Nam Bộ kháng chiến 23/9: 'Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...'

(VOH) - Chỉ 21 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai sinh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã tấn công chính quyền cách mạng non trẻ tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến xâm lược lần thứ hai.

Sau ngày lễ Độc lập 2/9, các địa phương ở miền ra sức củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang. Lâm ủy hành chính Nam Bộ được đổi thành Ủy ban Nhân dân Nam Bộ. Ở Sài Gòn, có lực lượng vũ trang của Tổng công đoàn Nam Bộ, Cộng hòa Vệ binh...

Ðêm 4/9/1945, các đơn vị vũ trang công nhân tổ chức mít-tinh tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc với tinh thần: "Không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước hiểm nguy để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông".

Bên cạnh các đội vũ trang công nhân trong nội thành, nhiều nhóm vũ trang nhỏ lẻ, thành phần chủ yếu là nông dân ở vùng ngoại thành và tỉnh ven Sài Gòn như: ở Hóc Môn, Bà Ðiểm, Gò Vấp, Thủ Ðức, Dĩ An,.Ðức Hòa, Cần Giuộc.. Các đội Xung phong công đoàn và nhóm vũ trang này là lực lượng vũ trang nòng cốt tại chỗ của Sài Gòn-Gia Ðịnh trong những ngày đầu giành được độc lập. Ngoài ra, còn có các đơn vị vũ trang khác, hình thành trong những bối cảnh khác nhau.

Sáng 23/9/1945, quân Pháp đã bất ngờ nổ súng đánh chiếm một số công sở của ta ở thành phố Sài Gòn, một lần nữa mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tại nhiều địa điểm trong thành phố, các đơn vị vũ trang và đồng bào ta chiến đấu quyết liệt, ngăn chặn bước tiến của quân thù. Tại nội thành Sài Gòn có 6.000 đoàn viên công đoàn xung phong, 2.000 thanh niên xung phong và công an xung phong, chia thành 320 đội tự vệ chiến đấu và một số tiểu đoàn Cộng hòa vệ binh tuần tra canh gác công sở.

Tuy mới hình thành, tổ chức còn phân tán, trang bị thô sơ, song với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, các đơn vị vũ trang Nam Bộ đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến – Hình tư liệu

Ngay sáng 23/9, khi địch vừa tấn công, Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam Bộ họp tại một ngôi nhà trên đường Cây Mai (nay là đường Hàm Nghi) quyết định phát động lực lượng vũ trang và nhân dân kiên quyết chống trả bọn thực dân Pháp xâm lược và điện gấp ra miền Bắc xin chỉ thị. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Ðảng nhất trí với quyết tâm của Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp và kêu gọi các địa phương trong cả nước chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ, đồng thời quyết định thành lập các đơn vị Giải phóng quân Nam tiến vào nam sát cánh cùng quân dân Nam Bộ chiến đấu.

Ngay lập tức, nhiều tỉnh ở Nam Bộ đã nhanh chóng gửi lực lượng đoàn viên, thanh niên, tự vệ xung kích… về góp sức với nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiều 23/9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Đến đêm 23/9 công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn đã cắt toàn bộ điện, nước… Trên khắp các đường phố đều dựng các chướng ngại vật, ụ chiến đấu.

Tất cả mọi thứ đồ vật được trưng dụng như: bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe và những vật dụng cồng kềnh đều được người dân khuân ra đường dựng lên các chướng ngại vật để cản bước tiến của quân địch. Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Hàng trăm xí nghiệp và công sở, hàng chục kho tàng, bến bãi…bị phá hủy, không để rơi vào tay Pháp. Nhiều máy móc, dụng cụ được công nhân và nhân dân thành phố chuyển ra ngoài, thành lập 2 công xưởng để sản xuất vũ khí đánh địch.  

Tinh thần chiến đấu bùng lên khắp nơi trong thành phố.

Cả Sài Gòn vào trận trong tiếng ca vang hào hùng bài “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn, ngày nay vẫn còn nghe như lời kêu gọi cứu quốc: "Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền. Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước….". Bài hát đi vào lòng hàng triệu người Nam bộ, trở thành dấu ấn cách mạng không thể quên. 

Ngày 26/9, các đơn vị vũ trang của ta đánh chặn đoàn xe địch ở Bình Ðức và tập kích ngã ba Nhà Làng. Tiếp đó, ngày 27/9, tổ chức đánh địch ở Thị Nghè, Cầu Quay. Những ngày cuối tháng 9, ta tiếp tục tập kích địch trên đường Ca-ti-na (đường Đồng khởi ngày nay) và nhiều nơi khác.

Ủy ban kháng chiến Nam Bộ chia Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định thành 5 mặt trận: Mặt trận Nội thành và 4 mặt trận xung quanh nội đô: Thị Nghè; Bà Điểm - Tham Lương; Phú Lâm; Nhà Bè - Cần Giuộc. Mỗi mặt trận bố trí các đơn vị vũ trang, được bổ sung quân số và trang bị thêm vũ khí, chuẩn bị mọi mặt, phối hợp chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân sẵn sàng nổi dậy.

Ở nội thành, chiến lũy được lập nên khắp các phố phường. Các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập. Chỉ trong thời gian ngắn, ta tổ chức 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí 16 khu vực tác chiến trong thành phố. Chiến sự lan rộng ra vùng ngoại ô với nhiều trận đánh diễn ra quyết liệt. Trong một tuần, các đội cảm tử, đội tự vệ, công nhân xung phong đã phá hủy, phá hỏng 160 nhà kho, xí nghiệp, 80 tàu xuồng, 200 xe hơi, 20 đầu máy xe lửa, vây hãm quân địch trong thành phố…

Bị bao vây chặt trong thành phố, quân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn: không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm… và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt. Chúng buộc phải tìm cách hoãn binh, nhờ phái bộ Anh xin điều đình với Ủy ban kháng chiến Nam bộ để kéo dài thời gian chờ viện binh tới. Mặc dù biết rõ kế hoãn binh của địch, nhưng để biểu thị lập trường chính nghĩa, Chính phủ lâm thời ta cử đại diện đàm phán với Pháp.

Ngày 2/10, Pháp đưa thêm quân sang và ngày 5/10, Trung tướng Philippe Leclerc,Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp ở Ðông Dương tới Sài Gòn. Sau ba lần gặp gỡ, cuộc đàm phán hai bên không đạt kết quả. Tướng Leclerc vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng tiến công phá vòng vây quanh Sài Gòn và đánh ra các tỉnh lân cận. Sau khi được tăng cường lực lượng, từ cuối tháng 10/1945, địch bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch phá vây, mở rộng đánh chiếm ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Từ đây, cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ chuyển sang giai đoạn mới.

Lịch sử trong tháng đầu kháng chiến của quân và dân Sài Gòn là lịch sử chuẩn bị và xác định quyết tâm kháng chiến ngay khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp vừa nổ ra. Đó là lịch sử phát động một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, dưới nhiều hình thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và là lịch sử cuộc chiến đấu quyết liệt ghìm chân địch để chuẩn bị thực lực cách mạng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Sau hơn một tháng chiến đấu, lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn-Gia Ðịnh được các tỉnh lân cận hỗ trợ, đã chiến đấu dũng cảm, ghìm chân địch trong thành phố, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, tạo điều kiện cho quân  dân Nam Bộ và cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Phát huy tinh thần chiến đấu của các đơn vị vũ trang Sài Gòn-Gia Ðịnh, lực lượng vũ trang các tỉnh Nam Bộ đã chiến đấu dũng cảm, ngăn chặn địch khi chúng đánh rộng ra vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trên cả nước đã khẩn trương chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kháng chiến.

Sôi nổi, rầm rộ là phong trào Nam tiến, hầu hết mỗi tỉnh ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, tổ chức từ một đến hai chi đội, tiêu biểu là các chi đội Nam Long, Vi Dân, Bắc Bắc, Thu Sơn, Hùng Việt... lần lượt hành quân vào Nam chiến đấu. Ðồng thời, kiều bào ta ở Thái-lan, Cam-pu-chia, Lào cũng tổ chức các chi đội hải ngoại mang những tên Ðộc lập số 1, Quang Trung, Trần Phú, Cửu Long 2 từ nước ngoài về Nam Bộ. Các đơn vị vũ trang từ bắc vào, từ nước ngoài về đã góp phần tăng thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Bộ chiến đấu, ngăn chặn bước tiến của quân địch.

Thanh niên và nhân dân cả nước sôi nổi tình nguyện Nam tiến kháng chiến (hình tư liệu).

Cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ đã mở đầu cho 9 năm kháng chiến của quân dân cả nước để đi tới thắng lợi quân sự cuối cùng trước thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954.

Với ý chí sắt đá vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, lực lượng vũ trang cùng nhân dân miền nam đi đầu trong sự nghiệp kháng chiến, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu và hành động đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Cuộc kháng chiến anh dũng của Nam Bộ, mà tâm điểm là Sài Gòn- Gia định đã rút ra được những kinh nghiệm đầu tiên hết sức quý báu cho nhân dân cả nước trong kháng chiến. Cuộc kháng chiến đó của Nam Bộ đã nổ ra thật kiên cường, anh dũng xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc".

Tinh thần quật khởi của đồng bào Nam Bộ tiêu biểu cho ý chí thống nhất tổ quốc và khát vọng hòa bình cháy bỏng đồng thời cũng là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp quyết định sự thành công trong những ngày Nam Bộ kháng chiến. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh ngoan cường, bất khuất của quân và dân Sài Gòn nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Cuộc kháng chiến ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Tỏ rõ tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta; thực hiện chủ trương của Đảng cần phải tập trung đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường Nam Bộ để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài miền Bắc.

Một trong những nhân tố quan trọng góp vào sự thành công của Nam Bộ kháng chiến là tinh thần đoàn kết và yếu tố “lòng dân”. Đảng ta cũng nhận thức rõ, niềm tin của nhân dân cần phải được thường xuyên củng cố trong hoạt động thực tiễn thông qua đường lối, chủ trương, chính sách “hợp lòng dân”, phục vụ cho mục tiêu, nhiệm vụ xác định. Ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 mà khởi đầu từ Sài Gòn mãi mãi là một mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc, cổ vũ công cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và xây dựng đất nước sau này của nhân dân ta.

Tinh thần ngày Nam Bộ kháng chiến đã và đang được phát huy với nội dung, hình thức mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là động lực to lớn cổ vũ quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung đồng tâm nhất trí, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bộ Chính trị làm việc về chuẩn bị đại hội các đảng bộ trực thuộc TW - Thực hiện Kết luận số 79-KL/TW, ngày 16/6 của Bộ Chính trị, trong tuần đầu, đợt 3, từ 14/9 đến 19/9, Bộ Chính trị đã làm việc tập thể và tiếp tục làm việc theo nhóm với 20 đảng bộ trực thuộc TW.