Trẻ mấy tháng ăn được tôm, hàu, cua và các loại hải sản khác?

(VOH)  – Trẻ mấy tháng ăn được tôm, hàu, cua ghẹ...và các loại hải sản nói chung là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Bởi ăn hải sản không đúng cách, liều lượng và thời điểm có thể sẽ gây ra dị ứng ở trẻ.

Tôm, cua, ghẹ, hàu.... và các loại hải sản nói chung là một nguồn cung cấp nhiều dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không giống như các loại thực phẩm cho trẻ ăn dặm khác, với hải sản mẹ không nên cho trẻ ăn một cách tùy tiện mà cần tìm hiểu kỹ để tránh dị ứng hải sản cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác.

1. Trẻ mấy tháng ăn được tôm, cá, cua, hàu… ?

Theo Ths.BS Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cha mẹ có thể cho bé ăn cá thịt trắng ở dạng bột sệt hoặc nghiền nhuyễn ngay từ khi bé được 6 tháng tuổi hoặc khi bé bắt đầu tập ăn dặm.

Với các loài hải sản có vỏ như tôm, cua, hàu... trẻ có thể tập ăn từ tháng thứ 7 trở về sau, để tránh tình trạng trẻ bị dị ứng với thành phần đạm bên trong các loại hải sản.

tre-may-thang-an-duoc-tom-hau-cua-va-cac-loai-hai-san-khac-voh
Trẻ trên 7 tháng tuổi mẹ có thể cho bé tập ăn hải sản (Nguồn: Internet)

Khi cho trẻ ăn hải sản nói chung, đặc biệt là tôm, cua, hàu, mẹ cần cho trẻ ăn từ từ, từng ít một để trẻ thích nghi dần và quan sát phản ứng của trẻ sau khi ăn. Ở trẻ có cơ địa dị ứng thì mẹ cần phải thận trọng hơn khi tập cho bé ăn hải sản.

1.1 Những loại hải sản trẻ có thể ăn

Hầu hết các loại hải sản đều giàu canxi (nhất là các loại cá nhỏ ăn được cả xương) nên sẽ rất tốt cho sự phát triển hệ xương và răng của trẻ.

Dưới đây là danh sách những loại hải sản mẹ có thể thêm vào thực đơn dinh dưỡng cho trẻ.

Trong số các loại thủy hải sản, cá là loại thực phẩm tuyệt vời đối với sức khỏe do chứa nhiều đạm có giá trị sinh học cao với tỷ lệ cân đối, phù hợp với cơ thể người. Cá cũng giàu chất béo không no omega-3 giúp tạo màng tế bào thần kinh và có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch.

Ngoài ra, gan cá cũng chứa nhiều vitamin A và D. Do đó, ăn cá ít nhất 3 lần/tuần sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Những loại cá biển mẹ nên cho trẻ ăn là cá hồi, các thu, cá ngừ, cá basa...

Hàu

Hàu là một trong những loại hải sản rất giàu kẽm, là thành phần của hơn 300 enzym bên trong cơ thể, cũng là chất cần thiết để trẻ tăng trưởng và để phát triển hệ sinh dục.

tre-may-thang-an-duoc-tom-hau-cua-va-cac-loai-hai-san-khac-1-voh
Cháo hàu là món ăn dặm khá quen thuộc trong bữa ăn của bé (Nguồn: Internet)

Tôm

Nói về nguồn thực phẩm giàu canxi và đạm, không thể không nhắc đến tốm. Trong 100g tôm sú chứa đến 2000mg canxi, có lợi cho sự phát triển của xương. Trẻ từ tháng 7 trở đi, mẹ có thể cho bé ăn tôm sú, tôm biển để bổ sung canxi cho bé phát triển.

Cua đồng

Cua đồng là một trong những nguồn cung cấp hàm lượng canxi dồi dào, hơn cả tôm. Trong 100g cua đồng chứa hơn 5000 mg canxi và nhiều chất dinh dưỡng khác tốt cho sức khỏe. Vì vậy, trẻ sau tháng 7 nên được ăn cua đồng thường xuyên để cung cấp đủ lượng canxi cho cơ thể.

Ngoài ra, các loại hải sản có vỏ như ngao, hến, trai.... cũng có thể chế biến thành  món ăn dặm cho bé ăn khi bé được 1 tuổi, bởi chúng chứa nhiều kẽm – một vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với trẻ.

Xem thêm: Trẻ ăn dặm bị dị ứng thức ăn và cách xử trí

1.2 Những loại hải sản trẻ không nên ăn

Phần lớn các loài thủy, hải sản chứa nhiều nguồn dinh dưỡng cực kỳ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có một số loài thủy, hải sản lại ẩn chứa nguy cơ xấu đối với sức khỏe. Chính vì thế, chúng thường được xếp vào nhóm không có lợi cho sức khỏe và cần tránh ăn.

Một loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân và các chất ô nhiễm cao mẹ không nên đưa vào thực đơn ăn dặm của trẻ đó là:

  • Cá mập
  • Cá kình
  • Cá lưỡi kiếm (cá cờ)
  • Cá thu lớn
  • Cá ngừ lớn

Ngoài, ra, khi chọn hải sản cho bé ăn dặm, mẹ nên chọn loại còn tươi, không nên mua hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc thức ăn cho bé.

2. Cách chế biến hải sản như thế nào mới đúng?

Hải sản nếu không được chế biến đúng cách có thể gây ra nhiều bất lợi cho cơ thể của bé. Các loại hải sản chế biến chưa chín hẳn như các loại gỏi cá sống, hàu sống, sò, mực nướng... có thể ẩn chứa vi trùng và ký sinh và là nguyên nhân gây ra các trường hợp nhiễm trùng đường ruột.

Ngoài ra, một số loại hải sản còn có khả năng nhiễm kim loại nặng như thủy ngân, vô cùng độc hại với sức khỏe của trẻ.

Do đó, khi chế biến món ăn dặm cho bé, mẹ nên chú ý trong cách sơ chế và nấu nướng thực phẩm. Cụ thể:

  • Trẻ còn trong giai đoạn ăn bột và cháo, tốt nhất là xay hoặc nghiền nhỏ cá, tôm để nấu. Cá đồng có nhiều xương, nên luộc chín cá và gỡ hết xương. Nếu cá biển nạc có thể xay sống như xay thịt rồi cho vào nấu bột, nấu cháo cho bé.
tre-may-thang-an-duoc-tom-hau-cua-va-cac-loai-hai-san-khac-2-voh
Chỉ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn đã chế biến chín (Nguồn: Internet)
  • Cua đồng nên giã cua nhuyễn rồi lọc lấy nước để nấu bột, cháo.
  • Các loại tôm to thì bóc vỏ, sau đó xay hoặc băm nhỏ, với tôm quá nhỏ có thể giã và lọc lấy nước như nấu bột cua.
  • Các loại hải sản có vỏ thì luộc chín lấy nước nấu cháo/ bột. Thịt xay băm nhỏ cho vào cháo, bột.

Trẻ từ 3 tuổi trở lên, ngoài ăn các loại cháo, mỳ, miến... nấu với hải sản, mẹ có thể cho bé ăn hải sản ở dạng luộc, hấp như cua luộc, ghẹ hấp...

Xem thêm: Nêm gia vị cho bé ăn dặm như thế nào để đảm bảo an toàn sức khỏe?

3. Trẻ ăn hải sản bao nhiêu là đủ?

Khi cho bé ăn hải sản, mẹ có thể chia ra từ 1 – 2 bữa mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy theo tháng tuổi của con, lượng ăn mỗi bữa sẽ có sự khác nhau:

  • Trẻ từ 7 – 12 tháng: Mỗi bữa có thể ăn khoảng 20 – 30g thịt cua, cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ, nấu với bột, cháo). Mỗi ngày có thể ăn 1 bữa, tối thiểu ăn 3 – 4 bữa/tuần.
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: Mỗi ngày ăn 1 bữa hải sản nấu với cháo hoặc ăn mỳ, bún, súp... Mỗi bữa ăn 30 – 40g thịt hải sản.
  • Trẻ từ 4 tuổi trở lên: Có thể ăn 1 – 2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50 – 60g thịt của hải sản. Nếu ăn ghẹ có thể ăn 1/2 con/bữa, tôm to có thể ăn 1 – 2 con/bữa (100g cả vỏ).

4. Một số lưu ý cần nhớ khi cho trẻ ăn hải sản

Khi muốn nấu các món ăn có hải sản vào trong bữa ăn của trẻ ăn dặm, mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Không cho trẻ ăn hoa quả ngay sau khi ăn hải sản, bởi có thể làm giảm đi những nguồn dưỡng chất phong phú như đạm, canxi... thậm chí có thể gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
  • Nếu gia đình có tiền sử dị ứng hải sản, hãy tập cho trẻ ăn thực phẩm này muộn hơn một chút, có thể sau 2 tuổi. Khi cho trẻ ăn, hãy quan sát phản ứng từ cơ thể trẻ.
  • Không nên cho bé thử ăn các loại hải sản lạ.
  • Hạn chế cho trẻ ăn các loại hải sản chiên, bởi dầu mỡ có thể khiến hàm lượng chất dinh dưỡng bị suy giảm và sản sinh ra peroxit lipid không tốt cho sức khỏe.

Như vậy, với những lợi ích về mặt dinh dưỡng thì các loại hải sản như tôm, cua, hàu, ghẹ, cá.... là những thực phẩm cần thiết và tốt cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm. Điều duy nhất mà mẹ cần nhớ là: cho trẻ ăn hải sản đúng thời điểm, tập trẻ ăn từng ít một, chọn hải sản tươi ngon, chế biến kỹ càng để đảm bảo an toàn sức khỏe của bé.