Bản tin bất động sản hôm nay 6/1/2020: Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng TM năm 2020 là 5%

(VOH)- Bản tin bất động sản ngày 6/1 có những nội dung nổi bật sau: Cận Tết, nhà đất vùng ven TPHCM hạ giá, nhà đầu tư có quay lại? BĐS du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao năm 2020

Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng thương mại năm 2020 là 5%/năm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 2734/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các Ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.

Theo đó, mức lãi suất của các Ngân hàng thương mại trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở là 5%/năm, và áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

Các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiêp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 và thay thế Quyết định số 2570/QĐ-NHNN ngày 25/12/2018.

Cận Tết, nhà đất vùng ven TP.HCM hạ giá, nhà đầu tư có quay lại?

Loại hình đất nền phân lô đang có xu hướng giảm giá tại một số khu vực ven trung tâm TP.HCM như Quận 9, huyện Bình Chánh, Nhà Bè… Nhiều người chào bán với giá trị tuyệt đối giảm từ 100 - 200 triệu đồng mỗi nền so với thời điểm giữa năm 2019.

Điều này khiến cả người mua thực lẫn nhà đầu tư cá nhân nhanh chóng tìm cơ hội ở thời điểm này. Tại khu vực Q.9, các nền đất diện tích 50m2 nằm trong các khu dân cư mới hiện bán ra với giá khoảng 2,2 tỷ đồng/nền (đường hẻm), đã giảm khoảng 150 triệu đồng/nền so với thời điểm tháng 6/2019. Một số nền mặt tiền cũng chững giá ở mức 2,8 - 3,3 tỷ (tùy vị trí, diện tích). Giá này theo ghi nhận cũng đã giảm từ 100-200 triệu đồng/nền so với cách đó 4 tháng.

Tương tự, tại huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, một số nền đất thổ cư đã hạ giá để tìm khách mua vào thời điểm cuối năm. Mức hạ không đáng kể nhưng theo tìm hiểu, thông tin hạ giá đất nền đã tác động đến không khí giao dịch của thị trường các khu vực này. Cả người mua thực lẫn giới đầu tư đã có động thái “chớp cơ hội” lúc thị trường đang chững để mua vào.

Theo ghi nhận tại khu vực Q.9, những ngày qua khá nhiều nhà đầu tư cá nhân và người mua thực đổ về tìm kiếm đất nền đã có sổ. Với nhà đầu tư, những nền đất phía trong khu dân cư có giá từ 2-2,2 tỷ đồng/nền được họ tìm mua và nhanh chóng cọc, đi công chứng.

Bên cạnh việc mua để đó chờ thời điểm giá tiếp tục lên bán ra, nhiều nhà đầu tư mua và xây nhà để bán về sau này. Theo các nhà đầu tư, canh thời điểm thị trường đang chững và giá có hiện tượng giảm nên mua vào, sau thời điểm Tết Nguyên đán giá đất tại các khu vực này có thể sẽ lên mặt bằng mới.

Tìm hiểu cho thấy, sau suốt quá trình tăng giá “chóng mặt”, đất nền các khu vực ven TP.HCM hạ nhiệt rõ nét từ đầu năm 2019. Tuy hạ nhiệt so với thời điểm nóng sốt nhưng giá đất nền các khu vực vẫn âm thầm trên đà tăng. Mức tăng ít nhất so với thời điểm đầu năm là khoảng 15-20%.

Bất động sản Hà Nội năm 2020: 30% nguồn cung đến từ phân khúc hạng sang

Ước tính trong năm 2020, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ có khoảng 1.000 căn hộ hạng sang từ 4 dự án lớn gia nhập nguồn cung mới, chiếm 30% tổng cung hiện tại. Triển vọng tăng giá cùng viễn cảnh kinh tế tích cực sẽ thúc đẩy tâm lý người mua trên thị trường, làm tăng lượng giao dịch...

Bất động sản tại Hà Nội ngày càng khan hiếm là nhận định chung của giới chuyên gia và các nhà đầu tư thời gian gần đây. Đây cũng là lý do khiến một số dự án bất động sản nằm tại khu lõi trung tâm thu hút mạnh sự quan tâm của người mua, thậm chí có những sản phẩm bất động sản đã trở thành "món hàng" quý tại lễ đấu giá cuối năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn cung bất động sản tại Hà Nội đã giảm đáng kể trong thời gian vừa qua. Năm 2019, thị trường bất động sản Hà Nội chứng kiến sự tụt giảm 24% về nguồn cung khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao, trung bình giá chung cư tại Hà Nội đã tăng khoảng 8% so với năm 2019.

"Theo dự báo năm 2020 mức tăng giá này có thể trên 10%. Nếu tình trạng thiếu cung còn tiếp tục như hiện nay tôi lo ngại thị trường bất động sản Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ thiếu cung trầm trọng trong năm 2021. TP. Hà Nội dự báo sẽ hết hàng sớm hơn TP. HCM", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo "Dòng tiền cho bất động sản năm 2020".

Thực tế quan sát cho thấy, cùng với việc thiếu cung trên thị trường một lực đẩy khiến giá nhà đất Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới là bảng giá đất.

Theo đó,bảng giá đất tại Hà Nội sẽ tăng bình quân 15% với đất ở tại các quận so với giai đoạn 2014 - 2019. Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại các quận được điều chỉnh bằng 62 - 65% giá đất ở sau khi điều chỉnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự khan hiếm về nguồn cung cộng với việc tăng giá đất đang khiến các sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc hạng sang tọa lạc tại khu vực lõi trung tâm Hà Nội đang trở thành hàng hiếm trên thị trường, ngày càng khó tìm và khó mua hơn. Đặc biệt, những sản phẩm bất động sản không chỉ khan hiếm mà còn là kiệt tác nghệ thuật thì ngày càng trở thành "của hiếm khó tìm", thậm chí có tiền cũng khó tìm được sản phẩm vừa ý.

Quý II - III/2020, nguồn cung bất động sản khu công nghiệp sẽ được bổ sung

Trong quý IV/2019, thị trường bất động sản khu công nghiệp đang phải trải qua tình trạng thiếu quỹ đất sẵn sàng cho thuê. Đây là kết quả của những khó khăn trong việc bồi thường và giải phóng mặt bằng, chủ yếu ghi nhận tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai và TP. HCM.

Thị trường bất động sản công nghiệp khu vực miền Nam đang phải trải qua tình trạng thiếu quỹ đất sẵn sàng cho thuê. Đó là nhận định trong báo cáo thị trường của JLL Việt Nam mới đây.

Trong các tháng cuối năm cũng không có khu công nghiệp mới nào được đưa vào thị trường.

Theo dự báo, giá đất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng theo thời gian. Với số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao, các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý 4/2019 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc phát triển logistics/cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất này vì quá trình phát triển cho những thay đổi đáng kể về hạ tầng vẫn diễn ra chậm chạp, do đó các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác.

Theo JLL, nhà xưởng xây sẵn vẫn là lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi có giá thuê dao động từ 3,5 - 5 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP. HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại so với thời điểm trước đó.

Nhận định về triển vọng thị trường, JLL cho rằng quỹ đất chưa hoàn thành trong các khu công nghiệp hiện hữu dự kiến sẽ được ra mắt trong quý II và quý III/2020. Ngoài ra, khoảng 1.890 ha tại các khu công nghiệp mới và khu mở rộng dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2020 ở miền Nam, chủ yếu ở Bình Dương do tỉnh này đã gần cạn nguồn cung.

Hà Nội: Giá thuê văn phòng khu trung tâm tăng nhanh

Theo nhận định của JLL Việt Nam, giá thuê văn phòng ở khu vực CBD, dẫn đầu là quận Đống Đa tăng nhanh hơn so với khu vực tập trung văn phòng mới như quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.

Báo cáo thị trường bất động sản quý 4-2019 tại Hà Nội của JLL ghi nhận, nhu cầu thuê văn phòng tiếp tục ổn định. Trong quý, cả phân khúc Hạng A&B đều ghi nhận lượng hấp thụ ròng tăng so với quý 3-2019, cho thấy nguồn cầu của thị trường tiếp tục được giữ vững.

Tỉ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường tiếp tục tăng, đạt mức 93%, trong đó Hạng A đạt mức 94,0%. Diện tích sàn hấp thụ ròng phân khúc Hạng A chủ yếu đến từ tòa nhà TNR Tower và ThaiHoldings Tower, hai tòa nhà mới nhất trên thị trường. Văn phòng Hạng B ghi nhận diện tích hấp thụ ròng trong quý cao hơn Hạng A nhờ nguồn cung phong phú hơn trong phân khúc này.

Trong khi thị trường không chào đón thêm nguồn cung Hạng A mới nào, thị trường Hạng B tiếp tục đón nhận 2 tòa nhà mới, Coninco Tower và Peakview Tower, giúp tổng nguồn cung của thị trường văn phòng Hạng A&B đạt xấp xỉ 1,8 triệu m2. Cả hai tòa nhà mới đều nằm trong quận Đống Đa, một trong những khu vực tập trung văn phòng chính của Hà Nội.

Đánh giá về triển vọng thị trường, thị trường được dự đoán sẽ chào đón một lượng lớn nguồn cung mới, ở cả Hạng A&B trong năm 2020, trong đó đáng chú ý nhất là tòa nhà Hạng A Capital Place. Nguồn cầu được dự đoán sẽ giữ ở mức ổn định, với nhu cầu chủ yếu đến từ việc mở rộng hoặc thay đổi văn phòng.

Trải nghiệm phong cách nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên rừng & biển Hồ Tràm

(VOH) - Hơn 300 khách hàng đã cùng đến tham dự “hành trình trải nghiệm” Vườn xuân miền nhiệt đới - tham quan và tận hưởng phong cách sống nghỉ dưỡng tại NovaWorld Hồ Tràm ngày 04/01.

Chất liệu tự nhiên, cây xanh và màu sắc tươi sáng là một trong những đặc trưng của thiết kế second home The Tropicana

Khách hàng đã có cơ hội trải nghiệm thực tế không gian nghỉ dưỡng hoàn hảo giữa thiên nhiên thuần khiết vùng biển Hồ Tràm trong chính ngôi nhà thứ hai (second home) tương lai của mình. Cũng trong chương trình, thông tin về tiến độ dự án và các chương trình ưu đãi để sở hữu sản phẩm The Tropicana đã được cung cấp đến Quý khách hàng.

Qua chuyến đi, tận mắt chứng kiến sự thay đổi từng ngày của hạ tầng giao thông, không khí trong lành của Hồ Tràm và đặc biệt là phong cách kiến trúc độc đáo của second home The Tropicana; nhiều khách hàng đã quyết định “xuống tiền” ngay tại sự kiện để trở thành chủ nhân của nơi đây.

Xem chi tiết tại đây

Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao trong năm 2020

"Đầu tư vào bất động sản du lịch mang lại giá trị gia tăng vượt trội hơn hẳn các kênh đầu tư vào bất động sản loại hình khác. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn", TS. Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định.

Trong bài tham luận mới đây, TS. Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, chưa bao giờ ngành du lịch của Việt Nam bùng nổ như hiện nay. Theo ông Khánh, để đạt được 8 triệu khách quốc tế đầu tiên chúng ta đã trải qua 21 năm (1994-2015), nhưng ở giai đoạn phát triển bùng nổ vừa qua, để đạt 8 triệu tiếp theo chúng ta chỉ cần 3 năm (2015-2018).

"Dự báo đến năm 2020 đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, du lịch Việt Nam sẽ cất cánh và phát triển lên tầm cao mới thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thập kỷ tới", ông Khánh khẳng định

Cũng theo ông Khánh với sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua  đã thúc đẩy làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ du lịch...tại các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là các địa phương như Hạ Long, Nha Trang,Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu... .

Ông Khánh cũng khẳng định đầu tư vào bất động sản du lịch mang lại giá trị gia tăng vượt trội hơn hẳn các kênh đầu tư vào bất động sản loại hình khác. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ Tài nguyên & Môi trường thanh tra vụ hoán đổi đất tại TP. HCM

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết đã thành lập Đoàn công tác để kiểm tra, rà soát việc UBND TP. HCM thu hồi đất của công ty và cho doanh nghiệp khác thuê xảy ra tại khu đất 8,3 ha, nằm cạnh quy hoạch trung tâm thương mại Bình Điền.

Văn bản số 6456/BTNMT-TTr do Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Quốc Trung ký cho biết, việc thanh tra này theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình để giải quyết phản ánh, kiến nghị của Công ty TNHH Thuận Hưng. Thời gian làm việc của đoàn công tác là 30 ngày làm việc.

Trước sự việc trên, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính, Cục thuế, UBND Quận 8, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty Cổ phần Bình Điền... phối hợp với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên & Môi trường rà soát làm rõ vụ việc.

Việc thanh tra này xuất phát từ khiếu nại của Công ty TNHH Chế biến nông hải sản Thuận Hưng.

Quảng Nam: Duyệt quy hoạch phân khu 940 ha tại TP. Tam Kỳ

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định 4185/QĐ-UBND ngày 24/12/2019 phê duyệt Quy hoạch phân khu 8 – Trung tâm đô thị mới phía Đông TP. Tam Kỳ diện tích 940 ha.

Toàn bộ phân khu 8 được phân thành 4 khu chức năng: Khu vực 1: khu vực hai bên đường Điện Biên Phủ từ đường ven sông đến khu vực đồng lúa phía Bắc phân khu 8 (quy mô diện tích khoảng 179 ha); Khu vực 2: từ Tượng đài Mẹ VNAH đến kênh Đông và khu vực hồ Sông Đầm (khoảng 425 ha); Khu vực 3: từ đường ven sông đến ranh giới khu vực 1, khu vực 2 (229 ha) và Khu vực 4: từ đường ven sông đến giáp sông Bàn Thạch (107 ha).

Nguồn lực thực hiện quy hoạch và triển khai các hạng mục gồm: ngân sách Trung ương, tỉnh, thành phố, địa phương; nguồn vốn ODA; nguồn ngoài ngân sách, nguồn đóng góp khác, nguồn vốn khác.

Hòa Bình mời thầu chọn nhà đầu tư Dự án Khu dân cư 128 tỷ đồng

Từ ngày 8/1 - 9/3/2020, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình sẽ phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) Dự án Khu dân cư tại Tiểu khu I, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất, được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 128 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng là 101.362 m2; thời gian thực hiện Dự án là 24 tháng. Địa điểm phát hành HSMT là Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, đường Lý Nam Đế, phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình; giá bán mỗi bộ HSMT là 15 triệu đồng; bảo đảm dự thầu 1,92 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu nhà ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình dịch vụ theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt; tạo quỹ đất ở kết hợp dịch vụ tại huyện Lương Sơn.

Bán nhà ở xã hội cho cả 'người giàu'

Đà Nẵng vừa công bố kết luận thanh tra dự án nhà ở xã hội và phát hiện nhiều sai phạm. Có tới 40 người diện chịu thuế thu nhập cá nhân cũng được mua nhà vốn dành cho người thu nhập thấp.

Ông Trần Huy Đức, chánh Thanh tra TP Đà Nẵng, vừa ký kết luận thanh tra dự án nhà ở xã hội An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) do Công ty liên doanh DMC - 579 làm chủ đầu tư.

Theo kết luận của thanh tra, có 80 trường hợp mua nhà không đúng đối tượng, nên thanh tra kiến nghị hủy hợp đồng và thu hồi căn hộ đã bán sai đối tượng.

Điều đáng nói là 80 trường hợp trên đã nhận nhà và vào ở từ lâu. Có rất nhiều trường hợp sau khi nhận nhà đã bỏ ra một khoản tiền lớn để sửa chữa, trang trí căn nhà của mình.

Theo Thanh tra TP Đà Nẵng, trong số 80 trường hợp được bán nhà sai quy định có 40 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân theo Luật thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, có 10 trường hợp người mua nhà ở xã hội kê khai không trung thực về đối tượng lao động làm việc trong doanh nghiệp để được hưởng chính sách nhà ở xã hội, chủ doanh nghiệp xác nhận không đúng.

Còn các đối tượng đã có nhà ở, không có nhu cầu ở nhưng đứng tên mua giúp nhà cho người khác cũng bị Thanh tra TP Đà Nẵng kiến nghị thu hồi căn hộ.

Tái diễn xây dựng trái phép trên đất vàng ở Hải Phòng

Nhiều khu đất nông nghiệp giao khoán được quây kín cổng cao tường để thực hiện xây dựng trái phép bên trong.

Tình trạng xây dựng trái phép tại khu vực đường Bắc Sơn - Nam Hải (phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng) chưa được giải quyết triệt để thì gần đây tại khu vực này lại tiếp tục có hàng loạt công trình xây dựng trái phép khác đang hình thành.

Mảnh đất nông nghiệp giao khoán mặt tiền đường Bắc Sơn - Nam Hải nằm ngay trước trụ sở UBND phường Thành Tô, đã ngang nhiên mọc lên vài căn nhà cấp bốn kiểu dã chiến, tường gạch, mái tôn.

Trao đổi với PV, ông Đinh Minh Tâm, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hải An, thừa nhận tình trạng xây dựng trái phép tại đường Bắc Sơn - Nam Hải gần đây lại tái diễn. Trả lời câu hỏi vì sao TP đã giao cho quận, phường giải quyết triệt để mà vẫn tái diễn tình trạng xây dựng trái phép, ông Tâm cho rằng do lực lượng chức năng của quận mỏng.

Sai phạm 32 hecta đất Phước Kiển: Bắt 2 nguyên lãnh đạo Công ty Tân Thuận

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 nguyên lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận).

Ngày 6-1, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Công Thiện, nguyên tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận).

Theo điều tra ban đầu, hai bị can bị bắt để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Giá đất vùng ven TP. HCM thời gian tới sẽ ra sao?

Cùng với TP. HCM, một số tình thành vùng ven cũng như khu vực Đông Nam Bộ đã lần lượt đề xuất điều chỉnh khung giá đất mới giai đoạn 2020 - 2024 với một số điều chỉnh đáng chú ý.

Đồng Nai với mức tăng cao nhất là 35%

Về giá đất nông nghiệp, mức tăng cao nhất là các xã thuộc địa bàn huyện Trảng Bom (2,2 - 3 lần), huyện Thống Nhất (2,5 - 3 lần), huyện Xuân Lộc (3 - 4 lần), huyện Cẩm Mỹ (2,8 - 3,2 lần). Đất nông nghiệp TP. Biên Hòa có nhiều mức tăng khác nhau, các phường cũ có tỷ lệ tăng thấp nhất (từ 6 - 29%), các phường mới thành lập có mức tăng cao nhất là 4,3 lần.

Nhóm đất phi nông nghiệp cũng được điều chỉnh tăng giá ở hầu hết các khu vực, vị trí, tuyến đường. Trong đó, đất ở tại đô thị được bổ sung thêm 14 tuyến đường mới, đưa tổng số tuyến đường đô thị quy định trong bảng giá đất là 510 tuyến đường và chia thành 715 đoạn. Ở nội dung này, giá đất tại các tuyến đường đều tăng, mức tăng phổ biến từ 1,5 - 3 lần so với giá hiện hành. Mức giá cao nhất là 40 triệu đồng/m2 tại đường 30-4 (TP. Biên Hòa) và thấp nhất 160 ngàn đồng/m2 thuộc thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá đất sẽ được điều chỉnh tăng 10 - 50%

Sở Tài nguyên - Môi trường đã đề xuất phương án điều chỉnh tăng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2020-2024). Cụ thể, có 3 nhóm đất chính cần điều chỉnh tăng giá từ 10 - 15% so với Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND gồm: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp và đất rừng.

TP. Vũng Tàu sẽ áp dụng khung giá tối đa là 300.000 đồng/m2. Các địa phương còn lại được xác định theo tỷ lệ 0,9 khung giá tối đa (TP. Bà Rịa); 0,8 khung giá tối đa (TX. Phú Mỹ); 0,7 khung giá tối đa (huyện Côn Đảo)

Còn đối với đất ở khu vực đô thị được điều chỉnh tăng từ 1-2 lần tùy từng khu vực. Riêng huyện Đất Đỏ và huyện Côn Đảo được điều chỉnh tăng 1,2-1,8 lần đối với đất ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Bình Dương: Tăng bình quân 18%, cao nhất 37,8 triệu đồng/m2

UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về Qui định Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024, được áp dụng từ ngày 1/1/2020. Đối với đất nông nghiệp, giá đất bằng khung giá tối đa do Chính phủ qui định tại Nghị định số 104/2014/NĐ-CP nhưng đảm bảo sự hài hòa giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Riêng giá đất rừng đặc dụng được bổ sung áp dụng bằng giá đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ với mức tối đa 450.000 đồng/m2.

Đối với đất phi nông nghiệp, thực hiện điều chỉnh bằng với giá đất tính theo Hệ số điều chỉnh giá đất (K) năm 2019 đang áp dụng, tương ứng mức tăng bình quân khoảng 18% so với bảng giá đất hiện hành.Cụ thể, TP. Thủ Dầu Một có mức tăng bình quân 10%; thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 5 - 30%; thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên tăng bình quân 5 - 20%; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 10%.

Bảng giá đất cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng được áp dụng bằng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Còn bảng giá đất quốc phòng, an ninh được áp dụng bằng 65% giá đất ở. Đối với đất ở đô thị, các tuyến đường loại I, ở vị trí 1 của TP. Thủ Dầu Một, bao gồm: Yersin, Bạch Đằng, Cách mạng tháng Tám, Đại lộ Bình Dương, Điểu Ong, Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 37,8 triệu đồng/m2. Các tuyến đường loại II ở vị trí 1 của thành phố Thủ Dầu Một có giá đất dao động từ 20 - 25 triệu đồng/m2.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc xây dựng Bảng giá các loại đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2024 với mức tăng bình quân 18% nhằm từng bước tiệm cận hơn với giá đất phổ biến trên thị trường.

Giá đất cao nhất ở Bình Phước 42 triệu đồng/m2

Bình Phước thuộc vùng Đông Nam bộ. Do đó, đối với đất trồng cây hằng năm và đất trồng lúa ở các xã đồng bằng thì giá đất thấp nhất là 15.000 đồng/m2 và cao nhất là 250.000 đồng/m2; xã trung du có giá thấp nhất là 12.000 đồng/m2 và cao nhất là 110.000 đồng/m2; đối với xã miền núi có giá thấp nhất là 10.000 đồng/m2 và cao nhất là 160.000 đồng/m2. Đối với đất trồng cây lâu năm, xã đồng bằng có giá thấp nhất là 15.000 đồng/m2 và cao nhất là 300.000 đồng/m2; xã trung du có giá thấp nhất là 12.000 đồng/m2 và cao nhất là 180.000 đồng/m2; xã vùng cao có giá thấp nhất là 10.000 đồng/m2 và cao nhất là 230.000 đồng/m2.

Đối với đất thương mại và dịch vụ tại nông thôn ở các xã đồng bằng có giá thấp nhất là 48.000 đồng/m2 và cao nhất là 14.400.000 đồng/m2; xã trung du có giá thấp nhất là 40.000 đồng/m2 và cao nhất là 9.600.000 đồng/m2; xã miền núi có giá thấp nhất là 32.000 đồng/m2 và cao nhất là 7.200.000 đồng/m2. Đối với đất ở tại đô thị loại III có giá thấp nhất là 400.000 đồng/m2 và cao nhất là 35.000.000 đồng/m2; đối với đô thị loại IV, giá thấp nhất là 300.000 đồng/m2 và cao nhất là 22.000.000 đồng/m2.

Như vậy, với khung bảng giá đất nêu trên, thì đất đô thị loại III ở Bình Phước có giá thấp nhất là 440.000 đồng/m2 và cao nhất là 42.000.000 đồng/m2 nếu được UBND tỉnh điều chỉnh ở mức cao nhất (tăng 20%).

Tiền Giang phát hành HSMT Dự án Bến phà Vàm Giồng

Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ ngày 3/1 - 5/3/2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu Dự án Bến phà Vàm Giồng.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất, với tổng diện tích đất sử dụng 2.900 m2; tổng mức đầu tư dự kiến là 20 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 40 năm.

Địa điểm thực hiện Dự án là xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông và xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Mục tiêu của Dự án là nâng cao năng lực khai thác và vận chuyển, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống lụt bão khu vực bến phà Vàm Giồng.

Trải nghiệm phong cách nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên rừng & biển Hồ Tràm- Hơn 300 khách hàng đã cùng đến tham dự “hành trình trải nghiệm” Vườn xuân miền nhiệt đới - tham quan và tận hưởng phong cách sống nghỉ dưỡng tại NovaWorld Hồ Tràm ngày 04/01.
 
Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á-Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.