Trẻ 24 tháng tuổi cùng những mốc phát triển đáng nhớ

(VOH) – Các kỹ năng của trẻ vẫn sẽ tiếp tục khi trẻ được 2 tuổi. Cùng tìm hiểu xem khi bé 24 tháng tuổi, bé sẽ phát triển những kỹ năng của mình như thế nào nhé mẹ!

Trẻ 24 tháng tuổi được xem là một cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Bé sẽ thể hiện những kỹ năng về thể chất lẫn tinh thần một cách mạnh mẽ hơn.

1. Bé 24 tháng nặng bao nhiêu kg?

Trẻ 24 tháng tuổi tương đương bé yêu nhà mẹ đã được tròn 2 tuổi. Chỉ số cân nặng và chiều cao của bé ở thời điểm hiện tại sẽ nằm trong khoảng sau đây:

1.1 Bé trai

  • Cân nặng: từ 10.8 – 13.7kg, trung bình 12.2kg
  • Chiều cao: từ 82.1 – 87.8cm, trung bình 84.6cm

1.2 Bé gái

  • Cân nặng: từ 10.1 – 13.1kg, trung bình 11.5kg
  • Chiều cao: từ 80 – 92.9cm, trung bình 86.4cm

Trẻ 24 tháng tuổi các chỉ số cân cân nặng và chiều cao không có nhiều sự thay đổi so với tháng trước đó.

2. Bé 24 tháng tuổi biết làm gì?

Trẻ càng lớn các kỹ năng vận động, ngôn ngữ, giao tiếp của trẻ sẽ ngày càng có nhiều hơn. Dưới đây là những mốc quan trọng bé yêu của mẹ sẽ đạt được ở tháng thứ 24 này:

2.1 Phát triển vận động và thể chất

Ở tháng tuổi này các bé hầu như thích chạy nhiều hơn thích đi. Bé có thể chạy nhanh, đi thụt lùi, nhảy múa, lắc lư theo nhạc....Nếu như trước đây bé chỉ biết dùng tay và mắt, thì giờ đây bé đã có thể phối hợp được cả tay, chân và mắt.

tre-24-thang-tuoi-cung-nhung-moc-phat-trien-dang-nho-voh-0
Trẻ 24 tháng tuổi phát triển khả năng vận động khá tốt (Nguồn: Internet)

Các kỹ năng sẽ đạt được bao gồm:

  • Bé có thể chạy tốt
  • Biết tự đi lên-xuống cầu thang
  • Thích đá bóng
  • Có thể nhảy
  • Ném được đồ vật lên cao
  • Có thể xoay nắm cửa và bấm nút
  • Lật từng trang sách
  • Biết sử dụng muỗng và nĩa
  • Có thể xếp được các khối nhỏ
  • Vẽ các đường và nguệch ngoạc hình tròn

2.2 Kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ

Khả năng giao tiếp và nói của bé đã phát triển khá tốt. Bé có thể kể mẫu chuyện nhỏ, hát một bài hát bé thích nhưng với ngôn ngữ chưa rõ ràng. Bé cũng thích kết giao bạn bè và sẵn sàng chia sẻ đồ chơi với người khác nhưng vẫn khá khó khăn.

Một số kỹ năng về giao tiếp và ngôn ngữu bé sẽ đạt được là:

  • Nói hơn 50 từ và nhiều nhất là 100 từ
  • Sử dụng được các cụm từ đơn giản hoặc ghép 3 – 4 từ với nhau
  • Biết dùng tên để nói về bản thân thay cho từ “con”
  • Có thể hỏi “tại sao?”
  • Biết hát

Xem thêm: Giúp mẹ theo dõi sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 2 tuổi thông qua 25 từ ngữ cơ bản

2.3 Phát triển xã hội và tình cảm

Bướng bỉnh và lì lợm có thể là một trong những điểm nổi bật của bé trong giai đoạn này. Khi muốn một điều gì đó, bé có thể mè nheo, nhõng nhẽo hoặc ăn vạ để được mẹ đồng ý. 

Trẻ 24 tháng tuổi rất khó kiềm chế cơn nóng giận của mình và thường xuyên thay đổi cảm xúc nhanh chóng. Bé dễ nổi cáu, khó chịu nhưng ngay lập tức lại bình thường. Đây là giai đoạn mẹ cần hỗ trợ để điều chỉnh cảm xúc của con, những câu nói nhẹ nhàng vỗ về, an ủi sẽ giúp nâng đỡ mọi tình huống cảm xúc của bé.

Các mốc phát triển thường thấy ở trẻ giai đoạn này là:

  • Kiểm soát cảm xúc không tốt, dễ giận dữ nhưng lại nhanh chóng vui vẻ trở lại
  • Có thể sẽ thích ở cạnh mẹ hơn cha hoặc ngược lại
  • Thích thú khi được chơi cùng với những đứa trẻ khác
  • Thích bắt chước người lớn

2.4 Kỹ năng nhận thức

Lúc này, khả năng nhận thức của bé cũng đã đạt tới tầm cao mới, bé đã có thể hiểu được các cử chỉ thông thường của người xung quanh. Khả năng ghi nhớ của bé cũng tốt hơn các tháng trước.

Các cột mốc phát triển nhận thức ở trẻ 24 tháng tuổi là:

  • Có thể làm theo lệnh 2 bước (nhặt đồ chơi lên và đặt nó lên kệ)
  • Có thể gọi tên nhiều bộ phận cơ thể
  • Có thể nhớ được các hình ảnh trong một cuốn sách
  • Thích tham gia vào các trò chơi mang tính giả vờ, chẳng hạn như cho búp bê ăn, giả bộ nấu nướng....

3. Bé 24 tuổi chậm nói có sao không?

Rất nhiều trẻ 2 tuổi vẫn chưa biết nói, không chịu nói hoặc không có bất kỳ phản ứng nào với mọi âm thanh xung quanh. Đây được xem là một hiện tượng cho thấy trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Bé mắc bệnh tự kỷ
  • Bé bị trì trệ vùng ngôn ngữ trên não bộ
  • Bé bị bệnh bại não
  • Bé chậm phát triển trí tuệ
tre-24-thang-tuoi-cung-nhung-moc-phat-trien-dang-nho-voh-1
Trẻ 24 tháng tuổi có thể bị chứng chậm nói (Nguồn: Internet)

Đây đều là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Chính vì thế, nếu bé của mẹ đã được 2 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói thì mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp nhất.

Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói và cách khắc phục hiệu quả nhanh

4. Chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ trẻ 24 tháng tuổi

4.1 Chế độ dinh dưỡng

Khi trẻ được 24 tháng tuổi, mẹ vẫn phải cho trẻ ăn đủ 3 bữa một ngày. Bé ở giai đoạn này có thể bị biếng ăn hoặc chán ăn, vì thế, mẹ nên chú ý tập trung cho bé ăn các thực phẩm lành mạnh như:

  • Bánh mì, ngũ cốc, gạo, mì ống
  • Các loại rau củ quả
  • Thực phẩm giàu protein
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa

Ngoài ra, trẻ thường sẽ có xu hướng ăn những món ăn quen thuộc và không có hứng thú với những thức ăn lạ. Vì thế, khi muốn trẻ trải nghiệm những món ăn mới, cha mẹ nên cho trẻ lượng từ ít đến nhiều, thỉnh thoảng đến thường xuyên để tránh trẻ không chịu hợp tác hoặc bị dị ứng thức ăn.

4.2 Giấc ngủ của bé

Hầu hết trẻ 24 tháng tuổi đều sẽ ngủ khoảng 11 – 12 tiếng vào ban đêm và thêm một giấc ngủ ngắn khoảng 1 tiếng vào ban ngày. Tuy nhiên, các bé thường sẽ không chịu ngủ đúng giờ, vì thế, mẹ cần đặt ra một số nguyên tắc để giúp con ngủ đúng giờ, chẳng hạn như:

  • Đặt ra thời gian ngủ và thức dậy cho bé
  • Không cho trẻ chơi các trò chơi la hét, chạy nhảy nhiều trước khi ngủ
  • Nói chuyển, kể chuyện cho bé nghe sẽ giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ
  • Tắt hết các thiết bị chiếu sáng khi đến thời gian cho bé ngủ.

5. Dạy trẻ 24 tháng tuổi những gì?

Trẻ 24 tháng tuổi cần được xây dựng một số thói quen trong sinh hoạt, vui chơi giải trí.

5.1 Tập cho trẻ ngồi bô khi đi vệ sinh

Khi bé được 2 tuổi, mẹ nên tập cho bé ngồi bô khi bé muốn đi vệ sinh. Mặc dù thời gian đầu sẽ có một chút khó khăn nhưng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ khi bé được 27 – 32 tháng.

5.2 Dạy trẻ vệ sinh

tre-24-thang-tuoi-cung-nhung-moc-phat-trien-dang-nho-voh-2
Vệ sinh răng miệng cho trẻ 24 tháng tuổi rất quan trọng (Nguồn: Internet)

Vệ sinh răng miệng cho bé luôn là vấn đề mẹ cần đặc biệt chú ý để tránh tình trạng bé bị sâu răng hoặc các vấn đề răng miệng khác.

Xem thêm: Dạy trẻ đánh răng đúng cách qua 7 bước đơn giản, giúp bé giữ gìn vệ sinh răng miệng

5.3 Khuyến sự phát triển toàn diện của trẻ

Mẹ có thể giúp trẻ phát triển tốt các kỹ năng của mình bằng cách:

  • Đọc sách cho trẻ nghe, khi đọc tới đồ vật nào đó hãy khuyến khích trẻ chỉ vào chúng
  • Hát cho trẻ nghe những bài hát vui vẻ
  • Có thể giới thiệu ngôn ngữ thứ 2 cho trẻ nếu được sử dụng trong gia đình
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ để chống lại một số bệnh thường gặp

6. Khi nào nên đưa bé đến gặp bác sĩ?

Mọi đứa trẻ đều phát triển theo tốc độ của riêng mình, nhưng nếu bé yêu của mẹ có một số dấu hiệu sau đây, chứng tỏ bé có thể bị chậm phát triển. Mẹ cần đưa bé đưa bé đến gặp bác sĩ:

  • Bé không chạy hoặc luôn đi với những ngón chân căng cứng
  • Không nói được hoặc có thể phát ra nguyên âm nhưng không có phụ âm.
  • Không thể hiện cảm xúc (buồn, vui, thất vọng, phấn khích)
  • Không tham gia vào các trò chơi với bạn bè cùng trang lứa
  • Hạn chế hoặc không có những sự giao tiếp bằng mắt.

Sinh nhật 2 tuổi của bé là một cột mốc cho thấy bé thực sự đã “trưởng thành” và độc lập trong suy nghĩ cũng như vận động. Hy vọng với những thông tin chia sẻ sẽ giúp mẹ hiểu hơn về sự phát triển của con cũng như biết cách chăm sóc bé phù hợp.