Bản tin bất động sản hôm nay 28/9/2019: Thị trường BĐS Việt Nam đã 'hút' 2,7 tỉ USD vốn FDI 9 tháng

 (VOH) - Bản tin bất động sản ngày 28/9 có những nội dung nổi bật sau: Nhà đầu tư bất động sản đang "thả tiền" vào đâu để mong thắng lớn cuối năm; Đà Nẵng lần đầu tiên công khai quỹ đất…

Thị trường bất động sản Việt Nam đã 'hút' 2,77 tỉ USD vốn FDI 9 tháng đầu năm

9 tháng năm 2019 có tổng cộng 26,16 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,77 tỉ USD, chiếm 10,6%.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2019, Việt Nam đã thu hút 2.759 dự án đầu tư nước ngoài cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 10,97 tỉ USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,79 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm nay đạt 15,76 tỉ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhà đầu tư bất động sản đang "thả tiền" vào đâu để mong thắng lớn cuối năm?

Không chỉ có có đất nền ven biển các tỉnh miền trung, chung cư tại các "thủ phủ" công nghiệp đang là đích nhắm cuối năm của giới đầu tư bất động sản.

Thời gian gần đây, tại nhiều vùng đất dọc miền Trung với tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được khai phá đang là những khu vực hút mạnh nhà đầu tư đổ về. Có thể kể đến như Sầm Sơn - Thanh Hóa, Cửa Lò – Nghệ An, Đồng Hới – Quảng Bình, Quảng Trị, Huế…Giá đất tăng chưa từng có, có những khu vực giá tăng gấp đôi chỉ trong vòng 6 tháng.

Tại những thị trường này, cùng với cơn sốt nhà đất là hàng loạt dự án lớn được chủ đầu tư đổ bộ ra thị trường. Điểm chung của hầu hết những dự án nghỉ dưỡng này là đều được phát triển theo mô hình dự án du lịch, giải trí nghỉ dưỡng quy mô lớn, được đầu tư bài bản.

Tại Thanh Hóa, có thể kể đến như siêu dự án khu vui chơi giải trí quy mô 1200ha tại Sầm Sơn do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư. Tập đoàn Vingroup cũng đang triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng cạnh suối cá Cẩm Lương, quy mô vào khoảng 17,8ha và 1 dự án khác ở khu vực Hồ Thành, thành phố Thanh Hóa.

Còn tại Nghệ An, siêu dự án khu giải trí Cửa Hội của Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, quy mô 195,5 ha chuẩn bị triển khai cũng đang làm "nóng" thị trường đất nền ven biển nơi đây. Hàng loạt dự án giáp ranh khu giải trí Cửa Hội đã được chủ đầu tư bung hàng trước đến đón "sóng".

Mới đây Tập Đoàn Bảo Khánh Hamico đã công bố dự án Cua Lo Beach Villa có quy mô gần 16 ha.

Ngoài những vùng đất ven biển mới bắt đầu nóng sốt, thị trường BĐS cũng chứng kiến sự trở lại của những thị trường cũ như Phan Thiết, Mũi Né tại Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu....

Tại Bình Dương, giá các căn hộ chỉ quanh ngưỡng 20 triệu. Các chung cư có vị trí gần đường lớn, kết nối giao thông thuận tiện, nội thất hoàn chỉnh, giá 1,2-1,5 tỷ đồng, có thể cho thuê mức giá trên 10 triệu đồng/m2, tỷ suất lợi nhuận có thể lên tới 8-10% đã hút nhà đầu tư BĐS tại TPHCM và Hà Nội đổ tiền đầu tư mua căn hộ cho thuê.

Có thể nói, thị trường BĐS cuối năm đang hết sức sôi động. Nhà đầu tư đang có xu hướng tìm về những tỉnh ven biển, đó là những đất nghèo nhất cả nước, giàu tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác, những thị trường căn hộ giá rẻ nhưng tỷ suất lợi nhuận cho thuê cao.

Khối ngoại lùng thuê văn phòng cao cấp

3 năm qua, khách thuê văn phòng là doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ trọng vượt trội với 63%.

Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo mới nhất về thị trường văn phòng cho thuê Việt Nam với sự lấn lướt của khối ngoại so với các doanh nghiệp trong nước. Theo dữ liệu từ hệ thống tư vấn cho thuê nội bộ của đơn vị này, từ năm 2017 đến quý III/2019, tỷ trọng giữa khách thuê văn phòng Việt Nam và nước ngoài lần lượt là 37% và 63%.

Khác biệt chú ý là khách thuê nước ngoài có xu hướng ưa chuộng, săn lùng những không gian văn phòng cao cấp với giá thuê cao hơn khối nội rất nhiều. Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, 80% diện tích thuê tại các tòa hạng A là của khách thuê nước ngoài. Trong các giao dịch ở TP HCM nửa đầu năm nay, hai ngành chiếm tỷ trọng cao nhất là bất động sản (57%) và công nghệ thông tin (14%). Riêng đối với bất động sản, phần lớn giao dịch đến từ các không gian làm việc chung (Co-working space).

Ở nhóm khách thuê là các công ty đa quốc gia hiện có xu hướng lựa chọn đặt trụ sở tại nhiều địa điểm ở các nước khác nhau trong khu vực và chưa đẩy mạnh việc thuê văn phòng tại Việt Nam. Nguyên nhân là nguồn cung văn phòng chất lượng cao tại TPHCM đang khan hiếm, nguồn cung ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đơn vị khảo sát này cho hay, TPHCM hiện là một trong những thị trường sở hữu các văn phòng hạng A hoạt động tốt nhất khu vực châu Á và Đông Nam Á, với công suất 98% và giá thuê 60 USD mỗi m2 một tháng. Thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong bối cảnh nguồn cung mới khan hiếm, chỉ xấp xỉ 20.000 m2 sàn văn phòng dự kiến trong hai năm tới. Các khách thuê cần văn phòng mới hoặc muốn mở rộng diện tích hiện tại sẽ không có nhiều lựa chọn bởi nguồn cung hạn chế trong tương lai gần.

TP.HCM chỉ đạo cắt điện, nước tòa nhà xây vượt 5 tầng

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cắt điện, nước và đình chỉ hoạt động tại tòa nhà 51, Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5.

Theo đó, xét thấy Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mai Hoàng (Công ty Hoàng Mai), Công ty TNHH Xây dựng Đại Dũng (đơn vị quản lý tòa nhà) không chấp hành các quyết định xử phạt của cơ quan chức năng, UBND TPHCM đã có chỉ đạo xử lý.

UBND TP giao Tổng Công ty Điện lực TP, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạm đình chỉ cung cấp dịch vụ điện, nước tại tòa nhà 51 Nguyễn Chí Thanh.

Chủ tịch quận 5 phối hợp với Công an TP kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh, cho thuê nhà tại tòa nhà 51 Nguyễn Chí Thanh; cấm đưa người và phương tiện sinh hoạt vào tòa nhà… cho đến khi hoàn tât các thủ tục pháp lý và chấp hành các quy định xử phạt của cơ quan chức năng.

Năm 2009, dự án Cao ốc Văn phòng làm việc số 51 Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5 do Công ty Mai Hoàng làm chủ đầu tư được phép xây 7 tầng nổi, nhưng chủ đầu tư xây đến 12 tầng.

Đà Nẵng lần đầu tiên công khai quỹ đất

Ngày 28-9, UBND TP Đà Nẵng cho biết thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về việc công khai quỹ đất trên địa bàn TP, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng đã tiến hành công khai thông tin quỹ đất hiện do trung tâm quản lý.

Cụ thể như sau: về quỹ đất tái định cư, hiện nay, toàn TP có 23.458 lô, trong đó, có 15.607 lô đã có mặt bằng, 7.851 lô chưa có mặt bằng.

Trên địa bàn quận Cẩm Lệ có 3.770 lô đất tái định cư, quận Hải Châu có 251 lô, quận Thanh Khê có 93 lô; quận Sơn Trà có 1.884 lô, quận Ngũ Hành Sơn có 8.078 lô, quận Liên Chiểu có 4.055 lô và huyện Hòa Vang có 5.327 lô.

Trên địa bàn TP có 247 khu đất lớn đã có mặt bằng, với diện tích 1.311.851m2. Cụ thể, quận Cẩm Lệ có 55 khu đất, với diện tích 375.024m2, quận Hải Châu có 11 khu đất, diện tích 114.095m2, quận Thanh Khê có 3 khu đất, với diện tích 9.157m2, quận Sơn Trà có 71 khu đất, diện tích 202.539m2, quận Ngũ Hành Sơn có 52 khu đất, diện tích 221.304m2, quận Liên Chiểu có 21 khu đất, diện tích 120.561m2 và huyện Hòa Vang có 34 khu đất, với diện tích 295.372m2.

Theo UBND TP Đà Nẵng, việc công khai minh bạch thông tin quỹ đất trên địa bàn TP nhằm giúp cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin liên quan về đất đai, làm cơ sở cho việc phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như việc nhận đất tái định cư được thuận lợi.

Tuyển chọn phương án kiến trúc cầu đi bộ từ bến Bạch Đằng qua sông Sài Gòn

UBND TP.HCM vừa duyệt nhiệm vụ tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ nối trung tâm Q.1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Vị trí cầu nằm ở giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn. Phía Q.1, chân cầu nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng, gần kề với phố đi bộ Nguyễn Huệ; phía Q.2, chân cầu nằm tại công viên bờ sông ở khu A, phía nam quảng trường trung tâm của khu đô thị mới Thủ Thiêm.

UBND TP.HCM đặt ra yêu cầu thiết kế phải đảm bảo hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực xung quanh. Cầu cần có hình dáng dễ nhớ, là một tác phẩm nghệ thuật trên không gian mặt nước. Ngoài ra phải có khu vực đậu xe và các công trình hỗ trợ phục vụ như nhà vệ sinh, quầy nước… cho khách tại 2 điểm đầu cầu. Thiết kế phải đáp ứng cho các xe cứu nạn, cứu hộ khi cần có thể di chuyển trên cầu thuận tiện.

Phương án kiến trúc và giải pháp tiếp cận giao thông cho công trình sẽ là sự kết hợp giữa phương án trước mắt là hệ thống giao thông hiện nay và phương án lâu dài khi đường Tôn Đức Thắng và công viên Bạch Đằng được xây dựng hoàn chỉnh.

Đặc biệt, tuy cầu được sử dụng để đi bộ nhưng đồng thời cũng có phân làn cho người đi xe đạp. Người đi bộ, người đi xe đạp, người khuyết tật, trẻ em và người cao tuổi có thể tiếp cận và di chuyển dễ.

Hợp thức hóa căn hộ diện tích nhỏ: Mở cửa cho người thu nhập thấp

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đóng góp Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chung cư, trong đó đưa ra đề xuất cho phép xây dựng căn hộ diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25m2, phải có một phòng ở, một phòng vệ sinh.

Đây được coi là định hướng mới trong việc quản lý diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư và tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được quyền sở hữu căn hộ.

Tại Dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chung cư đang được Bộ Xây dựng công bố để lấy ý kiến, trong đó có nội dung quy định, căn hộ chung cư phải có tối thiểu một phòng ở, một phòng vệ sinh. Diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25m2. Ở dự án nhà ở thương mại phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ có diện tích dưới 45m2 không vượt quá 30% tổng số căn hộ. Trước đó, trong Luật Nhà ở được sửa đổi năm 2014, Bộ đã bỏ quy định giới hạn diện tích tối thiểu là 45m2 đối với căn hộ chung cư thương mại.

Theo ông Vũ Tuấn Trường - Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, hiện nay nhu cầu về căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45m2 trên thị trường rất lớn, đặc biệt tại các TP như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… là những địa bàn có số lượng rất lớn người dân nhập cư và lao động từ các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, loại hình căn hộ có diện tích nhỏ cũng đang là sản phẩm được những người chưa lập gia đình, người có thu nhập thấp, độc thân… rất ưa chuộng.

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, việc Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ diện tích tối thiểu là 25m2 có thể được coi là tín hiệu đáng mừng cho cả người mua nhà thu nhập thấp và chủ đầu tư. Đây có lẽ là giải pháp cho nhà thương mại giá rẻ mà thị trường vẫn tìm kiếm bấy lâu, tạo điều kiện cho nguồn cung phát triển bắt kịp với nguồn cầu.

Bản tin bất động sản hôm nay 27/9/2019: Điều chỉnh qui hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ  - Bản tin bất động sản ngày 27/9 : TPHCM điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, 10 phân khu dọc sông Sài Gòn; Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ mở safari Hồ Tràm...
Thực hiện trách nhiệm xã hội tại Bình Thuận, Novaland tiếp tục đồng hành cùng Giáo dục & Đào tạo - Ngày 26/9 trong khuôn khổ “Lễ Khai giảng niên học 2019 – 2020” của ĐH Phan Thiết, Tập đoàn Novaland đã trao tặng học bổng đến sinh viên năm nhất hoàn cảnh khó khăn và thành tích học ...