Trẻ mắc bệnh cúm nên ăn gì cho nhanh khỏi?

(VOH) - Trẻ em được xem là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm khá cao. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, trẻ mắc bệnh cúm nên ăn gì để tăng thêm sức đề kháng và mau chóng khỏe lại?

Bình thường trẻ rất hiếu động và ham vui chơi, tuy nhiên khi bị bệnh cúm, bé sẽ cảm thấy mệt mỏi cũng như lười ăn hơn. Vậy có những món ăn nào trẻ cần ăn và cần tránh khi bị bệnh cúm hay không? Cùng tham khảo một số gợi ý dưới đây.

1. Trẻ mắc bệnh cúm nên ăn gì? 

Để con cảm thấy hứng thú hơn trong bữa ăn và nhanh chóng phục hồi, cùng với việc nấu những món ăn con ưa thích, mẹ hãy tăng cường thêm các thực phẩm giúp cải thiện sức đề kháng. 

1.1. Cháo thịt bằm 

Bệnh cúm ở trẻ khiến cơ quan tiêu hóa của trẻ sẽ hoạt động kém hơn, chính vì vậy ăn cháo giúp con không cảm thấy đầy bụng, khó tiêu và nhanh chóng lại sức. 

Khi nấu cháo cho bé mẹ có thể thêm cà rốt, nấm hoặc nếu bé có thể ăn được cay nhẹ hãy cho thêm ít lá tía tô. Để món cháo thêm thơm ngon, mẹ có thể rang gạo trước khi nấu. 

1.2. Yến mạch

Trẻ rất dễ rơi vào tình trạng biếng ăn nếu bị bệnh. Có thể ăn cháo nhiều khiến bé ngán, mẹ hãy thử chuyển sang yến mạch. Đây được coi là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, bổ sung chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn. 

Đặc biệt, vitamin D có trong yến mạch rất tốt cho trẻ bị bệnh cúm vì đây là loại vitamin tan trong chất béo, giúp tăng cường sức đề kháng.

voh.com.vn-tre-bi-cam-cum-0

Yến mạch bổ sung vitamin D cho trẻ bị cúm (Nguồn: Internet) 

1.3. Mật ong

Mật ong pha với nước ấm là một bài thuốc trị bệnh cúm rất hữu hiệu, làm dịu cơn ho, giảm bớt tắc nghẽn và trị nghẹt mũi. Mật ong hữu cơ chứa đầy đủ các chất, enzyme giúp tăng cường tiêu hóa, vitamin, khoáng chất có khả năng chống lại các vi khuẩn trong cơ thể. 

1.4. Cam

Loại quả thân thuộc này cung cấp thêm cho trẻ rất nhiều vitamin C, hỗ trợ phục hồi hệ miễn dịch nhanh chóng. Hơn nữa, lượng đường fructoza và 85% lượng nước có trong cam sẽ nhanh chóng được cơ thể hấp thụ, tránh tình trạng mất nước. 

Xem thêm: Những lý do tuyệt vời để bạn ăn cam mỗi ngày

1.5. Chuối

Hàm lượng kali có trong chuối sẽ bù đắp lại sự thiếu hụt vitamin trong cơ thể bé, bổ sung chất điện giải bị mất và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm tình trạng tiêu chảy. 

1.6. Rau xanh

Rau xanh vốn là một thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn, khi bị cúm, mẹ cần khuyến khích bé ăn nhiều rau hơn nữa. Vitamin C, E và chất xơ do rau cung cấp sẽ kích thích bé ăn ngon miệng hơn, mau hồi phục sức khỏe. 

1.7. Các loại hạt

Các loại hạt như đậu xanh, đậu đen, đậu lăng, …là các nguồn cung cấp protein và chất béo thực vật có lợi cho cơ thể. 

Loại chất béo này sẽ giúp da và màng nhầy khỏe mạnh, tránh được sự tấn công của vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Đồng thời cung cấp các khoáng chất như selen, vitamin D, kẽm để duy trì và tăng cường hệ miễn dịch.

Xem thêm: 8 tác dụng của các loại đậu mang lại cho sức khỏe bạn đã biết chưa?

1.8. Sữa chua

Sữa chua (đặc biệt là sữa chua không đường) đem đến cho cơ thể hàm lượng men probiotic rất có lợi cho việc vận hành đường tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, thành phần carbonhydrat có trong loại sữa này sẽ bổ sung thêm cho bé năng lượng, để bé cảm thấy khỏe khoắn hơn. 

Mẹ có thể cho bé ăn thêm sữa chua sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút, một ngày dùng từ 1-2 hộp là hiệu quả nhất.

2. Trẻ mắc bệnh cúm không nên ăn gì?

Khi không may mắc bệnh cúm, bố mẹ hãy động viên và khuyên trẻ hạn chế ăn những thực phẩm ảnh hưởng đến quá trình chữa trị bệnh.

2.1. Đồ ngọt

voh.com.vn-tre-bi-cam-cum-1

Hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo, đồ ngọt (Nguồn: Internet)

Bánh kẹo, nước ngọt, đồ uống có ga tuy là các món “khoái khẩu” của trẻ, nhưng khi bị bệnh cúm, bố mẹ tránh để con ăn quá nhiều. 

Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng tiêu thụ quá nhiều đường có thể ức chế khả năng chống nhiễm trùng của bạch cầu và làm tăng nồng độ các chất gây viêm trong cơ thể, làm tình trạng bệnh trở nặng và kéo dài.

2.2. Thức ăn nhanh

Các món ăn nhanh như hamburger, khoai tây chiên, pizza thường chứa nhiều chất béo không tốt cho cơ thể, khó tiêu hóa. Vì thế, tiêu thụ chúng có thể gây ra đau bụng, bé sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi hơn. 

2.3. Thực phẩm có nhiều muối

Hạn chế ăn những món có chứa nhiều muối, vì sẽ khiến trẻ dễ bị khát nước, dẫn đến làm giảm lượng Lysozyme trong nước bọt, làm gia tăng vi khuẩn trong miệng và khiến họng bị viêm nặng hơn.

Có rất nhiều loại cúm khác nhau và diễn biến khó lường đối với các bé, vì thế bố mẹ nên chăm sóc và chú ý những thay đổi bất thường với cơ thể của con, để có thể kịp thời đưa bé tới các cơ sở y tế thăm khám và điều trị.