Đề xuất đổi tên Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thành Luật trẻ em

(VOH) - Sáng 16/03, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi trình Quốc hội xem xét.

Sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cuộc sống đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em như: bạo hành, xâm hại, bóc lột trẻ em... Theo đó, một số nội dung của Luật đã được thống nhất với đề xuất lấy tên mới là: Luật trẻ em.

Việc nên hay không nên nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi được nhiều đại biểu chỉ ra rằng, việc nâng tuổi trong giai đoạn này là phù hợp với Công ước của LHQ về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1990. Theo đó, đối tượng được hưởng lợi chính là trẻ em do có nhiều chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên trong y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thị Hòa cần lưu ý : "Đối với trẻ em thì sự hiểu biết chưa đầy đủ bản thân, về năng lực, trí tuệ còn hạn chế, cho nên nhiều phương thức thực hiện của mình làm cho đứa trẻ sợ sệt, sau này làm ảnh hưởng vào tinh thần. Trẻ hay bị tác động, cảm thấy xấu hổ trước bạn bè. Tâm lý của trẻ em phải được nghiên cứu rất kỹ". 

Một số ý kiến lo ngại lo ngại việc nâng độ tuổi sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước. Ông Huỳnh Thành Lập – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội cho rằng, nếu tăng độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi thì chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.

Vì vậy, việc nâng tuổi trẻ em cần được bảo vệ đến dưới 18 tuổi là cần thiết, lứa tuổi này dễ bị tổn thương. Tình trạng trẻ em bị bắt cóc, hiếp dâm, bạo lực cả ở gia đình và học đường đang ở mức cảnh báo.

Ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM phát biểu tại hội nghị.