Trẻ 10 tháng tuổi và những cột mốc phát triển đáng lưu ý

(VOH) – Trẻ 10 tháng tuổi đã bắt đầu tự mình khám phá thế giới xung quanh theo nhiều cách khác nhau. Mẹ có thắc mắc rằng bé 10 tháng tuổi sẽ biết được những gì hay không?

Bước qua tháng thứ 10, bé yêu của mẹ sẽ có nhiều sự thay đổi về trí tuệ và thể chất. Mẹ có thể sẽ rất ngạc nhiên về những sự thay đổi nhanh chóng của bé. Đây cũng là thời điểm mà mẹ nên tìm hiểu tính cách của bé – trầm lặng hay hướng ngoại, điềm tĩnh hay thích phiêu lưu rồi đấy!

1. Trẻ 10 tháng tuổi biết làm gì?

Nếu theo đúng tiến trình phát triển của trẻ, bé 10 tháng tuổi đã có thể bò khắp nơi, đứng dậy khi đang ngồi, hoặc có thể tự đi khi vịn được điểm tựa hoặc tay mẹ. Những mốc phát triển mẹ có thể nhìn thấy ở trẻ 10 tháng tuổi là:

1.1 Phát triển vận động

Giờ đây bé đã có thể bò đi rất nhanh và xa.

Đang ngồi bé có thể tự mình đứng lên mà không cần hỗ trợ. Bé cũng có thể men theo thành ghế hoặc thành giường để bước đi nhưng bước chân của bé vẫn chưa vững nên sẽ dễ bị ngã.

tre-10-thang-tuoi-va-nhung-cot-moc-phat-trien-dang-luu-y-voh-0
Trẻ có thể tự mình đứng dậy mà không cần hỗ trợ (Nguồn: Internet)

Trẻ 10 tháng tuổi rất thích leo cầu thang. Vì thế, mẹ cần chú ý quan sát trẻ nhiều hơn để bé không bị ngã cầu thang.

Xem thêm: 8 biểu hiện trẻ bị ngã đập đầu gây chấn thương sọ não, mẹ cần nhận biết sớm để xử lý kịp thời

Đây là thời điểm các vận động tinh tế ở bé sẽ phát triển nhanh chóng. Giờ đây, bé đã biết sử dụng ngón cái và ngón trỏ để nhặt những món đồ chơi rất nhỏ. Hoặc có thể cầm đồ chơi bằng một tay và tay còn lại để thực hiện một hành động khác.

Bé cũng đã bắt đầu hiểu được một chút về những mối quan hệ đơn giản của đồ vật xung quanh, ví dụ như trên, dưới, trước, sau....

1.2 Phát triển ngôn ngữ

Trẻ 10 tháng tuổi vẫn phát âm từng từ một hoặc sử dụng từ láy.

Bé hiểu được ý nghĩa chung của câu và hay làm các cử chỉ, động tác đi kèm với những từ bé nói.

Bé có thể dùng một từ để biểu lộ nhiều thứ, ví dụ từ “măm” để chỉ tất cả các hành động ăn uống...

Bé đã biết gọi “ba”, “bà”, “mẹ” hoặc tên một vài người thân thuộc trong gia đình.

1.3 Phát triển nhận thức

Bé có thể nhận thấy và bắt chước mọi thứ mẹ làm, từ chải tóc đến cầm điện thoại.

Bé sẽ lắng nghe âm thanh từ lời nói của mẹ và sẽ quan sát cẩn thận để đánh giá phản ứng của mẹ với các tình huống. Ví dụ, nếu mẹ khóc khi xem một bộ phim buồn, mẹ sẽ thấy mặt bé có thể sẽ nhăn lại.

Trẻ 10 tháng tuổi có thể hiểu và làm theo các lệnh đơn gian, chẳng hạn như “vẫy tay tạm biệt”, “vỗ tay”....

Bé đã biết kéo áo mẹ để thu hút sự chú ý.

Bé biết chỉ tay ra ngoài và nói “bế” để biểu thị là bé muốn bế và muốn được đi chơi.

tre-10-thang-tuoi-va-nhung-cot-moc-phat-trien-dang-luu-y-voh-1
Trẻ 10 tháng tuổi rất tò mò và thích khám phá mọi thứ (Nguồn: Internet)

Bé thích cho đồ vật vào một cái hợp rồi sau đó lại lấy ra, thích xếp chồng các hình khối lên nhau. Bé cũng biết nhặt đồ cho vào giỏ hoặc tự chơi với các món đồ chơi của mình. Đặc biệt, bé sẽ rất thích sờ vào bất cứ vật gì bé thấy một cách thích thú và khám phá chúng, nhất là những đồ vật lạ mắt bé mới nhìn thấy lần đầu.

Tính cách riêng của con cũng sẽ được hình thành ở tháng thứ 10. Có bé sẽ thích giao tiếp xã hội, hay mỉm cười với mọi người. Nhưng cũng có bé khá nhút nhát, thường nép vào người mẹ khi có người lại đến trò chuyện.

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ sắp biết đi và 5 bài tập giúp bé biết đi sớm

2. Trẻ 10 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Thông thường cân nặng trẻ 10 tháng tuổi sẽ gấp khoảng 3 lần lúc mới sinh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của bé còn phải phụ thuộc vào vào nhiều yếu tố như di truyền, môi trường và chế độ dinh dưỡng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cân nặng và chiều cao trẻ 10 tháng tuổi sẽ được coi là chuẩn nhất khi nằm trong khoảng sau đây:

2.1 Bé trai

  • Cân nặng: 7.4 đến 11.4kg, trung bình là 9.2kg
  • Chiều cao: 68.7 đến 77.9cm, trung bình là 73.3cm

2.2 Bé gái

  • Cân nặng: 6.7 đến 10.9kg, trung bình là 8.5kg
  • Chiều cao: 66.5 đến 76.4cm, trung bình là 71.5cm

3. Bé 10 tháng tuổi ăn gì, bao nhiêu là đủ?

Với trẻ 10 tháng tuổi mẹ có thể tiếp tục mở rộng thực đơn ăn dặm của con bằng các loại ngũ cốc, sữa, rau, củ, quả các loại... Ở giai đoạn này, bé vẫn có thể bị hóc thức ăn, do đó, mẹ cần lưu ý với những món ăn như bỏng ngô, nho khô, các loại hạt, kẹo cứng, hay xúc xích cắt thành hình tròn.

Xem thêm: 4 'lời khuyên vàng' giúp mẹ không mắc sai lầm khi cho trẻ ăn dặm

Một vài chiếc răng xinh xắn đã nhú lên khá cao khi bé đạt 10 tháng tuổi, vì thế, thức ăn dành cho trẻ giai đoạn này có thể gia tăng độ dày. Một số loại thức ăn có thể cắt thành thanh dài để bé tự cầm ăn hoặc tập cho bé tự xúc thức ăn.

Duy trì việc ăn 3 bữa/ngày như những tháng trước, kèm theo bú sữa mẹ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ từ 6 đến 12 tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của con, với 3 – 4 cữ bú/ngày. Lượng sữa trung bình bé cần trong mỗi cữ bú sẽ rơi vào khoảng 200 – 250ml.

Tuy nhiên, cần lưu ý một số trẻ 10 tháng tuổi sẽ có biểu hiện biếng ăn. Nguyên nhân có thể là do bé bị bệnh hoặc bé chưa thích nghi được với chế độ ăn lỏng sang đặc… Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên thay đổi các loại thực phẩm khi nấu cháo cho bé, nhằm giúp bữa ăn của bé phong phú hơn, bé cảm thấy lạ miệng và ăn nhiều hơn.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể tăng cường thêm sữa chua, phô mai, trái cây…giữa các bữa ăn.Tạo không khí ăn vui vẻ như cho bé nghe nhạc, đưa đồ chơi có nhiều màu sắc cho bé cầm để tăng sự chú ý ở bé, lúc đó bé sẽ ăn tốt hơn.

Xem thêm: Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và cách khắc phục hiệu quả

4. Trẻ 10 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Khi được 10 tháng tuổi, bé yêu có thể ngủ một giấc dài xuyên đêm. Ban ngày bé sẽ ngủ thêm 1 – 2 giấc ngủ ngắn. Mẹ không nên bỏ qua giấc ngủ ngắn vào buổi trưa của con, vì giấc ngủ này sẽ giúp bé tỉnh táo suốt cả buổi chiều và tránh được tình trạng cáu kỉnh trước khi ngủ.

tre-10-thang-tuoi-va-nhung-cot-moc-phat-trien-dang-luu-y-voh-2
Mẹ không nên bỏ qua giấc ngủ trưa của trẻ 10 tháng tuổi (Nguồn: Internet)

Mẹ có thể nhận thấy những dấu hiệu con đang mệt mỏi và buồn ngủ ở giai đoạn này như: ngáp, dụi mắt, đòi ôm mẹ hoặc ngủ gục khi đang chơi.

5. Những vấn đề cần lo lắng ở trẻ 10 tháng tuổi

Một số vấn đề mẹ cần lo lắng nếu bé đã được 10 tháng vẫn chưa đạt được. Chẳng hạn như:

  • Bé vẫn chưa biết bò hoặc lật.
  • Bé không có phản ứng khi ba mẹ trò chuyện với bé.
  • Bé không có phản ứng khi có những âm thanh bất ngờ.

6. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ 10 tháng tuổi

Ngay cả khi bé chưa biết nói, mẹ vẫn nên cho bé tham gia vào các cuộc trò chuyện thực tế. Điều này sẽ giúp kích thích sự phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của bé về sau.

Trẻ 10 tháng tuổi sẽ rất thích nghe nhạc, bất kỳ là loại nhạc nào. Vì thế, mẹ hãy thường xuyên mở nhạc cho bé nghe và cùng bé nhún nhảy theo điệu nhạc.

Đưa bé đi tiêm ngừa đầy đủ là cách tốt nhất để giúp bé tăng cường sức đề kháng. Ở giai đoạn này, bé sẽ cần tiêm nhiều loại vacxin, chẳng hạn như vacxin phòng viêm màng não mủ, hay vacxin ngừa bệnh quai bị, sởi, rubella...

Điều chỉnh lại khẩu phần ăn của trẻ nếu thấy bé có hiện tượng bị táo bón.

Không dùng kháng sinh cho trẻ khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.

Quan sát bé thường xuyên ở giai đoạn bé đang chập chững biết đi để tránh bé bị té ngã.

Nhìn chung, trẻ 10 tháng tuổi đã có những phản xạ và nhận thức riêng. Do đó, mẹ cần phải biết chăm sóc trẻ đúng cách để con yêu phát triển khỏe mạnh.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh