Thăng Long - Hà Nội, những dấu son lịch sử 1010 năm

(VOH) - Sáu mươi sáu năm qua, mỗi dịp tháng Mười lịch sử, Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc hào hùng của những ngày đón chào đoàn quân chiến thắng trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô.

Thăng Long - Đông đô Hà Nội, nơi “là khu vực trung tâm Trời đất, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi…nơi hội tụ quan trọng của bốn phương…” (Chiếu dời đô) tuy mãi đến 1010 mới chính thức trở thành kinh đô của Việt Nam, nhưng trước đó rất lâu, vùng đất này đã liên tục là đầu mối quan trọng của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước.

Ngay từ năm 208 trước Công nguyên, Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh-Hà Nội) đã là nơi được An Dương Vương chọn làm nơi đóng đô.

Năm 554, sau những chiến thắng vang dội; Lý Nam Đế đã chọn vùng đất này làm kinh đô cho nước Vạn Xuân.

Năm 886, thành Đại La được xây dựng.

Năm 938, sau chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, đánh bại quân xâm lược Nam Hán, Ngô Quyền lên ngôi. Cổ Loa lại trở thành kinh đô của vương triều Ngô.

1010 Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La, đổi tên là thành Thăng Long (tương truyền nhận thấy hình tượng rồng bay lên khi đoàn thuyền nhà vua tới nơi định đô).

Hồ Gươm - Ảnh: SGGPO

Năm 1397 Nhà Hồ gọi nơi đây là Đông Đô (sánh với Tây Đô thuộc địa phận Thanh Hóa).

Năm 1428, sau khi quét sạch quân xâm lược Minh ra khỏi bờ cõi, đô thành Thăng Long còn mang tên gọi Đông Kinh.

Dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497), Thành Đông Kinh tức kinh đô Thăng Long được gọi là Phủ Trung Đô rồi Phủ Phụng Thiên.

Năm 1527, dưới triều Nhà Mạc trở lại tên gọi Thăng Long.

Mùa Xuân Kỷ Hợi năm 1789 với chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ đã dẫn đại quân chiếm lại thành Thăng Long, đánh tan 28 vạn quân xâm lược Nhà Thanh, giải phóng đất nước.

Triều đại nhà Tây Sơn (1789-1802), Vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân (Huế), nên gọi Thăng Long là Bắc Thành.

Năm 1831, Vua Minh Mạng cải tổ lại bộ máy hành chính, bỏ các trấn, chia cả nước làm 29 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội gồm kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín, lấy khu vực kinh thành xưa kia làm tỉnh lỵ và lấy thành mới xây làm tỉnh thành của Hà Nội. Trấn thành Thăng Long bị hạ xuống làm tỉnh thành Hà Nội và cái tên Hà Nội cũng bắt đầu từ đó.

Cuối thời Nguyễn, trước những hành động xâm lược của thực dân Pháp, Hà Nội đã đứng lên kháng chiến. Tuy nhiên sự nhu nhược của triều Nguyễn đã khiến nước ta rơi vào tay thực dân Pháp. Mặc dù thực dân Pháp thi hành chính sách đàn áp, khủng bố tàn bạo nhưng vẫn không dập tắt được phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội. Ngày 19/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội đã nổi dậy cướp chính quyền, giành độc lập. Tại Quốc hội lần thứ nhất năm 1946, Hà Nội được vinh dự được chọn làm thủ đô của cả nước trong kỷ nguyên mới

Từ 1946 đến 1954, Hà Nội là chiến địa ác liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp. Sau khi được giải phóng vào ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội trở thành thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1976, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc Hội, khóa IV, Hà Nội vinh dự được chọ làm Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến ngày nay.

Một sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của Thủ đô Hà Nội, đó là từ ngày 1 tháng 8 năm 2010, nghị quyết của Quốc Hội về điều chỉnh địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội chính thức có hiệu lực, Hà Nội đã được mở rộng thêm các vùng đất mới gồm một phần đất của tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Mê Linh), toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần đất của tỉnh Hoà Bình.

Thăng Long - Hà Nội rạng ngời trong lịch sử, Hà Nội xứng danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”.