80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2020)

(VOH) - 80 năm đã qua nhưng tinh thần anh dũng, bất khuất của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngược dòng lịch sử, vào tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9/1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây Nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ bảy (khóa I), từ ngày 06 đến ngày 08/11/1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn, Gia Ðịnh) nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy, phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc.

Nhân dân Nam Bộ vùng lên đấu tranh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (Tranh vẽ- Ảnh TLBTLSQG)

Nhân dân Nam Bộ vùng lên đấu tranh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (Tranh vẽ- Ảnh TLBTLSQG)

Tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ ra Đề cương chuẩn bị bạo động. Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo Nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Ðến giữa tháng 11/1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Chỉ trong một thời gian ngắn, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương. Các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn. Mít tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra. Tuy nhiên, vì kế hoạch khởi nghĩa bị địch biết trước nên chúng lùng sục bắt bớ, giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến. Dù vậy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940.

Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường... Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình.

Thực dân Pháp khủng bố khốc liệt, càn quét các vùng khởi nghĩa, tiêu diệt chính quyền cách mạng, cho máy bay dội bom xuống làng mạc, thôn xóm. Tính từ ngày 22/11 đến ngày 31/12/1940, thực dân Pháp gây ra hơn 5.000 vụ bắt bớ; hàng ngàn người bị xử tử, tù đày, tra tấn vô cùng tàn bạo. Tháng 12/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp ở Gia Định quyết định rút lui cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.

Mặc dù diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867 đến thời điểm đó. Tuy thất bại nhưng qua cuộc khởi nghĩa, nhiều cán bộ của Đảng được rèn luyện, thử thách. Từ đây, có hàng vạn quần chúng Nhân dân yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục đi theo Ðảng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.

Kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra vào thời điểm toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của Cuộc khởi nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, các ngành đang nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Tuy không giành được thắng lợi nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ như bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, khẳng định niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng. Thời gian đã lùi xa, nhưng giá trị và tầm vóc của cuộc khởi nghĩa còn mãi với lịch sử dân tộc.