Khó xử lý hành vi buôn bán động - thực vật hoang dã

(VOH) - Trong 2 tháng gần đây, Hải quan liên tục bắt giữ những lô hàng sừng tê giác, ngà voi, vẩy tê tê ...với số lượng lớn được nhập khẩu vào nước ta. Sự kiện gần nhất là ngày 13-14/9, Cục điều tra chống buôn lậu khám xét một container chứa vảy tê tê tại cảng Đà Nẵng.

Một lượng "khủng" ngà voi và vảy tê tê bị phát hiện - Ảnh: LĐO

Điều này cho thấy buôn lậu động thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động thực vật hoang dã đang gia tăng theo thời gian, nhất là đường hàng không và đường biển. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan trả lời phỏng vấn VOH. 

* VOH : Ông đánh giá về tình hình tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã tại Việt Nam thời gian qua ?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Vấn đề này rất phức tạp, nhất là đường biển và hàng không. Trên tuyến đường biển thời gian gần đây, chúng tôi bắt được những vụ vận chuyển quy mô rất lớn từ Châu Phi về Việt nam và sau đó đưa đi tiêu thụ ở các nước khác. Chúng tôi bắt được 4 vụ rất lớn, trong đó có 3 vụ của tháng 8. Tang vật thu được 142 kg sừng tê giác, trên 500 kg ngà voi, vụ thứ 2 có 2 tấn ngà voi vụ thứ 3 là 4 tấn vẩy tê tê. Đặc biệt những ngày gần đây, ngày 13, 14/9 chúng tôi phối hợp C44 kiểm tra một container ở Cảng Đà nẵng phát hiện khoảng 4000 kg vảy tê tê. Đó là những thành tích nhưng cũng nêu lên tính chất phức tạp trên tuyến đường biển. Ở tuyến hàng không, các đối tượng cũng dùng mọi thủ đoạn đưa vào Việt nam ngà voi, sừng tê giác và nhiều sản phẩm khác. Đường bộ giáp biên giới Lào, Campuchia việc vận chuyển gỗ trái phép cũng xảy ra.

* VOH : Chúng ta có khó khăn gì, thưa ông ?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Việc áp dụng pháp luật còn nhiều khó khăn, quá trình xây dựng và hướng dẫn các văn bản cũng chưa đồng bộ. Việc xử lý vướng vào các khung hình phạt của pháp luật. Quy định như thế nào là "nguy hiểm", "rất nguy hiểm", "đặc biệt nguy hiểm" thì cũng cần hướng dẫn cụ thể để cách hiểu và áp dụng thống nhất. Định lượng để xử lý, bao nhiêu ký, bao nhiêu tiền. Vì là hàng cấm nên rất khó định giá nên cần có sự hướng dẫn từ cơ quan chức năng để thực hiện dễ dàng.

* VOH : Qua những sự việc này cho thấy, nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt dẫu rằng công tác tuyên truyền có bước tiến đáng kể. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Hiện nay việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động giảm tiêu thụ động vật hoang dã đã có hiệu quả, nhu cầu đã giảm nhiều nhưng đó là ở nước ta. Còn ở các nước khác thì phải có những tổ chức quốc tế họ đánh giá xem là nhu cầu có giảm chưa. Việc tuyên tuyền để người dân hiểu và giảm nhu cầu là điều kiện "sống còn" trong đấu tranh chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.

* VOH : Việc phối hợp với quốc tế trong kiểm soát cũng như truy bắt tội phạm buôn lậu động thực vật hoang dã được thực hiện ra sao khi hiện nay nước ta lại trở thành một tuyến đường buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã từ Châu Phi và các nước ASEAN tới các nước tiêu thụ, thưa ông ?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Hợp tác quốc tế rất tốt ! Hải quan có những kênh thông tin để trao đổi với Hải quan các nước. Cơ quan Hải quan có hệ thống thông tin tình báo Châu Á - Thái Bình Dương, do vậy việc này rất thuận lợi, đặc biệt là Tổng cục Hải quan cũng rất chăm lo cho kênh này để thu thập thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

* VOH : Thời gian tới, giải pháp của Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan như thế nào ?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Có rất nhiều giải pháp mà Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện trong đó có tăng cường lực lượng thực thi, phối hợp với các lực lượng chức năng khác. Ngoài ra, phải bám sát Nghị quyết 41, Chỉ thị 03 nên các lực lượng chức năng phải quyết liệt trong đó có lực lượng Hải quan.

* VOH : Cảm ơn ông.