Bản tin bất động sản hôm nay 13/1/2020: Trốn thuế khi mua bán nhà có khả năng bị xử lý hình sự

(VOH)-Bản tin bất động sản ngày 13/1 có những nội dung nổi bật: Bất động sản 2020: Nhu cầu cao nhưng không thể đầu tư sinh lời; Đất nền vùng ven Sài Gòn ngày giáp Tết: Cắt lỗ vẫn khó đẩy hàng...

Trốn thuế khi mua bán nhà có khả năng bị xử lý hình sự

Cơ quan công an cho biết có nhiều cách để điều tra hành vi trốn thuế. Thực tế, đã có trường hợp bị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế khi khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp.

Thông tin từ Cơ quan điều tra Công an Q.10 (TP.HCM) cho hay cơ quan này mới tiếp nhận các kiến nghị kèm hồ sơ của Chi cục Thuế Q.10 để xác minh, xử lý hành vi có dấu hiệu trốn thuế của một số cá nhân chuyển nhượng (lần 2) căn hộ Hado Centrosa Garden (Q.10) nhưng giá khai trong hợp đồng công chứng quá thấp.

Hồ sơ gồm có chứng từ thể hiện nhà đầu tư thanh toán mua căn hộ từ chủ đầu tư (gần 5 tỉ đồng) và hợp đồng công chứng bán lại căn hộ ghi giá chỉ 1 tỉ đồng. Hiện Cơ quan điều tra Công an quận đang tiến hành các bước xử lý.

Một cán bộ Cơ quan điều tra Công an TP.HCM cho hay từ trước đến nay hành vi khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp đi trong hợp đồng công chứng để giảm tiền thuế phải đóng là phổ biến trong giao dịch.

Thông tin nghi vấn trốn thuế từ các tổ chức công chứng và cơ quan thuế qua các giao dịch thì cơ quan điều tra cũng nắm được. Tuy nhiên để xử lý hình sự không dễ.

Để chứng minh hành vi chuyển nhượng có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan điều tra đánh giá về giá chuyển nhượng qua các lần đối với nhà đất đó. Nếu giá bán lần đầu với lần 2 (hoặc lần trước với lần sau) quá chênh lệch thì đó là một dấu hiệu.

Tiếp theo, cơ quan điều tra cần xem xét, chứng minh mục đích trốn thuế giữa bên mua và bên bán.

Thông thường thỏa thuận ghi giá bán thấp để trốn thuế được sự đồng ý của cả hai bên.

Vì vậy nếu các bên thỏa thuận với nhau bằng một giá khác thể hiện trên các văn bản thực tế thỏa thuận (phụ lục hợp đồng, hợp đồng tay...) hoặc thể hiện qua việc chuyển tiền các bên (theo thỏa thuận thực) nhưng sau đó các bên lại ghi trong hợp đồng công chứng (là hợp đồng để tính thuế) giá thấp hơn rất nhiều, rõ ràng đây chính là hợp đồng "giả tạo" nhằm che giấu giao dịch thực với mục đích trốn thuế. Đây là căn cứ mà cơ quan điều tra có thể củng cố hồ sơ để xử lý hành vi trốn thuế.

Tất nhiên, cơ quan điều tra sẽ phân biệt trường hợp giá trị giao dịch thực tế thấp do cần tiền gấp bán hạ giá, nhà bị "xui" giảm giá, thị trường bị chững lại...

Bất động sản 2020: Nhu cầu cao nhưng không thể đầu tư sinh lời

Thị trường bất động sản năm 2020 sẽ có sự thanh lọc thị trường diễn ra rất mạnh, khi nguồn cung giảm và tín dụng tiếp tục bị “siết”.

Khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu nhà ở tại đô thị còn cao là nguyên nhân chính làm tăng giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, khan hiếm nguồn cung không phải do không còn dư địa phát triển nguồn mà là do tạm thời ngưng phát triển từ các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc tăng giá mạnh khó được thị trường chấp nhận.

Sự lệch pha cung - cầu có biểu hiện mạnh, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM ngày càng khan hiếm nhà ở cho phân khúc giá rẻ, bình dân. Phân khúc cao cấp phát triển mạnh và phù hợp nhóm đối tượng khách nước ngoài nhưng lại bị giới hạn tiêu thụ bởi quy định lượng sản phẩm cho người nước ngoài.

Tại một số địa phương mới phát triển, chủ trương phát triển nhà ở đô thị dành cho các chuyên gia, công nhân, lao động dịch chuyển không được quan tâm bằng chủ trương phát triển các dự án phân lô, bán đất nền.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng lực cầu về đầu tư và mua sắm nhà ở sẽ tiếp tục được duy trì. Nguồn cung tại Hà Nội và TPHCM vẫn còn bởi một vài dự án lớn ở các đô thị này vẫn còn lượng hàng khá lớn chưa được đưa ra thị trường.

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 nhìn chung tiếp tục có sự giảm tốc, thực chất hơn, không xuất hiện khủng hoảng thị trường ảo hay bong bóng. Nghịch lý duy nhất của thị trường bất động sản 2020 là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đánh giá, thị trường bất động sản năm 2020 với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền, có thể từ quý 3/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.

Năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”, nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.

Đất nền vùng ven Sài Gòn ngày giáp Tết: Cắt lỗ vẫn khó đẩy hàng

Càng cận Tết Nguyên đán 2020, tình trạng bán tháo, bán lỗ đất nền càng phổ biến hơn, đặc biệt là tại các thị trường vùng ven TP. HCM...

Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, chạy theo cơn sốt đất nền cục bộ tại thị trường tỉnh giờ đối mặt với thua lỗ, mất vốn, nợ nần…

Theo tìm hiểu, rất nhiều nhà đầu tư đang phải bán tháo đất nền trong các tháng cuối năm, nhất là tại các thị trường nóng như Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đất nền phân lô, đất dự án đã giảm giá từ 100 - 500 triệu/lô, tùy vị trí nhưng ít người hỏi mua.

Tại Long An, thời điểm tháng 5/2019 giá rao bán nhiều nơi rẻ nhất từ 8 - 16 triệu/m2 hiện có những lô chào bán lại giá chỉ tầm 6,5 - 14 triệu/m2. Với loại đất chưa có sổ riêng, giá còn giảm sâu hơn nữa, xuống tầm 5 - 7 triệu/m2 nhưng rất ít giao dịch.

Ngay cả đất nền gần các khu đô thị tại Đồng Nai cũng được một số nhà đầu tư rao bán với giá giảm từ 300 - 500 triệu/lô tùy diện tích.

Theo dữ liệu nghiên cứu từ Batdongsan.com.vn, so với thời điểm tháng 10/2019, giao dịch của phân khúc đất nền trong tháng 12 giảm nhiệt thấy rõ.

Cụ thể, lượt quan tâm tìm mua đất nền tại Bình Dương giảm 3,5 lần, Đồng Nai giảm 1,5 lần, Long An giảm gấp 4 lần và TP. HCM giảm 3,6 lần. Lượng sản phẩm giao dịch thành công giảm từ 3 - 5 lần so với quý II/2019.

Những nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng gặp khó khăn nhiều nhất khi buộc phải bán lỗ "xả hàng" trước áp lực nợ lãi. Tuy nhiên, khi giá đất nền giảm, người mua sẽ chưa vội xuống tiền vì có tâm lý chờ giá xuống nữa.

Hơn nữa, động thái siết tín dụng của các ngân hàng vẫn chưa kết thúc, đồng thời tăng hệ số rủi ro với kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến cho việc vay vốn của cả doanh nghiệp và cá nhân đều khó khăn hơn.

Gần 110 triệu đồng mỗi m2 nhà phố dự án TP HCM

Nhà liền thổ trong các dự án trên thị trường sơ cấp có giá bán 4.629 USD mỗi m2 đất, tăng 24,7% theo năm.

Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố diễn biến thị trường bất động sản gắn liền với đất trong năm 2019 với đà tăng tiếp tục được xác lập. Trong 3 tháng cuối năm 2019, nhà liền thổ trong các dự án trên thị trường sơ cấp TP HCM ghi nhận giá bán 4.629 USD mỗi m2 đất, tức sắp cán mốc 110 triệu đồng, tăng gần 25% theo năm. Biến động giá khiêm tốn nhất tại các dự án hiện hữu khi chỉ tăng 5-10% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng thị trường bất động sản liền thổ trong 12 tháng qua cho thấy đà tăng giá chưa có dấu hiệu dừng lại, bất chấp loại hình tài sản này đã liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2016-2018 - giai đoạn có nhiều đợt sốt đất. Việc nguồn cung từ các dự án mới khá hạn chế ở cả hai loại hình căn hộ và nhà liền thổ, đi kèm với việc các dự án hiện hữu có chất lượng phát triển tốt hơn đã kích giá bán sơ cấp ở thị trường nhà liền thổ liên tục leo thang.

Nhà liền kề thuộc phân khúc bình dân được ưa chuộng tại TP HCM nhưng lượng hàng bán ra rất khiêm tốn, chỉ đạt 186 căn trong quý IV/2019, nguồn cung thấp kỷ lục kể từ khi thị trường phục hồi từ năm 2014. Nhu cầu đối với các sản phẩm nhà liền kề bình dân có khoảng giá 170.000-250.000 USD một căn (tương đương 4-6 tỷ đồng một căn) đang rất cao, chiếm hơn 70% số căn được bán trong quý cuối năm. Người mua để ở là khách hàng chính trong những dự án này.

Trong quý cuối cùng của năm 2019, nguồn cung chủ yếu đến từ những dự án mở bán mới có quy mô nhỏ, chỉ khoảng 50-100 căn cho một dự án. Nguồn cung hạn chế do việc trì hoãn trong quy trình xin giấy phép xây dựng và việc chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đủ điều kiện mở bán của các chủ đầu tư. Đây cũng là tình trạng chung của thị trường trong suốt năm 2019 nhưng dự kiến cải thiện trong năm 2020.

JLL dự báo, năm 2020 nguồn cung tương lai đến từ các dự án quy mô lớn tại quận 9, Thủ Đức và huyện Nhà Bè. Ước tính số sản phẩm bất động sản liền thổ từ 3 dự án này có thể đạt hơn 2.000 căn. Trong 12 tháng tới nhiều khả năng giá bán nhà phố, biệt thự trong các dự án vẫn tiếp tục tăng.

Bảng giá đất mới của Hà Nội: Đất ở đâu đắt, rẻ nhất?

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây ký ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.

Theo quy định, giai đoạn từ 2020-2024, bảng giá các loại đất của Hà Nội tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019, chỉ riêng mức giá đất nông nghiệp được giữ nguyên. Cụ thể, đối với đất ở tại các quận điều chỉnh tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; các tuyến đường còn lại bình quân tăng 15%. Đất thương mại, dịch vụ tại các quận được điều chỉnh bằng 62 - 65% giá đất ở sau khi điều chỉnh. Trong đó, đối với 4 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) điều chỉnh bằng 65%, các quận còn lại điều chỉnh bằng 62%.

Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ ở các quận cũng tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; tăng 15% với các tuyến đường còn lại.

Doanh nghiệp địa ốc tắc tứ phía - tắc đủ bề

Tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch triển khai năm 2020 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm cuối năm 2019, Thành phố còn 124 dự án bất động sản chưa thu được thuế hoặc chậm thu thuế, chủ yếu do phải chờ kết luận của cơ quan thanh tra.

Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn tới các dự án bất động sản không được cấp phép, dù doanh nghiệp đã chuẩn bị cho việc phát triển dự án, chỉ đợi giấp phép. Đơn cử, năm 2018, Tập đoàn Hà Đô nộp hồ sơ phát triển dự án chung cư lên tới hơn 1.000 căn tại quận 8. Dự án đã được doanh nghiệp làm nhà mẫu, chuẩn bị vật liệu cũng như nhà thầu xây dựng, nhưng tới nay vẫn chưa được cấp phép. Cũng chính vì vậy, từ năm 2017 tới nay, doanh nghiệp này không có dự án mới mở bán.

Đồng Nai: Công trình xây dựng không phép “mọc” như nấm sau mưa

Hàng trăm căn nhà cao tầng, công trình nhà ở cấp 4 đã “mọc” lên nhưng không có giấy phép xây dựng. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để…

Theo tìm hiểu, hầu hết các ấp trên địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đều có công trình nhà ở cao tầng và nhà ở cấp 4 đã xây dựng hoàn thành, kiên cố nhưng không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai phép, nhất là tại các ấp 7, 8 và ấp 3 của xã này.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây nhà trái phép tại xã An Phước diễn ra rất phức tạp từ nhiều năm nay. Các đầu nậu chủ yếu từ các tỉnh, thành phố khác, sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua lại đất bằng giấy viết tay. Sau đó phân lô, bán nền hoặc xây dựng công trình nhà ở kiên cố rồi bán lại cho người khác nhằm mục đích trục lợi bất hợp pháp.

TP. HCM: Hàng loạt đơn tố cáo lừa đảo bán đất nền

Công an TP. HCM cho biết liên tục nhận đơn tố cáo hành vi lừa đảo bán đất nền của rất nhiều dự án vùng ven. Công an TP. HCM đã vào cuộc điều tra, xác minh.

Công an TP. HCM cũng đang xử lý đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của Công ty Hoàng Thành do ông Nguyễn Văn Thành làm giám đốc. Dù biết là đất nông nghiệp, công ty trên đã đóng cọc, làm trụ điện, treo bảng dự án tại đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Điều đáng nói, đây là một khu đất nhỏ lại được bán cho rất nhiều người. Hiện có hàng chục người khốn khổ vì dồn hết tiền cuối năm để đầu tư, giờ rơi vào cảnh trắng tay.

UBND quận 9 và quận 12, TP. HCM cũng treo bảng cảnh báo và kêu gọi người dân cẩn thận với các dự án của CTCP King Home Land do nam thanh niên 27 tuổi tên Đặng Tiến Trường làm Tổng Giám đốc.

Tiếp tục cưỡng chế Gia Trang quán-Tràm Chim Resort sau Tết Nguyên đán

Cơ quan chức năng đã tháo dỡ hoàn toàn 4 phòng tại tổ hợp công trình Gia Trang quán - Tràm Chim Resort, việc cưỡng chế được tạm ngưng cho đến hết Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Cụ thể, trong 2 ngày 7 và 8/1/2020, đoàn cưỡng chế đã tiến hành rào chắn các hạng mục vi phạm trật tự xây dựng tại tổ hợp công trình Gia Trang quán – Tràm Chim Resort của bà Trần Thị Minh Trang. Đồng thời, kiểm kê, niêm phong tài sản tại 7 phòng ốc; tháo dỡ hoàn toàn 4 phòng thuộc hạng mục 7 – 9.

UBND xã Tân Quý Tây tiếp tục cưỡng chế các hạng mục vi phạm xây dựng đến hết ngày 10/1 và với các hạng mục, công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp sẽ được rào chắn để cưỡng chế sau.

Bắc Giang: Doanh nghiệp liên tục vi phạm về đất đai, xây dựng

Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nhôm Phương Đông, địa chỉ tại xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang liên tục bị cơ quan chức năng xử lý do vi phạm trong việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm nay, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nhôm Phương Đông đã cho 3 đơn vị thuê nhà xưởng để sản xuất gỗ, linh kiện điện tử, gồm Công ty TNHH Vỹ Cường, Công ty TNHH Bao bì Triệu Long và Công ty TNHH MTV Yoosung với tổng diện tích cho thuê là 6.491,6m2, vượt quá quy mô đầu tư đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh ngày 24/5/2013 (diện tích cho thuê 3.200 m2).

Khởi tố, bắt giam chủ dự án biệt thự Thanh Bình, Vũng Tàu

Ngày 13-1, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam của cơ quan CSĐT cùng cấp đối với ông Phạm Quốc Dũng (51 tuổi, trú TP.HCM) - chủ dự án biệt thự Thanh Bình, Vũng Tàu.

Ông Phạm Quốc Dũng trong buổi đối thoại, nói chuyện với người dân mua đất dự án Thanh Bình vào tháng 6-2019. Buổi nói chuyện này có sự chứng kiến của cơ quan công an và chính quyền - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Phạm Quốc Dũng nguyên là chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn dịch vụ thương mại Thanh Bình (trụ sở tại Q.1, TP.HCM). Công ty này là chủ đầu tư dự án khu biệt thự du lịch Thanh Bình, phường 10, TP Vũng Tàu. Ông này bị khởi tố để điều tra về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Vào tháng 7-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố vụ án trên từ đơn tố cáo của hàng chục hộ dân mua đất của dự án Thanh Bình tố giác ông Phạm Quốc Dũng đã có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Trải nghiệm phong cách nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên rừng & biển Hồ Tràm - Hơn 300 khách hàng đã cùng đến tham dự “hành trình trải nghiệm” Vườn xuân miền nhiệt đới - tham quan và tận hưởng phong cách sống nghỉ dưỡng tại NovaWorld Hồ Tràm ngày 04/01.
Bất động sản Đồng Nai – Tâm điểm hút vốn 2020 - Theo nhận định của nhiều nhà ĐT và chuyên gia BĐS, sau khu Nam và khu Đông, thị trường khu vực giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai đang hấp dẫn nhờ những định hướng phát triển ĐT trong tương ...