Bản tin bất động sản hôm nay 8/10: Bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 8/10 có những nội dung nổi bật : Tái khởi động dự án BT gần 2.000 tỷ xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng; Nhà đầu tư âm thầm “săn” đất sổ đỏ ở Long An…

Bộ Xây dựng: Nhà ở xã hội ách tắc vì thiếu vốn

Quốc hội yêu cầu có chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp nhưng nhiều dự án không thể triển khai vì thiếu vốn.

Quốc hội yêu cầu có chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp nhưng nhiều dự án không thể triển khai vì thiếu vốn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa gửi Quốc hội báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn.

Về yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt vốn ngân sách, bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội 1.262 tỷ đồng giai đoạn 2018-2020 (mới đáp ứng được 13% so với yêu cầu) để cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, trong năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được giao 500 tỷ đồng, còn 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù cho vay. Do đó có nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện do không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, trong khi nhu cầu của người thu nhập thấp vẫn rất lớn.

Tái khởi động dự án BT gần 2.000 tỷ xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng

UBND Thành phố vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc sử dụng khu đất khác thay thế khu đất 3ha tại Khu Trường đua Phú Thọ, quận 11 để thanh toán Hợp đồng BT dự án Xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng.

Như vậy, gần như khu đất 3ha Khu Trường đua Phú Thọ đã bị loại ra khỏi danh sách “đổi” Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng tại số 8 Võ Văn Tần, Q.3, TP. HCM.

Nhà đầu tư âm thầm “săn” đất sổ đỏ ở Long An

Những khu dân cư được hình thành trong các cụm khu công nghiệp, hạ tầng đồng bộ, pháp lý đầy đủ đang thu hút nhà đầu tư (NĐT) và người ở thực. Bởi, theo các NĐT, đầu tư vào các khu vực này sẽ dễ sang nhượng, dễ cho thuê hoặc định cư lâu dài hơn so với những nơi còn thiếu vắng người ở.

Thời điểm này, thị trường BĐS Long An có dấu hiệu “chững” giao dịch so với trước đó. Đây cũng là tình hình chung của thị trường các khu vực lân cận Tp.HCM ở giai đoạn này. Tuy vậy, các dự án đã có sổ đỏ, tọa lạc ở khu vực cư dân đã hình thành hoặc trong các khu công nghiệp ghi nhận sức mua vẫn khá tốt. Cả NĐT lẫn người mua thực vẫn ráo riết tìm kiếm nền đất ở các khu vực này với biên độ tăng giá đất khoảng từ 20-30%/năm.

Những năm qua thị trường BĐS Đức Hòa, Long An được xem là khu vực có lợi thế vì giáp ranh Tp.HCM và là nơi tập trung hàng loạt khu công nghiệp (KCN) như KCN Hải Sơn, KCN Đức Hòa, KCN Xuyên Á, KCN Tân Đức, KCN Đức Hòa Đông, KCN Thái Hòa…, chính lợi thế này đã và đang khiến thị trường đất nền Long An hút dòng tiền của người mua suốt thời gian qua. Bởi theo các NĐT, những dự án tọa lạc trong các KCN được hưởng lợi thế của việc cư dân hình thành sẵn, BĐS vì thế dễ chuyển nhượng, dễ bán ra hoặc cho thuê lại với giá tốt.

Theo JLL Việt Nam, trong xu hướng bùng nổ của ngành BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam, Long An được xem là lựa chọn mới bên cạnh 2 thủ phủ công nghiệp truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai. Ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển mạnh mẽ này sẽ mang một lượng lớn nguồn nhân lực đổ về Long An, hứa hẹn kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội đáp ứng nhu cầu nhà ở còn thiếu hụt.

Những dự án nằm trong các KCN, đã có sổ, hạ tầng đã đồng bộ vẫn thu hút lượng lớn người mua tìm kiếm ở giai đoạn này

Phú Điền bán 3 khu “đất vàng” ở Hà Nội

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành loạt quyết định cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (tạm viết Công ty Phú Điền) chuyển nhượng một phần Dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại các ô đất CT-01, CT-02 và CX-04 (phần Dự án tại ô đất CT-01) thuộc Dự án giải phóng mặt bằng khu đất hai bên đường trục Tây Thăng Long (vị trí ĐG 6B), phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm cho Công ty cổ phần Quản lý tài sản Sông Nhuệ (tạm viết Công ty Sông Nhuệ).

Cụ thể, tại Quyết định số 5059/QĐ-UBND, Hà Nội cho phép Công ty Phú Điền chuyển nhượng phần Dự án công trình nhà ở chung cư tại ô đất CT-01 có diện tích 10.923 m2 cho Công ty Sông Nhuệ.

Ô đất chuyển nhượng này là một phần của toàn bộ dự án có quy mô sử dụng đất theo các Quyết định số 6174/QĐ-UBND ngày 31/10/2018, số 802/QĐ-UBND ngày 18/02/2019 của UBND Thành phố phê duyệt phương án đấu giá và kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 26.187 m2.

Theo phê duyệt, đây là ô đất có chức năng đất ở chung cư; diện tích xây dựng: 3.255 m2; mật độ xây dựng: 29,9%; diện tích sàn xây dựng: 16.070 m2; hệ số sử dụng đất: 1,5 lần; tầng cao: 2-6 tầng; dân số: 191 người. Tổng mức đầu tư của phần dự án chuyển nhượng khoảng hơn 323 tỷ đồng.

Nghiên cứu trung tâm công nghệ cao 20 ha của Thái Lan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương nghiên cứu về việc Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group - Thái Lan) khai trương trung tâm công nghệ cao True Digital Park có tổng diện tích lên tới 20 ha.

Được biết, đây là trung tâm công nghệ cao đầu tiên và lớn nhất Đông Nam Á, được kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút giới công nghệ trong khu vực và toàn thế giới. Sau khi nghiên cứu, 3 Bộ có hướng đề xuất báo cáo Thủ tướng.

Truyền thông đưa tin dự án trung tâm công nghệ cao True Digital Park bao gồm các khu tiện ích như khu làm việc, khu sự kiện, khu kết nối, khu sáng tạo, đổi mới, khu giải trí, tạo nên một hệ sinh thái tiện ích toàn diện và khép kín. Tập đoàn CP Group cũng cam kết đầu tư góp phần thúc đẩy ngành Fintech tại Thái Lan và trong khu vực, trong đó có Việt Nam thông qua ví điện tử TrueMoney.

Tại Việt Nam, theo quy hoạch tổng thế phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, 3 khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), TP. HCM và Đà Nẵng sẽ được hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, các khu công nghệ cao do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư xây dựng sẽ được thành lập, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhất là nguồn vốn để đầu tư. Đó là Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội (Hà Nội); Khu công nghệ cao chuyên ngành sinh học Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) và Khu công nghệ cao Ascendas-Protrade tỉnh Bình Dương

Sau rất nhiều chuyện lùm xùm, dự án Khu dân cư Lan Anh 7 tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được chấp thuận đầu tư

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên Lan Anh đầu tư dự án Khu dân cư Lan Anh 7 tại xã Nghĩa Thành, huyện

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu dân cư nông thôn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch xây dựng chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND huyện Châu Đức phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 phục vụ nhu cầu ở cho dân cư trong khu vực và người dân ở vùng lân cận nhằm cụ thể hóa Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 21/01/2016.

Quy mô dự án là xây dựng 415 căn nhà ở liên kế cao 02 tầng có sân vườn, với quy mô dân số khoảng 1.600 người. Diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội hoặc diện tích sàn xây dựng nhà ở dành để làm nhà ở xã hội, thực hiện điều tiết quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Phương án tiêu thụ sản phẩm (bán, cho thuê, cho thuê mua), thực hiện bán, cho thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và quy định có liên quan.

Tiến độ thực hiện của dự án: dự kiến giai đoạn 2019 – 2020, hoàn thành đầu tư xây dựng và nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án bao gồm: hệ thống đường giao thông, cấp - thoát nước, hệ thống cấp điện, phòng cháy chữa cháy, công viên cây xanh,...; giai đoạn 2025 – 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng và nghiệm thu, đưa vào sử dụng công trình thương mại- dịch vụ thuộc dự án.

Bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc

Kể từ khi Luật Nhà ở sửa đổi năm 2015 cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đã thu hút được lượng lớn sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Hàn Quốc.

Khi thị trường bất động sản ở Hàn Quốc có dấu hiệu quá nóng, chính phủ nước này đã thực hiện nhiều quy định mới để hạn chế đầu cơ và tăng giá bằng cách áp thuế lên lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản đối với chủ sở hữu nhiều căn nhà cũng như các loại thuế liên quan đến tài sản khác. Các nhà đầu tư địa ốc Hàn Quốc vì vậy đã và đang tìm kiếm các thị trường thay thế, trong số đó Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu trong tầm ngắm.

Dữ liệu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vừa được Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, trong 9 tháng năm 2019, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 4,62 tỷ USD.

Nếu tính riêng theo lượt góp vốn, mua cổ phần thì Hàn Quốc là một trong hai quốc gia có số lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam 9 tháng năm 2019 nhiều nhất, với 1.267 lượt góp vốn, mua cổ phần. Các nhà đầu tư đến từ quốc gia này cũng có tổng số dự án cấp mới và số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam cao với 819 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới đạt 2 tỷ USD.

Thị trường bất động sản nước ngoài được quan tâm nhất là Việt Nam khi có đến 57,6% người tham gia thuộc nhóm có tài sản từ 1 tỷ won tới dưới 5 tỷ won và 56,4% người tham gia thuộc nhóm tài sản trên 5 tỷ won cho biết muốn đầu tư vào Việt Nam. Theo sau Việt Nam lần lượt là Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản...

Phú Quốc: Hàng trăm vụ vi phạm pháp luật về đất đai bị phát giác và xử lý

Từ đầu năm đến nay, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã kiểm tra, xử lý gần 300 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn với tổng diện tích hơn 98 ha và 112 trường hợp lĩnh vực trật tự xây dựng với hơn 52 ha.

Cụ thể, với lĩnh vực đất đai, huyện xử lý vi phạm hành chính 60 trường hợp, trong đó một trường hợp tự nguyện khắc phục hậu quả tại thị trấn Dương Đông; thu hồi đất thực địa 12 trường hợp diện tích gần ha, số còn lại tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục để cưỡng chế. Thông báo yêu cầu tháo dỡ, khôi phục hiện trạng 107 trường hợp, diện tích trên 47 ha; đã thu hồi thực địa 53 trường hợp, diện tích gần 26 ha, số còn lại tiếp tục tổ chức thực hiện. Những trường hợp còn lại, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn làm việc với đối tượng vi phạm, ghi nhận hiện trạng, xác minh nguồn gốc xử lý theo quy trình.

Với lĩnh vực trật tự xây dựng, huyện xử phạt, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có nhiều trường hợp đã thực hiện nộp phạt, tự nguyện tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Ngoài ra, hơn 10 trường hợp đặc biệt, huyện lập biên bản vi phạm hành chính trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử lý.

Đề nghị thu hơn 510 tỷ đồng tại dự án của Gamuda Land

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh kiến nghị của Công ty Cổ phần Gamuda Land tại quận Tân Phú, TP. HCM, liên quan đến đề nghị thu hồi 514 tỷ đồng tại dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng của Gamuda Land.

Trước khi có báo cáo trên, tháng 7/2016, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. HCM kiểm tra, xem xét tố cáo của bà Phạm Thị Kim Loan liên quan đến những sai phạm trong việc thực hiện dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng.

Trên cơ sở xác minh, Thanh tra Chính phủ xác định việc UBND TP. HCM cho phép khấu trừ tiền đền bù, hỗ trợ về đất đối với số tiền 514 tỷ đồng vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông nội bộ, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước tại dự án là chưa phù hợp quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Động thổ dự án Tổ hợp giải trí Cửa Hội (Cửa Lò) cuối tháng 10

Cuối tháng 9 vừa qua, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế tổ hợp giải trí Cửa Hội để chọn chủ đầu tư. Theo đó, khu giải trí cùng tuyến cáp treo vượt biển dài nhất Việt Nam sẽ được động thổ vào cuối tháng 10 này..

Khi hoàn thành, dự án này sẽ trở thành một trong những tổ hợp giải trí quy mô hàng đầu Việt Nam, được kỳ vọng trở thành con át chủ bài, giúp toàn bộ thị xã Cửa Lò lột xác, trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam, thu hút gần 10 triệu du khách mỗi năm trong 5 năm tới.

Nhiều chuyên gia đánh giá, siêu dự án giải trí Cửa Hội sẽ tạo ra kỳ tích cho toàn bộ thị xã Cửa Lò giống như khu giải trí Vinpearl Land đã tạo ra cú bứt phá cho phố biển Nha Trang cách đây hơn 10 năm.

Ở thời điểm hiện tại, ăn theo những tín hiệu từ siêu dự án này, thị trường bất động sản Cửa Lò đã ngay lập tức sôi động khi các dự án nghỉ dưỡng xung quanh khu giải trí này, đón mỗi ngày hàng chục thậm chí cả trăm lượt khách tìm về mua đất. Hàng trăm biển quảng cáo đất dự án đã được dựng lên trên con đường Bình Minh chưa đầy 2 km cùng với đó là sự xuất hiện của đội quân môi giới bất động sản khiến giá đất tại đây tăng nhanh bị đẩy lên các mức mới.

Nếu như thời điểm sau Tết, nhà đất đường Nguyễn Sinh Cung có giá 8 - 10 triệu/m2 thì ở thời điểm hiện tại đã tăng lên 14 - 16 triệu/m2; đất mặt tiền đường Nguyễn Huệ có giá 6 - 9 triệu/m2 nay đã tăng lên 13 - 17 triệu m2; mặt tiền đường Bình Minh trước Tết có giá 30 - 40 triệu/m2, đến nay cũng tăng đột biến lên 50 - 70 triệu/m2.

Cũng tại khu vực này, nhiều siêu dự án khác cũng đã và đang được triển khai như sân golf 27 lỗ, khu giải trí Cửa Hội, Vinpearl Discovery Cửa Hội, Cua Lo Beach Villa...

Đầu tư 2 tuyến đường huyết mạch ngàn tỷ kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành

Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất đưa 2 tuyến đường (số 1 và số 2) kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) vào dự án Sân bay Long Thành để chuẩn bị trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Theo đó, 2 tuyến đường huyết mạch kết nối với dự án sân bay bao gồm: tuyến đường số 1 nối từ quốc lộ 51 vào đến Sân bay Long Thành và tuyến số 2 bắt đầu từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1 (song song với quốc lộ 51, trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu). Đây là 2 tuyến đường khá quan trọng của dự án, cần phải triển khai sớm để có đường vào xây dựng sân bay.

ACV là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án này với tổng số vốn xây dựng 2 tuyến đường khoảng 4.700 tỷ đồng. Hiện ACV đã bàn giao tọa độ, ranh mốc cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Song song đó, nguồn vốn để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng 2 tuyến đường này sẽ lấy từ vốn của ACV để thực hiện. Như vậy, phần kinh phí để đầu tư 2 tuyến đường không liên quan đến phần vốn của Quốc hội giao cho Đồng Nai thực hiện giải phóng mặt bằng sân bay.

Diện tích đất dự kiến cần phải thu hồi là 136ha. Để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên - môi trường xin cơ chế cho phép thực hiện bồi thường giống với dự án Sân bay Long Thành.

Metro số 1 nguy cơ phải ngừng thi công

Nếu không thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh kịp trong tháng 11, việc chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu sẽ dẫn đến nguy cơ ngừng giãn tiến độ thi công tuyến metro số 1 tại TP.HCM.

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính liên quan đến việc thẩm định nội bộ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của 2 dự án xây dựng đường sắt đô thị (metro) số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Theo đó, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ KH-ĐT, UBND TP, Ban Quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư) và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã hoàn thành tổ chức đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện dự án; hoàn thành tổ chức thẩm định nội bộ việc điều chỉnh, bao gồm thẩm định nguồn vốn khả năng cân đối vốn và đã gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính có ý kiến xem xét.

Căn cứ kế hoạch thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cho 2 dự án, thời hạn hoàn tất hồ sơ dự kiến phải kết thúc trước ngày 21.10 nhằm đảm bảo kịp thời gian trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên cho đến nay, TP vẫn chưa nhận được ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ 2 Bộ.

UBND TP.HCM đánh giá nếu tiến độ thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cho 2 dự án tiếp tục kéo dài, chậm trễ, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cự đến mối quan hệ ngoại giao giữa VN và các quốc gia nước ngoài tài trợ cho dự án. Đặc biệt, ảnh hưởng đến khả năng tài trợ tiếp theo cho các dự án đầu tư nói chung và các dự án đường sắt đô thị nói riêng trong tương lai.

Bên cạnh đó, dư luận trong và ngoài nước sẽ có nhận định, đánh giá không tốt vai trò trong công tác quản lý, điều hành thực hiện các dự án vốn vay nước ngoài trong lĩnh vực đường sắt đô thị.

Đáng chú ý, theo UBND TP.HCM, tuyến metro số 1 hiện đã đạt 67% khối lượng tổng thể và đang ở giai đoạn tập trung toàn bộ mọi nguồn lực nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình đưa vào khai thác quý 4/2021. Nếu các thủ tục phê duyệt điều chỉnh không kịp hoàn thành trong tháng 11, việc chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu chắc chắn dẫn đến nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, thậm chí dẫn đến tranh chấp, kiện tụng với các nhà thầu nước ngoài.

Tương tự, tuyến metro số 2 đang ở giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án. Nếu không được thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư trong tháng 11, kế hoạch trao thầu, giải ngân các hiệp định vay của nhà tài trợ sẽ không kịp thực hiện trước hạn cuối vào tháng 12.2020, dẫn đến nguy cơ hết hiệu lực hiệp định vay, dự án mất nguồn vốn và ngưng trệ.

Bản tin bất động sản hôm nay 7/10: Mạo danh doanh nghiệp lớn để bán dự án ma- Bản tin bất động sản ngày 7/10 có những nội dung nổi bật: Công bố bảng giá đất giai đoạn 2020-2024; Thu hồi và cho thuê đất tại vùng DA sân bay Long Thành; Đấu giá 15 khu đất tại Vũng ...
Novaland khai trương sàn giao dịch bất động sản Novaland Cam Ranh - Ngày 31/8, sàn giao dịch BĐS Novaland Cam Ranh chính thức khai trương và đưa vào hoạt động ngay tại vị trí dự án NovaBeach Cam Ranh Resort and Villas (Khánh Hòa).