấy con dò tìm quanh núm vú của mẹ hoặc khóc thì có thể là dấu hiệu đói, mẹ hãy cho bé ăn sữa, trung bình một ngày mẹ có thể cho bé bú từ 8 - 12 lần.
  • Để bé có thể bú thoải mái, không bị trớ sữa, mẹ đặt phần ngực bé hướng vào ngực mẹ, mẹ không nên chống khuỷu tay lên vì sẽ làm cho bé ngậm bú khó và mẹ cũng dễ bị mỏi.
  • Trong thời kì cho bé bú, mẹ không nên sử dụng các đồ uống có cồn, chất kích thích, các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ. 

Xem thêm: Cách cho bé bú nằm an toàn, mẹ đã biết chưa?

2.2 Tắm cho trẻ 

Có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi vệ sinh cơ thể cho trẻ vì con còn quá nhỏ, đặc biệt là trong trường hợp có con đầu lòng. Dưới đây là một số lời khuyên bạn có thể áp dụng khi tắm cho trẻ:

  • Không nên tắm cho bé trong vòng 48 giờ sau khi sinh để tránh làm mất lớp sáp vernix bảo vệ da.
  • Nên tắm vào ban ngày, thời điểm có ánh nắng mặt trời.
  • Chỉ nên tắm cho trẻ trong thời gian từ 4-5 phút, tránh trường hợp con bị cảm lạnh. 
  • Chỉ nên tắm khoảng 2 – 3 lần mỗi tuần, chú ý vệ vùng mặt, cổ, miệng, tay chân và bộ phận sinh dục.
su-phat-trien-cua-tre-hai-nam-dau-tien-va-cac-luu-y-me-can-biet-voh-5
Không nên tắm cho trẻ quá lâu để tránh bị cảm lạnh (Nguồn: Internet) 

2.3 Chăm sóc da

Làn da của các bé mỏng manh và nhạy cảm, nên mẹ cần đặc biệt quan tâm chăm sóc và giữ gìn cho con.

  • Lựa chọn quần áo có chất liệu mềm mại, thoáng mát. 
  • Thay bỉm, tã sau khoảng 2-3 tiếng, không để bé tiếp xúc quá lâu với phân, nước tiểu.
  • Nếu thời tiết thay đổi và khô hanh, có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng da cho trẻ sơ sinh. 
  • Giữ sạch cuống rốn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng dây rốn, làm lây lan các vi khuẩn gây bệnh trên da bé. 

Xem thêm: 2 dấu hiệu đặc trưng nhất giúp mẹ nhận biết nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh

2.4 Theo dõi giấc ngủ 

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ ở năm đầu đời, khi tình trạng sức khỏe không tốt cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của con

  • Trẻ 1 tuần tuổi đến 2 tháng tuổi: Thời gian ngủ sẽ kéo dài từ 17-20 tiếng một ngày, có thể ngủ bất cứ lúc nào trong ngày, và thường thức giấc, quấy khóc vào ban đêm. 
  • Trẻ từ 3-6 tháng tuổi: Giảm thời gian thức giấc giữa chừng vào ban đêm, thời gian ngủ cần thiết từ 14-16 tiếng mỗi ngày. 
  • Trẻ từ 6-12 tháng tuổi: Đồng hồ sinh học của con thay đổi nhiều, bắt đầu có các giấc ngủ trưa khoảng 2-3 tiếng, mỗi ngày thời gian ngủ là 14 tiếng. 
  • Trẻ từ 12- 24 tháng tuổi: Thời gian ngủ sẽ gần giống như người lớn khoảng 10-12 tiếng, bao gồm một giấc ngủ trưa. 

2.5 Thực hiện lịch tiêm phòng

Trong những năm đầu tiên, sức đề kháng của bé còn rất yếu, việc thực hiện lịch tiêm chủng đầy đủ sẽ giảm nguy cơ trẻ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm.

  • Trước khi tiêm cần tránh cho bé bú quá no.
  • Vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, tránh nhiễm trùng máu. 
  • Theo dõi tại cơ sở tiêm phòng trong vòng 30 phút sau tiêm để phòng ngừa biến chứng. 

2.6 Trò chuyện với trẻ

Não bộ và nhận thức của bé sẽ phát triển qua từng ngày thông qua quan sát và giao tiếp với mọi người xung quanh, chính vì vậy cha mẹ hãy dành thật nhiều thời gian cho bé. 

  • Trò chuyện, đọc sách để tăng tương tác với bé. 
  • Quan sát và lắng nghe những âm thanh của bé, phản hồi, đáp lại bé. 
  • Mỉm cười và âu yếm bé nhiều hơn để tăng sự gần gũi. 

Cùng con trải qua những cột mốc phát triển quan trọng trong năm tháng đầu tiên đem đến cho cha mẹ nhiều cung bậc cảm xúc thú vị và những trải nghiệm khó quên. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết này, cha mẹ sẽ cảm thấy tự tin hơn trong hành trình chăm sóc và nuôi nấng trẻ. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh