Bản tin bất động sản hôm nay 10/1/2020: Giá BĐS TPHCM biến động mạnh trên thị trường thứ cấp

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 10/1 có những nội dung nổi bật sau: Bất động sản nghỉ dưỡng 2020, nhà đầu tư sẽ "kén hàng, khó tính" hơn; Kiên Giang tính bỏ 'lệnh' cấm phân lô bán nền ở Phú Quốc...

Giá bất động sản TPHCM biến động mạnh trên thị trường thứ cấp

Tại khu vực Thủ Thiêm (Q.2), giá BĐS trên thị trường thứ cấp ghi nhận mức tăng cao nhất là 91% trong vòng 3 năm. Trong khi tại khu vực Q.Bình Thạnh, giá thứ cấp đạt mốc 35%.

Đó là thông tin khảo sát của CBRE Việt Nam đưa ra trong sự kiện mới đây. Theo đại diện đơn vị này, trước bối cảnh thị trường BĐS sơ cấp (thị trường do chủ đầu tư bán ra) khan hiếm nguồn cung thì thị trường thứ cấp lại diễn ra khá sôi động với mức giá biến động rất cao.

Cụ thể, tại Thủ Thiêm (Q.2) giá thứ cấp tăng từ 36-91% tính từ năm 2017 -2019. Tại Thảo Điền mức tăng giá thứ cấp từ 20-65%. Khu vực An Phú ghi nhận mức tăng 20-40%; Cùng Q.2, khu vực Thạnh Mỹ Lợi có mức tăng giá BĐS trên thị trường thứ cấp cũng khá ấn tượng từ 15-30%. Trong khi tại Q.Bình Thạnh mức tăng đạt từ 10-35% so với giá đầu tư ban đầu.

Theo CBRE, thậm chí có những khu vực ghi nhận mức tăng giá thứ cấp trên 100% trong vòng 3 năm. Khu Đông vẫn là khu vực BĐS được nhìn nhận mức tăng giá tốt nhất trên thị trường thứ cấp. Trước bối cảnh nguồn cung có thể tiếp tục khan hiếm, nhìn trên bình diện chung giá thứ cấp vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong khi giá thứ cấp tăng mạnh ở một số khu vực thì giá bán trên thị trường sơ cấp tại Tp.HCM dao động ở mức 10-20% (tính từ năm 2017-2029, theo CBRE Việt Nam). Cụ thể tại Q.4 tốc độ tăng giá sơ cấp từ 10-14%; Thủ Thiêm (Q.2) từ 18-23%; Thảo Điền 10-15%; An Phú 15-20%; khu vực Q.1 mức tăng 10-15%; Q.Bình Thạnh ghi nhận mức tăng sơ cấp đạt 14-18%.

Bất động sản nghỉ dưỡng 2020, nhà đầu tư sẽ "kén hàng, khó tính" hơn

Quan sát trên thị trường hiện nay có thể thấy, những dự án đang chiếm lĩnh thị trường BĐS nghỉ dưỡng thời gian vừa qua đa phần là những tổ hợp du lịch được phát triển bài bản. Còn đối vời những dự án nghỉ dưỡng với mục đích "xây nhanh bán gọn", cách đây 2 năm đổ bộ rầm rộ thì hiện nay sự xuất hiện thưa dần.

Hội môi giới BĐS Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường BĐS Việt Nam quý 4/2019. Đánh giá về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Văn Đính – chủ tịch Hội môi giới cho biết mặc dù năm 2019 chứng kiến sự tụt giảm mạnh cả về nguồn cung lẫn giao dịch nhưng thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm 2020 vẫn rất triển vọng.

Quan sát trên thị trường hiện nay có thể thấy, những dự án đang chiếm lĩnh thị trường BĐS nghỉ dưỡng thời gian vừa qua đa phần là những tổ hợp du lịch được phát triển bài bản. Còn đối những dự án nghỉ dưỡng với mục đích "xây nhanh bán gọn", cách đây 2 năm đổ bộ rầm rộ thì hiện nay sự xuất hiện thưa dần.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư có nhiều điểm sáng. So với tiềm năng thực tế thì mức độ khai thác vẫn chưa nhiều và còn triển vọng ở tương lai. Nhu cầu thị trường du lịch thế giới đến Việt Nam là vẫn có, do đó câu chuyện sắp tới sẽ là sự bùng nổ của những sản phẩm độc đáo kết hợp các xu hướng mới vào dự án trong tương lai.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có lợi thế rất lớn về kết nối giao thông và gần biển. Chưa kể, bên cạnh sự tăng trưởng về lượng khách du lịch, thì sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng góp phần vào sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng.

Giá đất xây dựng nhà xưởng lên theo thương chiến Mỹ - Trung

Sự dịch chuyển sản xuất đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, của các nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ. Xu hướng này đã đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp trong nước tăng mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) tham quan nhà máy của một doanh nghiệp ở Long An ngày 9/1

Đây là ý kiến mà đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đưa ra tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu ở Long An ngày 9/1.

Theo đại diện HAWA, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến không ít nhà đầu tư rút dần khỏi Trung Quốc, dịch chuyển sản xuất đến Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là địa điểm hấp dẫn. Ngoài ra, tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) cũng góp phần đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp trong nước ngày càng cao.

Theo khảo sát, thị trường mặt bằng sản xuất cho ngành gỗ Việt Nam tập trung mạnh nhất tại Đông Nam Bộ với TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, có mức giá cho thuê xưởng xây sẵn giao động 2,5-5,5 USD/m2/ tháng với mức thuê tối thiểu 3-5 năm.

Tại các khu vực truyền thống như Bình Dương, Đồng Nai, tỉ lệ lấp đầy và nhanh tại các KCN đã đẩy giá thuê đất từ 80 USD cách đây hai năm lên 135 - 150 USD/chu kỳ thuê. Các khu vực tiềm năng khác như Long An, Tây Ninh giá thuê cũng tăng ở mức trên 130 USD/chu kỳ.

Khi bất động sản 'đánh bắt xa bờ'

Trước tình trạng 'đóng băng' của thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM, chủ yếu do vướng các thủ tục pháp lý, nhiều 'ông lớn' BĐS trên địa bàn phải dạt ra các vùng ven, thậm chí đổ về các địa phương để đầu tư, kiếm tiền nuôi 'quân'.

Nhiều chuyên gia BĐS khuyến cáo việc các doanh nghiệp BĐS đổ xô về những địa phương lân cận TP.HCM để đầu tư chỉ là giải pháp tình thế, trong khi chờ thị trường BĐS TP.HCM khai thông trở lại.

Do đó, nếu các cơ quan chức năng không sớm gỡ vướng các thủ tục pháp lý, nguồn cung dự án BĐS và đặc biệt là các sản phẩm nhà ở sẽ tiếp tục sụt giảm, giá nhà sẽ biến động mạnh trong thời gian tới và người dân có nhu cầu nhà ở thực sự sẽ chịu ảnh hưởng.

Trong báo cáo về thị trường BĐS 2019 và xu hướng của năm 2020 vừa được công bố, Công ty cổ phần DKRA cho biết nguồn cung mới trên thị trường BĐS đã giảm mạnh trong hầu hết các phân khúc, ngoại trừ BĐS nghỉ dưỡng.

Cũng theo báo cáo này, do các dự án mới tại TP.HCM hầu như "đóng băng", nhiều doanh nghiệp BĐS buộc phải dạt ra vùng ven hoặc đổ về các địa phương lân cận để tìm kiếm các dự án "sạch" pháp lý.

Thị trường BĐS tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An... trở nên sôi động hơn trong 2 năm 2018 và 2019, với sự xuất hiện của nhiều "ông lớn" BĐS từ TP.HCM là bằng chứng cho thấy sự chuyển hướng mạnh mẽ này.

Chỉ định nhà đầu tư dự án hơn 6.800 tỷ tại Phú Quốc

Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án khu phi thuế quan hơn 6.800 tỷ đồng tại Đảo Ngọc...

Theo Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt. Dự án sẽ chỉ định nhà đầu tư do quá trình sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

Dự án có tổng vốn đầu tư 6.830 tỷ đồng trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 1.024 tỷ đồng, chiếm 15%. Còn lại là vốn vay mà nhà đầu tư phải huy động. Thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm.

Tổng diện tích sử dụng đất cho công trình khoảng 101 ha, tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh. Nhà đầu tư sẽ phải ứng trước 830 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án.

Cán bộ phụ trách đấu thầu Dự án của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, đây là dự án sử dụng đất đầu tiên tại Phú Quốc được đưa ra sơ tuyển rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Đã có 3 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển nhưng đến thời điểm đóng sơ tuyển (13/2/2019), chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương.

Bất động sản bán lẻ TP.HCM “mở” cuộc đua mặt bằng trung tâm

Doanh thu bán lẻ hàng hoá của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tới 13% và đạt 163 tỷ USD năm 2019 tạo nên sức hút đối với các nhà bán lẻ lớn thế giới và mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục nóng lên.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Việt Nam ước đạt 3,75 triệu tỷ đồng (tương đương 163 tỷ USD), tăng 12,7% so với năm 2018. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.

Theo CBRE Việt Nam, đầu tư vào bất động sản bán lẻ trong thời gian gần đây trở nên sôi động hơn những năm vừa qua do có những "đại gia bán lẻ" cần những mặt bằng lớn, vị trí đẹp...

Đặc biệt, năm 2019 với thương vụ chấn động thị trường là Masan Group mua lại hệ thống bán lẻ VinComerce của VinGroup (6 tháng sau khi VinGroup mua lại hệ thống Shop&Go và có kế hoạch ở rộng hơn quy mô tại thị trường Việt Nam).

Sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ thể hiện ở việc doanh thu bán hàng của nhiều thương hiệu nước ngoài tăng với cấp số nhân sau khi xuất hiện tại Việt Nam.

Theo dự báo của CBRE Việt Nam, trong 3 năm tới, thị trường bất động sản bán lẻ TP.HCM sẽ đón thêm 400.000 m2 diện tích bán lẻ và hầu hết tại khu ngoài trung tâm.

 Trong 2 năm tới, Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu Đông Nam Á về mở rộng nguồn cung mặt bằng bán lẻ, đưa diện tích lên 1,2 triệu m2 tại TP.HCM và đạt 1 triệu m2 tại Hà Nội vào năm 2020.

Tại khu trung tâm, ngoài dự án The Spirit of Saigon được tái khởi công trong quý IV/2019 và Parkson Saigontourist Plaza có kế hoạch tái khai trương năm 2020 thì các dự án còn lại vẫn chưa có kế hoạch xây dựng cụ thể.

Các dự án mới hầu hết ở khu đông, chiếm hơn 70% tổng nguồn cung mới trong giai đoạn này, theo sau là khu Tây và Bắc. Khu trung tâm và khu Nam chưa ghi nhận dự án mới trong giai đoạn này. Giá thuê dự báo sẽ tăng trong 2 năm tới và tỷ lệ lấp đầy dù giảm nhẹ nhưng vẫn đạt tỷ lệ trên 90%.

Dự đoán đến năm 2030, hình thức bán lẻ quy mô lớn sẽ chiếm lĩnh thị trường, đặt biệt là mô hình Trung tâm thương mại điểm đến và Trung tâm thương mại chú trọng phong cách sống tại các đô thị.

Dự án căn hộ tại TP.HCM giảm đến 40% trong năm 2019

Theo báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản TP.HCM quý 4/2019 của CBRE, trong cả năm 2019 chỉ có 36 dự án căn hộ được chào bán mới, giảm mạnh so với 60 dự án trong năm 2018.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là do quy trình cấp phép mới và cấp phép sửa đổi các dự án bị kéo dài lâu hơn dự kiến, dẫn đến các kế hoạch triển khai sản phẩm gặp nhiều trở ngại.

Trong bối cảnh đó, các đặc điểm về sản phẩm và các chương trình marketing của chủ đầu tư cũng được sử dụng hiệu quả để thu hút khách hàng khi chưa có nguồn cung chào bán.

Dù sụt giảm mạnh về số lượng dự án, nhưng nguồn cung căn hộ năm 2019 chỉ giảm 13% so với năm 2018, đạt 26.692 căn.

Trong quý 4/2019, nguồn cung chào bán có sự cải thiện về số lượng dự án chào bán với 13 dự án so với khoảng 10 dự án mỗi quý trong ba quý trước. Quý 4/2019 ghi nhận 5.073 căn hộ được chào bán.

Xét về phân khúc, sản phẩm trung cấp chiếm tỷ trọng cao nhất với 67% tổng nguồn cung chào bán trong năm 2019. Tỷ trọng lớn ở phân khúc trung cấp trong ba năm qua đã giúp thị trường cân bằng hơn so với giai đoạn 2015 và 2016 khi mà nguồn cung cao cấp có tỷ trọng lớn.

Phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm 25% tổng nguồn cung chào bán, theo sau là phân khúc hạng sang chiếm 6%. Phân khúc bình dân chỉ có 1 dự án mới cho cả năm 2019, chiếm 2% tổng nguồn cung của năm.

Đơn vị tư vấn này cho biết, nhờ nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao, thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới đạt mức 1.902 USD/m2, tăng 10% so với năm trước. Giá bán tăng được ghi nhận tại tất cả các dự án chào bán trong quý và các sản phẩm còn lại trên thị trường ở tất cả các khu vực.

Thị trường thứ cấp hoạt động tích cực, các khu vực có thị trường thứ cấp sôi động có thể kể đến là Quận 2 (Thủ Thiêm, An Phú, Thạnh Mỹ Lợi), Quận 7 và Bình Thạnh.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam dự báo, trong năm 2020, vấn đề chậm cấp phép tiếp tục tác động lên nguồn cung chào bán.

Thị trường kỳ vọng sẽ có thêm khoảng 30.000 căn hộ với các dự án mới chủ yếu từ các quận ven thành phố. Giá sơ cấp dự kiến sẽ tiếp tục tăng so với năm 2019. Trong đó, phân khúc hạng sang sẽ duy trì tốc độ tăng giá 10% theo năm do khan hiếm nguồn cung. Phân khúc cao cấp và trung cấp sẽ tăng chậm hơn do có thêm nguồn cung mới và năm 2019 đã thiết lập mặt bằng giá mới. Mức tăng giá tại hai phân khúc này dự kiến là 5% theo năm. Phân khúc bình dân duy trì mức tăng giá 2% theo năm.

Bên cạnh đó, thị trường thứ cấp sẽ hoạt động tích cực hơn do nguồn cung sơ cấp khan hiếm và thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Tập đoàn TH True Milk đầu tư dự án nghỉ dưỡng gần 1.000 ha ở Yên Bái

UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Vân Hội, huyện Trấn Yên.

Tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch là 764 ha, với tính chất là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và bất động sản biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế theo chủ đề châu lục trong đó, đất xây dựng cơ sở lưu trú là 89,77 ha (gồm khu biệt thự 77 ha; khu nhà thương mại kết hợp lưu trú 6,46 ha; khu lâu đài 6,25 ha); đất dịch vụ công cộng 56,75 ha; đất cây xanh 217,27 ha; đất công trình hạ tầng 12,32 ha. Còn lại là đất mặt nước, tôn giáo, đất giao thông…

Cận Tết, các chủ đầu tư đua nhau lách luật "hốt" cú chót

Năm 2019 được xem là một năm đầy khó khăn của thị trường bất động sản TP. HCM. Theo đánh giá của các chuyên gia, những vướng mắc về thủ tục pháp lý là nguyên nhân chính khiến nguồn cung sản phẩm nhà ở mới bị sụt giảm.

Điều này dẫn đến một số chủ đầu tư, dù chỉ bước đầu đáp ứng được các thủ tục pháp lý cơ bản đã vô tư “thổi” giá, đưa dự án vào kinh doanh. Điển hình như dự án Paris Hoàng Kim (quận 2) do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Khởi Thành (Công ty Khởi Thành) làm chủ đầu tư.

Trong vai khách hàng, phóng viên được V., nhân viên của Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (đơn vị phân phối dự án Paris Hoàng Kim) cho hay: dự án có 2 block nhưng hầu hết các căn hộ block B đã bán hết sạch. Ngày 4/1/2020 công ty đã tổ chức mở bán tiếp các căn hộ đẹp nhất ở block A của dự án.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản thiếu hụt nguồn cung sản phẩm nhà ở mới, càng gần Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xuất hiện tình trạng nhiều chủ đầu tư đua nhau bán dự án khi chưa được phép.

Kiên Giang tính bỏ 'lệnh' cấm phân lô bán nền ở Phú Quốc

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa giao các sở ngành chức năng tỉnh nghiên cứu, tham mưu để trình xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận cho chấm dứt hiệu lực công văn số 651 do UBND tỉnh ban hành vào ngày 15/5/2018 đối với việc tạm dừng phân lô, tách thửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc.

Trước đó, vào tháng 5/2019, UBND huyện Phú Quốc đã có văn bản chỉ đạo về việc tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa diện tích dưới 500m2.

Theo đó, sau khi nghe đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo đề xuất và trên cơ sở ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Quốc cùng các ngành chức năng có liên quan, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Nội dung của quyết định này đã quy định rõ ràng, cụ thể về diện tích, điều kiện tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất… để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình trạng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép, nhất là trên đất nông nghiệp.

Do đó, UBND tỉnh thống nhất chấm dứt hiệu lực công văn 651 đã ban hành trước đó sau khi có ý kiến chấp thuận của Thường trực Tỉnh ủy.

Sắp khởi công loạt công trình chống ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất

Nhiều dự án mở rộng các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được triển khai trong năm 2020.

Đó là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo định kỳ tháng 1 do Sở GTVT TP.HCM tổ chức sáng nay (10.1).

Cụ thể, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (BQLDA)thông tin đơn vị này được giao triển khai 5 dự án nhằm xóa, giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm 4 dự án mở rộng các tuyến đường: Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trường Chinh, đường Tân Kỳ Tân Quý và dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa.

Theo ông Ninh, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ đường Cộng Hòa cho tới cổng gác sân bay) đã chọn được nhà thầu. UBND quận Tân Bình mới thông báo đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến có thể khởi công ngay trong quý 1/2020. Ngay sau đó, trong quý 2/2020, BQLDA sẽ triển khai dự án mở rộng đường Cộng Hòa (đoạn thắt nút cổ chai ngay cầu vượt thép vào sân bay). Dự án này hiện cũng đã chọn được nhà thầu và đang chờ quận Bình Thành giao nốt mặt bằng sạch. Hai dự án này chắc chắn sẽ được triển khai trong năm 2020.

Hai dự án mở rộng đường Trường Chinh và đường Tân Kỳ - Tân Quý đang trong giai đoạn thiết kế. Đại diện BQLDA cho biết tuy giá trị xây lắp không cao nhưng chi phí giải phóng mặt bằng cho 2 dự án này khá lớn nên trong năm 2020, dự kiến dự án mới hoàn thành phần giải phóng mặt bằng. Đơn vị sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để có thể khởi công dự án vào năm 2021.

Một trong những dự án quan trọng được kỳ vọng nhất nhằm giảm tải giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa. HĐND TP đã thông qua chủ trương đầu tư điều chỉnh dự án vào tháng 12 vừa qua. BQLDA đang phối hợp UBND Tân Bình và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP làm dự án, song song điều chỉnh phù hợp với quy hoạch phân khu 1/2000.

TP.HCM: Khởi công 27 dự án hạ tầng giao thông trong năm 2020

Cầu Mỹ Thủy 3, cầu Hang Ngoài, hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ… là 3 trong số 27 công trình giao thông sẽ được TP.HCM khởi công xây dựng trong năm nay.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là một trong 27 dự án sẽ được khởi công trong năm 2020

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, trong năm 2020 thành phố sẽ khởi công 27 dự án hạ tang giao thông nhằm giảm tải áp lực giao thông, kéo giảm tình trạng kẹt xe tại nhiều giao điểm trên địa bàn.

Một số dự án được nhắc đến gồm cầu Mỹ Thuỷ 3 thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng sẽ giúp giải quyết ùn tắc cho khu vực ra vào cảng Cát Lái, quận 2.

Hầm chui HC1 và HC2 thuộc dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ) với tổng vốn hơn 830 tỉ đồng tại quận 7; Xây mới cầu Hang Ngoài - hơn 400 tỉ đồng; hơn 380 tỉ đồng mở rộng đường Dương Quảng Hàm giúp giảm kẹt xe khu vực quận Gò Vấp.

Trong năm 2020, thành phố khởi công xây hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư 603 tỉ đồng; làm đường Lê Văn Quới nối dài (đoạn từ Mã Lò ra Quốc lộ 1A, quận Bình Tân) với số tiền hơn 850 tỉ đồng; cầu vượt số 3 và cầu bộ hành cùng đường chui nhánh phải (thuộc dự án cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới ở quận 9) với kinh phí gần 440 tỉ đồng...

Ngoài các dự án sẽ khởi công, Ban quản lý cũng đặt mục tiêu hoàn thành 29 dự án chuyển tiếp; tiếp tục thi công 70 dự án và triển khai các thủ tục và trình phê duyệt chủ trương đầu tư công 78 dự án; giải ngân đạt hơn 95% vốn được giao trong năm...

Trải nghiệm phong cách nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên rừng & biển Hồ Tràm  - Hơn 300 khách hàng đã cùng đến tham dự “hành trình trải nghiệm” Vườn xuân miền nhiệt đới - tham quan và tận hưởng phong cách sống nghỉ dưỡng tại NovaWorld Hồ Tràm ngày 04/01.
Bất động sản Đồng Nai – Tâm điểm hút vốn 2020- Theo nhận định của nhiều nhà ĐT và chuyên gia BĐS, sau khu Nam và khu Đông, thị trường khu vực giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai đang hấp dẫn nhờ những định hướng phát triển ĐT trong tương ...