Bản tin bất động sản hôm nay 25/11: Khu đô thị sáng tạo phía Đông, TPHCM có gì?

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 25/11 có những nội dung nổi bật sau: Bảng giá đất một số nơi có thể tăng đến 5 lần; Thị trường đất nền Củ Chi nóng trở lại; Đề xuất lập Sàn giao dịch BĐS TP.HCM...

Bảng giá đất một số nơi có thể tăng đến 5 lần

Dự kiến, từ đầu năm 2020, bảng giá đất áp dụng giai đoạn 2020-2024 được các tỉnh, thành ban hành sẽ tăng mạnh.

Cụ thể, dự thảo bảng giá đất ở Hà Nội tăng bình quân 15%-30%, Bình Dương tăng 45%-95%; một số địa bàn ở tỉnh Quảng Ninh tăng lên đến 5 lần so với bảng giá cũ.

Theo quy định, bảng giá các loại đất sẽ do UBND cấp tỉnh xây dựng định kỳ 5 năm/lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất; tính thuế sử dụng đất; phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tiền bồi thường cho nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất; tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất...

Thế nhưng, giá đất sẽ cấu thành tạo nên sản phẩm bất động sản trên thị trường; nếu giá đất tăng thì có nguy cơ kéo theo các sản phẩm bất động sản tăng theo.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông, TPHCM có gì?

Khu đô thị sáng tạo phía Đông, TPHCM sẽ có các khu chức năng quan trọng như khu đô thị Thủ Thiêm;  trung tâm thể thao Rạch Chiếc; trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa; xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ (biến khu

Ngày 23-11, TPHCM công bố ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM (gọi tắt là khu đô thị sáng tạo phía Đông).

Theo thuyết minh của đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu đô thị phía Đông là Công ty Sasaki Associates, Inc., (Mỹ) thì khu đô thị phía Đông TPHCM gồm 3 quận là quận 2, 9 và Thủ Đức.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ có các khu chức năng quan trọng như khu Thủ Thiêm trở thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế; khu trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; khu trung tâm công nghệ cao và trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TPHCM).

Cùng với đó là việc hình thành trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa, quận 9; xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ, Thủ Đức (biến khu cảng hiện hữu thành một khu đô thị mới)…

Để triển khai xây dựng các khu chức năng một cách đồng bộ, Công ty Sasaki đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển đô thị sáng tạo dưới mô hình công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án.

Ngoài ra, 3 quận trong khu vực cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển.

Đồng thời, TPHCM phải xin cơ chế đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư và nhân tài cho khu đô thị sáng tạo. Khi phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông, TPHCM cần ưu tiên các nhóm ngành nghề hiện có và phát triển ngành nghề công nghệ cao để tận dụng công nghệ phần mềm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Tại lễ công bố, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để chuẩn bị triển khai khu đô thị sáng tạo phía Đông, TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển đô thị trên nền tảng những đô thị đã được đầu tư sẵn có. Trong đó, TPHCM sẽ tập trung vào các không gian công cộng và khuyển khích kinh tế khởi nghiệp sáng tạo.

Phân lô, bán nền trái phép phạt 1 tỷ đồng có quá nhẹ?

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được Chính phủ ban hành mới đây có đề cập, từ ngày 5/1/2020 sẽ phạt đến 1 tỷ đồng nếu phân lô, bán nền đất khi chưa đủ điều kiện.

Theo nghị định, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014 hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014 nhưng chưa được UBND cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 của Luật Đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5 ha; Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha; Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 1 ha đến dưới 3 ha; Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3 ha trở lên.

Đồng thời, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP trở lên thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5 ha; Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha; Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 1 ha đến dưới 3 ha; Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1tỷ đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3 ha trở lên.

Bên cạnh đó, trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền mà không lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê thì xử phạt theo quy định tại Nghị định số 139/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Theo một số chuyên gia, dù rằng nghị định đưa ra điều khoản khá nghiêm ngặt hơn so với quy định cũ, song biện pháp khắc phục hậu quả của nghị định vẫn khá "nhẹ tay" khi chỉ yêu cầu chủ đầu tư tiến hành làm thủ tục trình chính quyền sở tại cấp phép cho việc làm trái quy định đó hoặc thực hiện tiếp tục đầu tư dự án như đã đăng ký và nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính.

Chuỗi sự kiện đáng chú ý tại Novaland Expo tháng 12/2019

 “Đầu năm mua muối, cuối năm mua nhà” – câu nói truyền miệng cũng như thông lệ tiêu dùng của người Việt Nam là lời giải cho nhu cầu tìm hiểu thông tin thị trường và dự án Bất động sản (BĐS) đang tăng nhanh chóng vào những tháng cuối năm. Trước sự phát triển đầy sôi động đó, với chuỗi dự án ấn tượng, những hội thảo có sự tham gia của chuyên gia đầu ngành và nhiều trải nghiệm hấp dẫn, Novaland Expo diễn ra từ ngày 4-8/12/2019 là Triển lãm BĐS không thể bỏ lỡ.

Novaland Expo 2019 cũng sẽ mang đến khách hàng những thông tin hữu ích về thị trường thông qua các buổi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.

Tuy mới xuất hiện, second home - mô hình ngôi nhà thứ hai tại Việt Nam được nhật báo Telegraph (Anh) xếp hạng là 1 trong 20 thị trường có tốc độ tăng trưởng "second home nghỉ dưỡng" cao nhất thế giới. Chính vì vậy, hội thảo “Quản lý, đầu tư second home trên nền tảng công nghệ số” chắc chắn sẽ là chủ đề “hot” và thu hút tại Novaland Expo.

Với sự tham gia của đại diện Savills Việt Nam, đại diện OYO Hotels & Homes - chuỗi khách sạn, nhà ở và quản lý không gian sống lớn thứ năm trên thế giới, đại diện Luxstay – là một trong những ứng dụng hàng đầu đặt phòng online, chuyên gia tư vấn đầu tư Tài chính - Hồng Nguyễn… hội thảo này sẽ cung cấp cho khách tham dự góc nhìn cận cảnh, rõ nét hơn về xu hướng, đặc biệt là kinh nghiệm đầu tư, quản lý Second-home trên các nền tảng công nghệ số trong thời đại 4.0.

Xem chi tiết

Đề xuất mức giá đất cao nhất tại TP. HCM là 700 triệu/m2

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý về khung giá đất giai đoạn 2019 - 2024 bằng cách giữ nguyên mức giá tối thiểu, mức giá tối đa thì tăng khoảng 1/3 so với hiện nay.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.

Cùng với đề xuất của TP. Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) lại có văn bản góp ý về khung giá đất giai đoạn 2019 - 2024 bằng cách giữ nguyên mức giá tối thiểu, mức giá tối đa thì tăng khoảng 1/3 so với hiện nay.

Trước những quan điểm trên, chuyên gia của Savills Việt Nam tại TP. HCM cho biết: Theo quy định, cứ sau 5 năm, Nhà nước sẽ ban hành khung giá đất mới và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. 2020 chính là thời điểm phải có khung giá đất mới. Với chu kỳ 5 năm thì giá đất đã có nhiều thay đổi nên việc điều chỉnh giá đất là phù hợp tại thời điểm này.

Về mức tăng, thực tế hiện nay, giá đất giao dịch trên thị trường đã khác biệt rất lớn so với giá đất quy định trong bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành. Khác biệt này đặc biệt thể hiện rõ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Để thu hẹp khác biệt này, mỗi năm, UBND các thành phố đều ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính toán các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.

Theo đó, các đề xuất của UBND Hà Nội và HoREA đều có cơ sở riêng, dựa trên thực tiễn khảo sát từ thị trường. Do đó đề xuất tăng là hoàn toàn hợp lý vì giá nhà đất đã thay đổi chóng mặt kể từ năm 2014 cho đến nay. HoREA đưa ra phương án giữ nguyên mức giá tối thiểu và tăng 1/3 mức giá tối đa, trên cơ sở dựa vào hệ số điều chỉnh tối đa hiện nay tại TP. HCM là 2,5 lần. Theo đó, giá đất ở tối đa sau điều chỉnh và tính toán hệ số là 700 triệu /m2, cũng là mức giá gần với thực tế giao dịch ở những vị trí đắt đỏ nhất hiện nay ở TP. HCM.

Dự báo thị trường bất động sản Bình Thuận năm 2020: Giá đất sẽ tăng mạnh?

Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới hạ tầng, thời gan qua, thị trường bất động sản Bình Thuận đã liên tục đón những đợt sóng đầu tư mới. Theo đó, các nhà đầu tư thứ cấp, môi giới, cò đất cũng tìm về địa phương này...

Với những tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên vùng quan trọng như quốc lộ (QL) 1A dài gần 200 km qua địa bàn tỉnh, tuyến QL 55 nối Bà Rịa – Vũng Tàu - Hàm Tân - Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc – QL 20 - Lâm Đồng; đường ĐT 720 - ĐT 766 qua Hàm Tân - Tánh Linh - Đức Linh ra QL 1A, QL 20. Tuyến đường ven biển khép kín chiều dài của tỉnh, với các tuyến rộng rãi như Hòa Thắng - Hòa Phú, ĐT.706B (Võ Nguyên Giáp), dễ dàng thấy được tiềm năng đón sóng đầu tư của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận .

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Thuận, qua điều tra, khảo sát, nhìn chung, giá đất dự kiến áp dụng 5 năm (2020 - 2024), đa số vị trí, loại đất có biến động tăng nhiều; giá đất thị trường (đất nông nghiệp, đất ở) so với bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND có biến động tăng, tập trung chủ yếu ở các thị trấn, thị xã, khu dân cư mới hình thành, tuyến đường mới được đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh trong đô thị ở huyện, thị xã bởi kết cấu hạ tầng đã được nâng cấp, đầu tư tốt hơn; giá chuyển nhượng trên thị trường biến động tăng…

Cụ thể, đất nông nghiệp, các huyện, thị xã đề nghị tăng giá từ 71 - 500%; đất lúa, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, đất cây lâu năm bình quân khoảng 60 - 90% giá thị trường phổ biến). Đối với các vị trí đất tại một số huyện Tuy Phong đề nghị tăng giá từ 120 - 217%; Bắc Bình tăng 120 - 140%; Hàm Thuận Bắc tăng 71 - 181%; Hàm Thuận Nam tăng 214 - 252%; Hàm Tân tăng 230 - 340%; Đức Linh tăng 165 - 245%; Tánh Linh tăng 190 - 269%; Phú Quý tăng 129 - 500%; thị xã La Gi tăng từ 140 - 233% so với Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND tỉnh trước đây.

Với đất lâm nghiệp, các huyện, thị xã, đơn vị tư vấn thống nhất lấy theo giá đất Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND nhân với hệ số K năm 2019 để đề xuất giá đất 5 năm 2020 - 2024. Đất làm muối, Hàm Thuận Nam điều chỉnh tăng 393% đối với vị trí 1, tăng từ 172 - 175% vị trí 2 và 3; Tuy Phong điều chỉnh tăng 106 - 220% so với Quyết định số 59/2014QĐ-UBND.

Tương tự, đất ở nông thôn khu vực 1, huyện Tuy Phong đề nghị tăng giá các vị trí từ 233 - 372%; Bắc Bình tăng giá từ 140 - 500%; Hàm Thuận Bắc tăng giá 57 - 233%; Hàm Thuận Nam tăng giá 207 - 388%; Hàm Tân tăng giá 140 -310%; Đức Linh tăng giá 206 - 281%; Tánh Linh tăng giá 286 - 433%; Phú Quý tăng giá 10,26 lần đến 15,38 lần; thị xã La Gi tăng giá 196 - 389% so với Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND (bình quân từ 60 - 90% giá thị trường phổ biến)

Thị trường đất nền Củ Chi nóng trở lại

Gần đây, thị trường đất nền Củ Chi đang có dấu hiệu nóng trở lại sau một thời gian hạ nhiệt. Nguyên do hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang chuẩn bị được đầu tư, thu hút các nhà đầu tư quay trở lại.

Hiện nay giá đất tại TP HCM liên tục tăng trong những năm trở lại đây, nhất là tại các quận trung tâm, khiến cho những người có thu nhập thấp khó có thể mua được nhà ở.

Nhiều cặp vợ chồng đã quyết định chọn mua nhà đất tại vùng ngoại thành, nơi có giá đất mềm hơn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh…

Trong xu thế tăng giá BĐS của TP HCM những năm gần đây, đất tại Củ Chi cũng tăng giá theo, tuy nhiên, biên độ tăng không nhanh bằng các quận gần trung tâm.

Bên cạnh đó, với giá đất hiện nay, BĐS tại Củ Chi được cho là rất phù hợp với nhu cầu ở thực của người dân, đa dạng các mức giá, tùy theo diện tích, có thể dưới 1 tỷ đồng, hoặc trên dưới 2 tỷ đồng.

Hơn nữa Củ Chi là vùng đất cao, nền ổn định nên chi phí xây dựng không tốn kém nhiều, phù hợp với thu nhập của người dân.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, giá đất tại Củ Chi sẽ tăng trở lại và có thể tăng mạnh vào giữa năm 2020.

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá đất tăng là do hạ tầng giao thông khu vực của ngõ Tây Bắc thành phố được đầu tư xây dựng, trong đó có tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài và hầm chui nút An Sương sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến giá đất tăng là do các nhà đầu tư đang có xu hướng quay trở lại Củ Chi. Vì so với nhiều địa phương khác, Củ Chi và Cần Giờ đang có giá đất thấp, hiện tại giá đất trung bình ở Củ Chi chỉ từ 10 – 20 triệu/m2.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch sử dụng đất, từ nay đến năm 2020 thành phố được chuyển đổi hơn 26.000ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó có số lượng lớn ở huyện Củ Chi.

Theo các chuyên gia kinh tế, không phải ngẫu nhiên, hàng loạt tập đoàn lớn chuyển hướng rót vốn vào khu đô thị Tây Bắc. Việc quy hoạch lại định hướng phát triển từ phía Nam thành phố (quận 7, Nhà Bè) sang khu Tây Bắc là nền móng vững chắc để các doanh nghiệp đón đầu cơ hội đầu tư.

Một chuyên gia BĐS cũng cho rằng, sự điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo sang phía Bắc thành phố nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà thành phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong điều kiện phần lớn diện tích thành phố nằm trên khu vực thấp.

Bình Thuận xây khu nghỉ dưỡng cao cấp

Trong 144.212m2 đất vừa giao, có 1.801m2 để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng khác và 44.787,3m2 đầu tư hạ tầng công cộng phục vụ khu dân cư.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa giao đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy để đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De La Gi tại xã Tân Phước, thị xã La Gi (đợt 1).

Theo đó, tỉnh Bình Thuận giao diện tích 144.212,4 m2 đất đã được UBND thị xã La Gi hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy để đầu tư Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De La Gi tại xã Tân Phước, thị xã La Gi. Hình thức sử dụng đất: Giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Trong 144.212m2 vừa được giao trên có 1.801m2 để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng khác và 44.787,3 m2 đất giao thông cho Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy đầu tư hạ tầng công cộng phục vụ khu dân cư.

Đề xuất lập Sàn giao dịch bất động sản TP. HCM

Nhằm tránh tình trạng bong bóng, duy trì sự kiểm soát của nhà nước ở tầm vĩ mô, Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM vừa kiến nghị hình thành sàn giao dịch bất động sản.

Trước thực trạng, dòng tiền đầu tư vào bất động sản chủ yếu từ ngân hàng, có giá đất, nhưng không phản ánh đúng quy luật cung cầu. Để tránh tình trạng bong bóng thị trường bất động sản, duy trì sự kiểm soát của nhà nước ở tầm vĩ mô.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM vừa nêu kiến nghị, cần hình thành sàn giao dịch bất động sản

Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM vừa nêu kiến nghị, cần hình thành sàn giao dịch bất động sản, trong tương lai có thể phát triển thành trung tâm giao dịch bất động sản.

Có sàn giao dịch bất động sản thì thị trường bất động sản TP. HCM sẽ phát triển minh bạch, có sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Dòng tiền đầu tư vào bất động sản cũng sẽ được kiểm soát.

Hiện nay, TP. HCM được giao nắm giữ 209,5 nghìn ha đất đai, trong đó 114 nghìn ha đất nông nghiệp, 94,6 nghìn ha đất phi nông nghiệp.

Trong đó có 162,3 nghìn ha đất đang được sử dụng, 47,3 nghìn ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng chỉ còn 927 ha.

Như vậy có thể thấy, hầu hết đất đai ở TP. HCM đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Là thị trường bất động sản lớn nhất nên giá đất ở TP. HCM cũng cao nhất cả nước. Cụ thể, mỗi mét vuông đất thuộc bất kể loại nào trên thị trường cũng có giá từ vài triệu tới khoảng 1 tỷ đồng.

TTC Land bị phạt và truy thu thuế gần 10 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) vừa bị Tổng cục Thuế truy thu, xử phạt tổng số tiền gần 10 tỷ đồng vì khai sai thuế.

Theo đó, TTC Land có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Cụ thể, công ty đã khai thiếu gần 7,8 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

TTC Land bị phạt tiền với mức phạt 20% tính trên số thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân khai thiếu, tương ứng số tiền 1,55 tỷ đồng đồng thời, bị truy thu gần 7,8 tỷ đồng tiền thuế bị thiếu. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 7,6 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 1% là 49 triệu đồng và thuế thu nhập cá nhân 124 triệu đồng.

Ngoài ra, TTC Land phải nộp thêm tiền chậm nộp tính đến hết ngày 14/11/2019 là 533 triệu đồng.

Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng vẫn chưa khai thác Tết 2020

Theo thông báo từ bến xe miền Đông, dự án bến xe miền Đông mới tại quận 9, TP. HCM sẽ chưa được đưa vào sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán 2020 tới.

Cụ thể, trong thông báo về kế hoạch phục vụ dịp tết 2020 của bến xe miền Đông cho biết, mọi hoạt động xe đưa đón phục vụ khách vẫn sẽ thực hiện thông qua bến xe miền Đông hiện hữu thuộc quận Bình Thạnh.

Trong khi đó, dự án bến xe miền Đông mới tại quận 9 chưa đưa vào khai thác nhằm không làm xáo trộn việc đi lại của người dân.

Dự án bến xe Miền Đông mới được xây dựng trên khu đất rộng 16 ha, nằm dọc mặt tiền xa lộ Hà Nội thuộc phường Long Bình, quận 9, TP. HCM và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương。

Khởi động dự án Trung tâm thương mại thế giới ở Bình Dương

Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương do Becamex IDC làm chủ đầu tư là một quần thể gồm trung tâm tài chính ngân hàng, hội nghị quốc tế, khách sạn... và có nhà ga kết nối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Ngày 23/11, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC (UPCoM: BCM) đã chính thức công bố dự án Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương.

Đây là một trong những dự án có quy mô lớn nhất tại thành phố mới, được xây dựng tại vị trí đắc địa có diện tích 7ha ở khu vực vòng xoay liền kề trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.

Trung tâm thương mại thế được kỳ vọng là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh, văn hóa, hoạt động cộng đồng diễn ra cả ngày và đêm. Đây là một quần thể gồm trung tâm tài chính ngân hàng, hội nghị quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng...

“Bộ sưu tập” Bất động sản tại Novaland Expo 2019 - Cơ hội lớn cho nhà đầu tư  - Triển lãm Bất động sản Novaland Expo tháng 12 (từ ngày 4-8/12/2019) không chỉ mang đến bức tranh tổng thể thị trường trong nhiều lĩnh vực mà còn là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Điểm nổi bật tại triển lãm BĐS Novaland Expo tháng 12 sắp tới? - Triển lãm Bất động sản Novaland Expo từ 4-8/12/2019 hứa hẹn giá trị lâu dài, bền vững từ chuỗi DA BĐS và hệ sinh thái dịch vụ, nâng tầm uy tín với sự tham gia của hơn 40 đối tác chiến ...