Bản tin bất động sản hôm nay 19/10: Làm đường nhựa trên đất nông nghiệp để bán đất nền

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 19/10 có những nội dung nổi bật sau: Giá đất vùng ven TP.HCM leo nóc, ngang bằng giá đất các quận trung tâm; Từ nay, chủ đầu tư muốn thi công phải dán giấy phép XD...

Giá đất vùng ven TP.HCM leo nóc, ngang bằng giá đất các quận trung tâm

Thông qua nhiều cò đất thổi giá, đất nền ở Quận 12, Củ Chi, Hóc Môn…có nơi lên đến 150 triệu/m2.

Quận 12, Củ Chi TP.HCM cách đây vài năm giá đất chỉ khoảng 7-15 triệu/m2 nhưng nay đã dao động từ 30 triệu-70 triệu/m2, thậm chí mặt tiền các tuyến đường lớn hiện đã lên đến 137 triệu – 150 triệu/m2.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, giá nhà đất tại các quận vùng ven TP.HCM đã tăng khoảng 15-20% so với năm 2017. Có những nơi đang được rao bán với giá cao ngang bằng các quận gần trung tâm như quận 3, quận Phú Nhuận với mức giá trên 100 triệu đồng/m2.

Mặt bằng chung giá đất đường Nguyễn Văn Quá quận 12 hiện rơi vào khoảng 25 – 38 triệu đồng/m2, đường Hà Huy Giáp khoảng 17 – 37 triệu đồng/m2. Đường Tô Ký khoảng 30 – 35 triệu đồng/m2. Tại phường Hiệp Thành quận 12 giá dao động từ 18 – 50 triệu đồng/m2. Phường An Phú Đông dao động từ 17– 60 triệu đồng/m2.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng “thổi giá”, gây ra tình trạng sốt ảo ở nhiều dự án đất nền, đất dân thuộc các huyện như như Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi…. các Quận 12, quận 9, Thủ Đức… cũng tương tự.

Điều này ảnh hưởng từ những thông tin địa phương sẽ lên Quận hoặc có dự án hạ tầng cầu đường quy mô đi qua. Có nơi giá đất được đẩy lên 60% chỉ trong thời gian ngắn khiến cho việc mua nhà đất của người dân khó khăn hơn nhiều. Do đó, ông Châu khuyến cáo người dân nên thận trong khi đi mua đất. Hiện tượng gây “sốt ảo” giá đất này chỉ làm lợi cho cò đất và chủ đất, còn người mua thì cần cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền.

Gỡ vướng cấp phép xây dựng cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 18.10, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng hiện nay trên địa bàn TP.

Theo đó, đối với các trường hợp khu đất nhỏ, lẻ đã được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin kiến trúc - quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch có nội dung khác với đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt hoặc chưa cập nhật thông tin quy hoạch vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt, nhưng không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của đồ án quy hoạch được duyệt, Sở Xây dựng hoặc UBND quận - huyện theo thẩm quyền sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận - huyện liên quan để thống nhất và xem xét giải quyết cấp giấy phép xây dựng.

Đối với các trường hợp khu đất lớn, các dự án nhà ở, dịch vụ thương mại, công trình công cộng đã được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin kiến trúc - quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch có nội dung khác với đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt hoặc chưa cập nhật thông tin quy hoạch vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt, có tác động, làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của đồ án quy hoạch được duyệt, trước khi cấp giấy phép xây dựng phải lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch (hoặc điều chỉnh tổng thể) và được phê duyệt. Các trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới cần tuân thủ theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hoặc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch đã được duyệt. Đối với các trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình có chức năng văn phòng, nhà ở kết hợp văn phòng, khách sạn, dịch vụ... nhưng không phù hợp với mục đích sử dụng đất (đất ở đô thị lâu dài) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, nghiên cứu theo hướng giải quyết cấp giấy phép xây dựng, nhưng không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chỉ cập nhật mục đích sử dụng đất mới vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, nhằm không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu, lợi ích của người dân.

Để tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định đối tượng tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án nhà ở trên địa bàn TP đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, UBND TP giao Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng quy trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Ngoài ra, UBND TP cũng giao các cơ quan chức năng tiếp tục phân loại, xác định quy mô và đề xuất phương án, quy trình, thủ tục xử lý phần đất do nhà nước quản lý trong các dự án (phần diện tích đất xen cài giữa các thửa đất, kênh, rạch...); đề xuất giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản trên đất thuê. Đồng thời đề xuất xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tế của công tác đầu tư xây dựng hiện nay trên địa bàn TP.

Kể từ nay, chủ đầu tư muốn thi công phải dán giấy phép xây dựng ngay tại công trình

Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện nhắc nhở chủ đầu tư và đơn vị thi công phải niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình để thuận tiện trong công tác quản lý những đơn vị không tuân thủ Luật lệ.

Ngày 17/10, ông Nguyễn Bá Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện hướng dẫn về việc niêm yết giấy phép xây dựng (GPXD) tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.

Thực hiện theo chỉ thị của Ban Thường vụ Thành uỷ và kế hoạch ngày 12/8/2019 của UBND Thành phố, đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức cùng tham gia giám sát trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo lực lượng quản lý trật tự xây dựng địa bàn tăng cường kiểm tra về điều kiện khởi công xây dựng công trình. Đồng thời nhắc nhở chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện treo biển báo theo quy định và niêm yết GPXD tại công trình xây dựng.

Ngoài ra, UBND phường, xã, thị trấn niêm yết GPXD đối với các công trình đang thi công xây dựng tại trụ sở UBND để theo dõi. Hướng dẫn này được thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, để người dân và các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát dễ dàng, xử lý kịp thời sai phạm trên tinh thần “công trình xây dựng không niêm yết giấy phép xây dựng thì không được xây dựng”.

 “Tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về điều kiện khởi công và các quy định về thi công xây dựng công trình…”, văn bản của Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Bình Thuận: Làm đường nhựa trên đất nông nghiệp để bán đất nền

Những ngày qua, lợi dụng tình trạng sốt đất xung quanh dự án sân bay Phan Thiết, một số cá nhân, tổ chức từ các nơi đổ về xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận để thu gom đất nông nghiệp với số lượng lớn; đồng thời tự ý làm đường nhựa kiên cố trên đất nông nghiệp, không đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuỳ tiện phân lô bán nền, có dấu hiệu lừa đảo, trục lợi.

Từ tháng 5/2019 đến nay, tuyến đường sỏi gồ ghề từ trung tâm xã Thiện Nghiệp nối vào sân bay Phan Thiết “bỗng dưng” mọc lên 4 đường nhựa kiên cố, kéo dài 2km. Tuyến rộng nhất có bề ngang 7m.

Xung quanh các tuyến đường cũng xuất hiện dày đặc biển quảng cáo mời gọi sang nhượng đất nền. Không chỉ được thảm nhựa sáng bóng mà dọc các con đường này còn được đầu tư hàng dài các trụ điện, chuẩn bị cho việc hạ thế. Phía bên trong từng khu đất được cắm mốc, có dấu hiệu phân lô bán nền.

Theo đại diện UBND xã Thiện Nghiệp, 4 con đường nhựa trên do một số cá nhân từ TPHCM và các phường nội thành Phan Thiết đến mua đất nông nghiệp, sau đó tự ý đầu tư đường xá, hạ tầng.

Trong đó, có 2 trường hợp xây đường trên đất nông nghiệp, 2 trường hợp còn lại trải nhựa trên đường mòn hiện hữu nhưng không nằm trong quy hoạch.

UBND xã đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính những cá nhân, nhóm người xây đường không phép này.

Ông Trần Ngọc Hận - Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cho biết, sắp tới xã sẽ yêu cầu khắc phục, nếu hộ dân không tự khắc phục thì sẽ tiến hành cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu.

Thế nhưng điều mà dư luận thắc mắc là vì sao những con đường nhựa không phép được đầu tư kiên cố gần nửa năm nay mà chính quyền lại không phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu.

Giải thích về điều này, ông Hận cho rằng: “Địa bàn của xã khá rộng, trong khi những con đường này làm rất nhanh… Trong quá trình xử lý, xã gặp vướng mắc là chưa nhận diện được hành vi vi phạm. Trên sổ cấp cho các hộ dân có thể hiện tuyến đường, thì họ làm sẽ bị xử lý như thế nào. Vì vậy địa phương mới báo cáo, chờ xin ý kiến và cho đến hiện nay mới có các cấp, ngành hướng dẫn”.

Quảng Nam: Xây khu du lịch nghỉ dưỡng biển 8,6ha

Dự án có tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 8,6ha; trong đó, cây xanh chuyên dùng ven biển khoảng 1,27 ha.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Báo cáo ĐTM Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Vinacapital - Hội An tại Khối Hà My Đông A, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn do Công ty TNHH Khu du lịch Vinacapital Hội An làm chủ đầu tư.

Theo phê duyệt, dự án có tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 8,6ha; trong đó, cây xanh chuyên dùng ven biển khoảng 1,27 ha.

Dự án bao gồm các khu chức năng chính khu công trình khách sạn với tổng diện tích đất khoảng 2.442 m2, tầng cao xây dựng có 12 tầng nổi và 1 tầng hầm, chiều cao không vượt quá 45 m; Khu công trình căn hộ du lịch (nghỉ dưỡng) tổng diện tích đất khoảng 4.593 m2, tầng cao xây dựng có 12 tầng nổi và 1 tầng hầm, chiều cao không vượt quá 45m; Khu công trình biệt thự du lịch có tổng diện tích đất khoảng 21.097 m2, tầng cao xây dựng 2 tầng, được bố trí thành 3 lớp tương ứng với cao độ san nền khác nhau để đảm bảo tất cả hướng được ra biển…

Hơn 5 ngàn hộ dân dành đất cho sân bay quốc tế Long Thành

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành trong đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay quốc tế Long Thành vào ngày 16-10 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thông báo thu hồi đất đối với 18 tổ chức và 5.283 hộ, 15.716 thửa đất của hộ gia đình có đất bị thu hồi.

Trong đó, Đồng Nai sẽ hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho các tổ chức trong năm 2019. Đối với các hộ dân, UBND huyện Long Thành đang chủ trì kiểm đếm, áp giá, dự kiến công việc này sẽ hoàn thành trong năm 2020. Trước mắt, Đồng Nai sẽ phấn đấu bàn giao khu đất 1.810 ha cho chủ đầu tư vào cuối năm 2020.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, khó khăn hiện nay của địa phương là quá trình thực hiện kiểm đếm. Bởi có nhiều thửa đất, ngành chức năng không gặp được người đăng ký chính chủ; nhiều trường hợp người dân trong khu vực chuyển nhượng bằng giấy viết tay nên rất khó xác định chủ sử dụng đất.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý do đây là dự án lớn, thu hồi diện tích lên đến hơn 5.000ha nên nếu không có giải pháp hữu hiệu sẽ không đạt được tiến độ đề ra. Tỉnh Đồng Nai, phấn đấu bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư vào năm 2021. Bộ TN-MT cần hướng dẫn các chính sách liên quan đến hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đặc biệt tiến độ xây dựng khung giá đất giai đoạn 2020-2025....

Công an Đồng Nai điều tra dự án 680 tỉ đồng không phép ở Biên Hòa

Công an tỉnh Đồng Nai ngày 18-10 cho biết đang điều tra dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp ở 15 Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa. Đây là một công trình xây dựng không phép giữa trung tâm TP Biên Hòa, do Công ty Cổ phần xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Theo đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu về khu đất có các công trình trên. Nội dung mà lực lượng PC 03 Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị cung cấp gồm hồ sơ pháp lý việc xây dựng và đưa vào sử dụng công trình trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện, công trình xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đã được cấp phép, thủ tục pháp lý ra sao.

Dự án không phép nêu trên có diện tích hơn 22.000 m2 với 3 khối công trình "khủng", tổng vốn đầu tư gần 680 tỉ đồng. Trong đó, khu A là trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện có quy mô 4 tầng và 1 tầng hầm, đã được đưa vào sử dụng; khu B là trung tâm thương mại dịch vụ quy mô 5 tầng và 1 tầng hầm đang thực hiện giữa chừng.

Từ cách đây 2 năm, UBND TP Biên Hòa đã xử phạt hành chính vi phạm ở công trình này và yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công. UBND tỉnh Đồng Nai sau đó cũng đã có văn bản chỉ đạo việc cưỡng chế nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại.

Quận 9 sắp có trung tâm thương mại Sense City

Saigon Co.op đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần đầu tư Đông Sài Gòn để tiếp tục phát triển thêm một trung tâm thương mại Sense City tại Khu công nghệ cao Quận 9, TP. HCM.

Sense City Quận 9 là trung tâm thương mại thứ 2 tại TP. HCM sau Sense City Phạm Văn Đồng khai trương đầu năm 2019.

Dự án Sense City Quận 9 hay còn gọi là Sense City Đông Sài Gòn sẽ  nằm trên trục đường chính của khu công nghệ cao đường D2 và nằm ngay cửa ngõ tiếp giáp với khu dân cư thuộc đường Lã Xuân Oai, quận 9, TP. HCM.

Dự kiến, dự án cung cấp tổng diện tích sàn trên 50.000 m², gồm 1 tầng hầm bãi xe và 04 tầng nổi sẽ đi vào hoạt động từ quý III/2020.

Bản tin bất động sản hôm nay 18/10: Cảnh báo nhiều khu dân cư trái phép rao bán rầm rộ - Bản tin bất động sản ngày 18/10 có những nội dung nổi bật sau: Những trường hợp được tái định cư khi thu hồi đất vùng Dự án sân bay Long Thành; BĐS khu Đông đang bùng nổ trở lại…
 
Tập đoàn Novaland vinh dự nhận giải thưởng Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc châu Á 2019 - Tại Lễ trao giải thưởng Kinh doanh xuất sắc Châu Á 2019 lần thứ 13, Tập đoàn Novaland vinh dự được xướng tên hạng mục Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á 2019.