Trẻ ăn dặm bị dị ứng thức ăn và cách xử trí

(VOH) – Trẻ ăn dặm bị dị ứng thức ăn không phải chuyện hiếm gặp. Chính vì thế, làm thế nào để có thể nhận diện và xử trí nhanh nhất tình trạng này là điều cha mẹ cần quan tâm.

Dị ứng là một phản ứng bất thường hay phản ứng quá mẫn của cơ thể với một chất nào đó. Người ta gọi những phản ứng khác nhau gây ra do hệ miễn dịch phản ứng quá mức khi ăn một loại thức ăn đặc biệt nào đó như trứng, sữa bò.... là dị ứng thức ăn (dị ứng thực phẩm).

1. Giai đoạn nào trẻ ăn dặm dễ bị dị ứng thức ăn?

Trẻ từ 0 – 1 tuổi là độ tuổi dễ xuất hiện chứng dị ứng thức ăn, chiếm tỷ lệ nhiều nhất, đến khi trẻ được 3 tuổi khả năng bị dị ứng thức ăn chiếm khoảng 60%. Sau đó, càng lớn tuổi thì khả năng bị dị ứng càng giảm.

tre-an-dam-bi-di-ung-thuc-an-va-cach-xu-tri-voh
Trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi là đối tượng rất dễ bị dị ứng thức ăn (Nguồn: Internet)

Trước đây, các chuyên gia đinh dinh dưỡng thường khuyên cha mẹ nên chờ đến khi con được 1 tuổi mới nên tập ăn dặm, vì nếu bé ăn sớm quá có thể bị dị ứng với các loại thực phẩm nguy cơ cao như trứng, đậu phộng, các loại đậu, cá và động vật có vỏ...

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã phát hiện nếu ăn dặm trễ trẻ có thể sẽ bị thiếu hụt dưỡng chất gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về sau này. Chính vì thế, trẻ đủ 6 tháng tuổi chính là thời điểm tốt nhất để tập ăn dặm.

Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi cần có gì?

2. Cách xử trí khi trẻ ăn dặm bị dị ứng thức ăn

Trẻ có thể bị dị ứng thức ăn ở bất giai đoạn nào trong độ tuổi ăn dặm, thường gặp nhất ở các bé 6 tháng tuổi, 7 tháng tuổi, 8 và 9 tháng tuổi. Nguyên nhân là do, trẻ ở độ tuổi này đã có thể ăn được đa dạng nhiều loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, đậu phộng,....

Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện bị dị ứng thức ăn mẹ cần phải thật bình tĩnh và áp dụng ngày các phương pháp xử trí cơ bản sau đây:

2.1 Không loại bỏ thực phẩm do phán đoán của cha mẹ

Việc loại bỏ một thực phẩm nào đó chỉ vì phán đoán không căn cứ của người lớn sẽ dẫn đến bé bị thiếu dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé sau này.

tre-an-dam-bi-di-ung-thuc-an-va-cach-xu-tri-1voh
Không tự ý loại bỏ thực phẩm ăn dặm của trẻ vì sẽ khiến cơ thế bé thiếu hụt dưỡng chất (Nguồn: Internet)

2.2 Đưa bé đi khám bác sĩ

Một số trường hợp dị ứng thức ăn ở trẻ không thể kiểm tra được chính xác bằng các xét nghiệm thông thường. Vì thế, tốt nhất là cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu thấy trẻ có biểu hiện dị ứng thức ăn.

2.3 Sử dụng thực phẩm điều trị dị ứng thức ăn

Một vài trường hợp trẻ bị ứng thức ăn trong giai đoạn ăn dặm sẽ được cải thiện khi lớn lên do khả năng miễn dịch tốt. Vì thế, sử dụng thực phẩm điều trị dị ứng hay các thực phẩm thay thế cũng là một cách trị liệu tốt. Tuy nhiên, cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Xem thêm: Cho trẻ ăn dặm và 12 vấn đề thường gặp

3. Bí quyết giúp trẻ ăn dặm tránh bị dị ứng thức ăn

Rất nhiều cha mẹ khi tập cho bé ăn dặm thường dùng các loại thực phẩm truyền thống như ngũ cốc cho trẻ sơ sinh hoặc các món ăn đơn giản nhằm tránh dị ứng thức ăn.

Những món ăn này cũng rất tốt cho trẻ, nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ thiếu hụt dưỡng chất do không đa dạng về dinh dưỡng, đồng thời còn khiến khó tiếp nhận các loại thực phẩm có hình dạng và mùi vị khác.

Vì thế, nếu muốn trẻ không bị dị ứng thức ăn trong giai đoạn ăn dặm, mẹ nên áp dụng các phương pháp sau:

3.1 Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm ngay từ đầu

Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm ngay từ đầu sẽ giúp cơ thể bé nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.

Giai đoạn đầu tập ăn dặm, mẹ có thể có ăn với những thực phẩm không gây dị ứng như rau, trái cây, bột ngũ cốc... để xem cơ thể bé có bất kỳ phản ứng nào hay không. Nếu bé không dị ứng, mẹ có thể chuyển sang các thực phẩm có thể gây dị ứng, chẳng hạn như cá và trứng.

tre-an-dam-bi-di-ung-thuc-an-va-cach-xu-tri-2-voh
Món ăn dặm cho trẻ nên đa dạng ngay từ đầu (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Mỗi lần tập cho bé ăn dặm một món ăn mới, hãy cho bé ăn từng chút một, ăn liên tục 2 – 3 ngày và xem xét phản ứng từ cơ thể bé.

3.2 Xác định thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao ở trẻ

Không cho bé ăn một lượt nhiều loại thực phẩm mới lạ, vì nó sẽ khiến mẹ khó xác định loại thực phẩm khiến bé bị dị ứng.

Các loại thực phẩm thường có nguy cơ cao gây dị ứng ở trẻ là:

  • Sữa bò và các sữa phẩm từ sữa khác
  • Trứng
  • Lúa mì
  • Đậu nành
  • Quả hạch
  • Hạt mè
  • Động vật có vỏ.

3.3 Một số trường hợp cần lưu ý khi cho con ăn dặm

Nếu cha/mẹ hoặc anh chị ruột của bé có tiền sử về dị ứng (bao gồm sốt cao, chàm, bệnh hen suyễn hoặc dị ứng thức ăn) thì có nhiều khả năng bé cũng sẽ bị dị ứng. Trong trường hợp này, cha mẹ cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia về dị ứng trước khi cho bé bắt đầu ăn dặm.

Ngoài ra, một số triệu chứng được xem là biểu hiện của tình trạng dị ứng thức ăn mà mẹ cần lưu ý là:

  • Phát ban, đặc biệt là xung quanh miệng
  • Sưng môi, mắt và mặt
  • Sổ mũi
  • Chảy nước mắt
  • Nôn và tiêu chảy
  • Bệnh chàm nặng hơn
  • Đau bụng
  • Bị táo bón
  • Khóc không rõ nguyên nhân

Đặc biệt, nếu em bé của mẹ bị khó thở, da dẻ trở nên xanh xao hoặc mất ý thức, hãy nhanh chóng đưa bé đến viện càng sớm càng tốt.

Trên đây là những chia sẻ về tình trạng trẻ ăn dặm bị dị ứng thức ăn, cách xử trí và bí quyết giúp hạn chế tình trạng này. Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp mẹ có được kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc cũng như tập cho con ăn dặm.

Xem thêm